Hệ thống tên lửa S-400 của Trung Quốc chưa thể đe dọa láng giềng

24/04/2015 09:03 GMT+7

(TNO) Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga mà Trung Quốc sắp trang bị không phải là điều đáng báo động cho các láng giềng của Trung Quốc, theo bài báo trên Diplomat ngày 23.4.

(TNO) Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga mà Trung Quốc sắp trang bị không phải là điều đáng báo động cho các láng giềng của Trung Quốc, theo bài báo trên Diplomat ngày 23.4.

Xe phóng tên lửa thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - Ảnh: RIA Novosti

Tạp chí Diplomat cho biết thông tin xác nhận thương vụ của Trung Quốc mua 4 đến 6 tiểu đoàn S-400 từ Nga đã dấy lên lo ngại từ nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ có được khả năng khống chế vùng trời lãnh thổ Đài Loan, bắn hạ được các mục tiêu trên không ở tận thủ đô Ấn Độ và phong tỏa vùng trời tại các khu vực đang có tranh chấp ở biển Đông lẫn biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, ông J. Michael Cole, chuyên gia thuộc quỹ Thinking Taiwan Foundation (Đài Loan), lại có nhận định trái chiều về tác động từ thương vụ này.    

Chưa chắc Trung Quốc có tên lửa S-400 bắn xa tới 400 km

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga - Ảnh: RIA Novosti

“Vấn đề của các nhận định này là còn nhiều điều chưa rõ quanh thương vụ mua tên lửa S-400 của Trung Quốc. Một trong số đó là chúng ta không biết Nga sẽ bán loại tên lửa nào cho hệ thống S-400 dành cho Trung Quốc”, ông Cole nhận xét.

“Tên lửa 40N6 của hệ thống phòng không S-400 có tầm bắn xa theo lý thuyết là 400 km, nhưng vẫn chưa rõ loại tên lửa này có được phép xuất khẩu hay không. Có thể Nga chỉ bán loại tên lửa 48N6 có tầm bắn ngắn hơn rất nhiều, tối đa khoảng 250 km”, chuyên gia này cho hay.

Ông Cole còn đưa ra nhận định rằng trừ phi Trung Quốc đặt toàn bộ hệ thống S-400 dọc theo bờ biển hay đường biên giới, và ngay cả trong trường hợp Moscow đồng ý bán loại tên lửa 40N6, thì S-400 sẽ khó khống chế được vùng trời của các thành phố và khu vực mà các chuyên gia an ninh đã nêu ở trên.

“Lấy ví dụ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm cách Trung Quốc khoảng 370 km về phía đông, tức xấp xỉ tầm bắn tối đa của tên lửa 40N6. Khoảng cách giữa New Dehli và biên giới Ấn Độ-Trung Quốc vào khoảng 400 km. Ngoài ra, để đặt thủ đô Ấn Độ vào tầm ngắm, Trung Quốc không chỉ phải dàn S-400 ngay sát biên giới 2 nước, mà còn phải vượt qua được 1 thách thức lớn – đó là triển khai hệ thống phóng tên lửa này giữa dãy Himalaya”, ông Cole cho biết.   

Còn để khống chế toàn bộ không phận Đài Loan, S-400 sẽ phải được trang bị tên lửa 40N6, đồng thời phải triển khai dọc theo bờ biển tỉnh Phúc Kiến đối diện Đài Loan, theo chuyên gia Cole.

“Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống phóng tên lửa ngay mực nước biển phạm phải những điều cấm kỵ. Một chuyên gia về Không quân Trung Quốc từng lý giải trên Diplomat rằng radar đặt ở vị trí ngang mực nước biển sẽ chẳng thấy được bất kỳ mục tiêu nào ở tầm cao dưới 3,7 km và khi mục tiêu nằm cách xa 250 km”, ông nói.

“Điều này đơn giản là vì trái đất tròn. Vì thế, để tăng khả năng phát hiện mục tiêu, Trung Quốc sẽ phải di chuyển S-400 lùi vào trong đất liền và đặt chúng trên vị trí cao”, theo chuyên gia Cole.

Xe radar hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga - Ảnh: Itar-TASS

Ông nhận xét thêm rằng một hạn chế khác của S-400 chính là sức công phá của tên lửa khi ở tầm bắn tối đa, đặc biệt là đối với các mục tiêu di động.

Roger Cliff, một chuyên gia quân sự của Viện Nghiên cứu “Dự án 2049” (Mỹ) từng nhận định: “Nếu tầm bay tối đa của tên lửa 48N6 là 250 km, thì xác suất thực sự đánh chặn được mục tiêu tại khoảng cách này rất thấp, trừ phi mục tiêu luôn bay thẳng và ở một độ cao nhất định”.

“Nói cách khác, ngoại trừ vùng tây bắc, tính hiệu quả của tên lửa 48N6 của hệ thống S-400 đối với phần lớn không phận Đài Loan vẫn khó biết được”, ông Cliff cho hay.

S-400 chỉ để phòng thủ, không phải dùng để tấn công

Đạn tên lửa dành cho hệ thống phòng không S-400 - Ảnh: militaryparitet
Còn đối với 40N6, mặc dù loại tên lửa này có thể khắc phục được những vấn đề nêu trên, nhưng nó cũng sẽ tạo ra một loạt vấn đề khác, theo chuyên gia Cole.

“Việc toàn bộ vùng trời Đài Loan nằm trong tầm bắn của loại tên lửa phòng không này cũng sẽ là mối đe dọa với máy bay Trung Quốc khi hai bên giao tranh. Để tránh bị hệ thống S-400 bắn nhầm, máy bay Trung Quốc sẽ phải bay sát theo các hành lang ra vào được định sẵn trong vùng tên lửa hoạt động, được mở rộng sang Eo biển Đài Loan”, ông phân tích.

Và trên hết, để có thể đối đầu với không quân Đài Loan, máy bay của không quân Trung Quốc cần được tự do bay lượn, nhưng điều này sẽ khiến radar của Trung Quốc khó nhận biết địch-ta, theo chuyên gia Cole.

“Điều này cho thấy các hệ thống tên lửa phòng không như S-300, S-400 và HQ-9 sẽ không triệt tiêu được các mục tiêu nằm ngoài bờ biển Trung Quốc ở một khoảng cách nhất định”, theo ông Cole.   

Và phân tích nói trên cũng chỉ ra rằng S-400 chỉ được dùng cho mục đích phòng thủ, hơn là tấn công khống chế không phận các nước khác, ông Cliff cho biết.

Mối đe dọa từ S-400 với các nước láng giềng bị thổi phồng

Hệ thống đánh chặn tên lửa S-400 được trưng bày ở Moscow - Ảnh: Reuters
Kịch bản tấn công Đài Loan kể trên cho thấy quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự nếu sử dụng S-400 để phong tỏa vùng trời các nước khác trong khu vực, theo chuyên gia Cole.

“Dựa vào những phân tích đã nêu, có thể thấy rõ rằng khả năng hệ thống phòng không S-400 đe dọa các láng giềng của Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức, và hệ thống tên lửa phòng không này lệ thuộc lớn vào nơi triển khai chúng. Tại thời điểm này, chúng ta cũng không biết được rằng Bắc Kinh có định dùng S-400 như một hệ thống vũ khí tấn công hay không”, ông nói.

Chuyên gia này cũng dự đoán nhiều khả năng quân đội Trung Quốc sẽ bố trí S-400 cạnh những khu vực có thể bị đối phương đánh giá là mục tiêu giá trị tại Trung Quốc, chẳng hạn các đô thị lớn, căn cứ quân sự chủ chốt, nhằm gia tăng năng lực phòng không.

“Tôi cược rằng chúng ta sẽ không thấy S-400 dọc theo bờ biển Trung Quốc hay ngay vùng biên giới với các nước láng giềng”, ông Cole nói.

Tổng Giám đốc Anatoly Isaikin của tập đoàn Rosoboronexport đã công bố thương vụ bán S-400 cho Trung Quốc vào hôm 13.4, với tổng trị giá khoảng 3 tỉ USD. Phát biểu với giới truyền thông, ông Isaikin cho biết S-400 được thị trường quốc tế quan tâm và Trung Quốc sẽ là khách hàng đầu tiên. Hợp đồng giữa 2 bên được cho là đã được ký kết hồi cuối năm 2014 và việc giao tên lửa S-400 cho Trung Quốc sẽ hoàn tất vào năm 2017.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.