Hồ Tây từng bị đánh giá ô nhiễm kim loại nặng

12/10/2016 06:35 GMT+7

Nhiều cống xả lớn gây ô nhiễm Hồ Tây vẫn còn như cống xả tàu bay, gần công viên nước, khu vực Trường Chu Văn An

Hôm qua (11.10), UBND Q.Tây Hồ (Hà Nội) đã họp bàn hướng xử lý liên quan đến vấn đề ô nhiễm tại hồ Tây.
Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho biết các vấn đề liên quan đến xử lý ô nhiễm quận đã có báo cáo TP. Hằng năm các cơ quan chức năng đều lấy mẫu nước hồ Tây để nghiên cứu, và đã có một số biện pháp xử lý vấn đề ô nhiễm như kè hồ, kiểm soát một phần nguồn chất thải trực tiếp xuống hồ, nhưng chưa giải quyết được triệt để.
Trước đó, năm 2012, Q.Tây Hồ đã thực hiện Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng hồ Tây.
Theo nghiên cứu thời điểm đó, hồ Tây nhận khoảng 10.000 m3 nước thải sinh hoạt/ngày. Chất lượng môi trường nước thay đổi rõ rệt, độ đục của nước hồ Tây khá cao, có chỗ chuyển màu đen và gây mùi hôi khó chịu về mùa hè như tại cống xả tàu bay, cống gần công viên nước...
Chất lượng nguồn nước thải tại cống trước khi đổ vào hồ đều ở mức ô nhiễm nặng. Chất lượng bùn đáy tại các khu vực xung quanh các cống thải bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng như Pb, Cu, Hg (chì, đồng, thủy ngân) vượt quá giới hạn cho phép nhiều lần gây ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái hồ (hàm lượng tích tụ kim loại nặng trong động vật thân mềm, sinh vật đáy trai ốc, trùng trục) ở mức cao, vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Bộ Y tế và châu Âu.
Tính đến thời điểm hiện tại, dù số lượng cống xả trực tiếp (8 cống lớn và 40 cống cỡ nhỏ năm 2012) còn khoảng 30 cống, nhưng nhiều cống xả lớn gây ô nhiễm vẫn còn như cống xả tàu bay, gần công viên nước, khu vực Trường Chu Văn An...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.