TNO

Hồ sơ: Tù binh Mỹ ở Hoả Lò liên lạc ra ngoài như thế nào

12/05/2015 10:34 GMT+7

(Tin Nóng) Cuối tháng 4.2015, kênh truyền hình Smithsonian (Mỹ) chiếu loạt phim tư liệu kể việc một nhóm tù binh phi công Mỹ bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) thời chiến tranh Việt Nam đã bí mật liên lạc với Mỹ qua đường thư tín.

(Tin Nóng) Cuối tháng 4.2015, kênh truyền hình Smithsonian (Mỹ) chiếu loạt phim tư liệu kể việc một nhóm tù binh phi công Mỹ bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) thời chiến tranh Việt Nam đã bí mật liên lạc với Mỹ qua đường thư tín.

Hồ sơ: Tù binh Mỹ ở Hoả Lò liên lạc ra ngoài như thế nào - ảnh 1
Alvarez, phi công Mỹ đầu tiên đến ngụ “khách sạn Hilton Hà Nội” sau khi bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc - Ảnh: T.L

Trang tin broadwayworld.com cho biết những tù binh Mỹ này đã tìm cách để liên lạc với CIA và Nhà Trắng thông qua viết các mật mã trong thư từ được phép gửi ra bên ngoài. Những thông tin này đã khiến chính quyền Mỹ gia tăng cường độ các cuộc ném bom và cả vụ tổ chức giải cứu bất thành tù binh Mỹ ở Sơn Tây.

Theo bộ phim, nhóm tù binh này do phi công James Stockdale cầm đầu, ông ta là chỉ huy một phi đội ném bom miền Bắc Việt Nam và bị bắn rơi ngày 9.9.1965. Stocdale là một trong 2 chỉ huy cao cấp hải quân Mỹ bị giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), nơi được phi công Mỹ đặt biệt danh khách sạn Hilton Hà Nội.

Stockdale sau này được lên đến chức vụ phó đô đốc, và từng ứng cử phó tổng thống Mỹ. Nhờ tổ chức được mạng lưới tin trong các tù binh Mỹ ở nhà tù Hoả Lò mà Stockdale sau này được thưởng huy chương.

Sau khi các tù binh Mỹ được Việt Nam Dân chủ cộng hoà trao trả cho Mỹ vào năm 1973, các thành viên trong lưới tin của Stockdale được yêu cầu giữ bí mật. Sau 40 năm, hồ sơ đã giải mật, và kênh Smithsonian dựng thành phim về chủ đề này.

Mạng lưới tin này đã sử dụng nhiều cách để đưa tin ra ngoài qua đường thư tín, chẳng hạn sử dụng những chữ được mã hóa, những cách viết bí mật - một kỹ thuật gọi là "những chấm li ti” và cả 1 đài phát sóng bí mật để báo cáo về điều kiện bị giam giữ, gợi ý các hoạt động quân sự và các cuộc ném bom, và cung cấp thông tin phục vụ 2 trong số những hoạt động giải cứu tù binh lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam.

Mạng lưới này hình thành ban đầu từ 1 bức thư của Stockdale gửi cho vợ là Sybil. Người vợ xem thư, nhận ra rằng chồng mình đã gửi cho cô ta một tin nhắn được mã hóa và sau đó liên lạc với tình báo Hải quân Mỹ và CIA. Sau đó, bà Sybil phải đối mặt với những quyết định khó khăn về việc liệu có nên hỗ trợ các ý tưởng của chồng mình chuyển từ việc là tù binh trở thành điệp viên hay không. Bởi như cựu quan chức CIA Wallace đã nói rằng nếu bị phát hiện là điệp viên thì kẻ đó sẽ bị xử bắn.

Bà Sybil gửi thư trả lời cho chồng, trong thư có một tờ giấy than không nhìn thấy được, giấu rất khéo léo, và một tin nhắn được mã hóa từ Lầu Năm Góc. Stockdale tiếp tục viết thư, sử dụng các chữ cái đặc biệt để báo cáo tình hình về tù binh Mỹ ở Hoả Lò, và một danh sách đầy đủ các tù binh Mỹ tại Hà Nội.

Stockdale sau đó chiêu mộ thêm vài tù binh Mỹ khác để tham gia viết thư có mã hóa, và đã đưa được hàng chục người vào mạng lưới cung cấp tin này, bao gồm cả đại uý Eugene "Red" McDaniel.

Ông McDaniel kể lại rằng "Tôi chưa từng được đào tạo giao tiếp bí mật, nhưng một số bạn tù của tôi thì có, và từ đó họ đã dạy lại cho chúng tôi".

Sau đó, lưới tin của Stockdale đã thông tin cho Lầu Năm Góc qua các lá thư được phép gửi đi, đề xuất các mục tiêu ném bom và thời gian của các cuộc tấn công. Người ta cho rằng nhóm này còn có cả vi phim, vi ảnh (microdot) có thể giấu một tờ giấy đầy đủ các thông tin thu nhỏ chỉ còn như dấu chấm, và thậm chí có cả điện đài phát tín hiệu đến các máy bay không người lái của Mỹ bay trên bầu trời Hà Nội.

Năm 1970, mạng lưới tù binh này đã giúp Lầu Năm Góc vạch ra và thực hiện cuộc giải cứu tù binh Mỹ ở trại tù Sơn tây, còn được gọi là "Chiến dịch Bờ Biển Ngà". Các trực thăng chở lực lượng đặc biệt Mỹ đã đổ xuống trại tù binh Sơn Tây để cứu tù binh Mỹ bị giam tại đây. Tuy nhiên tù binh Mỹ đã được đưa đi nơi khác trước đó vài ngày, quân Mỹ nhanh chóng rút lui và bỏ lại 1 trực thăng bị hư hỏng khi hạ cánh.

Lưới tin của ông Stockdale trước đó đã gửi thông điệp được mã hóa cho hay trại tù này đã bị chuyển đi, nhưng những lá thư này đã được phía Mỹ giải mã quá muộn trước khi chiến dịch diễn ra.

Hồ sơ: Tù binh Mỹ ở Hoả Lò liên lạc ra ngoài như thế nào - ảnh 2
Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội trước khi bị thu hẹp năm 1993 - Ảnh: Tư liệu

Năm 1972, một sứ mệnh giải cứu tù binh Mỹ được lên kế hoạch thông qua mạng lưới thông tin liên lạc bí mật này, có tên "Chiến dịch Thunderhead" liên quan đến một tàu ngầm, một tàu tuần dương của Hải quân Mỹ, trực thăng và một đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ. Đặc nhiệm SEAL sẽ gặp các tù binh Mỹ trốn thoát ở cửa sông Hồng. Tín hiệu để bắt đầu trốn thoát là hai tiếng nổ siêu âm phát ra khi các máy bay do thám SR-71 bay qua Hà Nội, và đó là một dấu hiệu từ Washington cho thấy rằng chính Tổng thống Nixon hỗ trợ các kế hoạch trốn thoát.

Tuy nhiên các nỗ lực vượt ngục đã được bãi bỏ vào phút chót vì quá nguy hiểm. Nhiệm vụ giải cứu này cũng đã dẫn đến cái chết của đặc nhiệm SEAL là Spence Dry. Lý do chính thức cái chết của anh ta được giữ bí mật mật cho 30 năm tiếp theo.

Vào năm 2008, Đô đốc Mike Mullen, sau này là Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã truy tặng huy chương cho Dry về nhiệm vụ bí mật này.

Hồ sơ: Tù binh Mỹ ở Hoả Lò liên lạc ra ngoài như thế nào - ảnh 3
Cổng nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, nay là bảo tàng chứng tích - Ảnh: Đan Hạ

Anh Sơn

>> Quân đội Mỹ tiết lộ bị đĩa bay tấn công trong chiến tranh Việt Nam
>> Hải quân Mỹ từng triển khai 100 đầu đạn hạt nhân ở Vịnh Bắc bộ
>> Giải mật sổ tay hướng dẫn phi công Mỹ đánh cắp máy bay MiG
>> Những bí ẩn không lời giải của Mỹ từ cuộc chiến tranh Việt Nam
>> Hồ sơ: Vì sao UAV Mỹ bị Bắc Việt Nam bắn hạ như sung ?
>> Hồ sơ: Khẩu siêu súng 1.200 nòng của Mỹ phá sản ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.