Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, không đạt mục tiêu đề ra. Theo Bộ Chính trị, ngoài những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp thì nguyên nhân chủ quan là những hạn chế, vướng mắc "nội tại".
Bên cạnh tình trạng một số cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền thì thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu thống nhất; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc…
Trong thông cáo về chỉ đạo của Bộ Chính trị tại phiên họp, có tới 4 lần từ "hỗ trợ" được nhắc tới, trong đó 3 lần là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất. Chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn, tạo động lực tăng trưởng. Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng…
Trong thực tế, việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh đã được triển khai từ lâu. Tuy nhiên, các giải pháp dường như vẫn đang có độ trễ, chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Trong gần 1 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trực tiếp chỉ đạo, đốc thúc các bộ, ngành địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gỡ các "nút thắt" về pháp lý, chẳng hạn như quy định PCCC hay việc tiếp cận tín dụng, vẫn chưa đạt tiến triển lớn.
Ngay cả việc hoàn thuế giá trị gia tăng vốn là tiền của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, cụ thể là các cục thuế có nghĩa vụ hoàn trả, song nhiều doanh nghiệp vốn đã thoi thóp nhưng "chạy lên, chạy xuống" cả chục lần vẫn vướng mắc ở đâu đó một cách khó có thể lý giải được… Những rườm rà, vướng mắc, chồng chéo và bất cập mà Bộ Chính trị nói đến phản ánh ngay trong việc thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa qua.
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh là giải pháp căn cơ nhất lúc này, củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có phục hồi, phát triển thì mới có thể nói đến sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế vốn đang rất khó khăn, chịu nhiều tác động tiêu cực.
Việc hỗ trợ đúng như chỉ đạo của Bộ Chính trị, là phải "cụ thể" và "hiệu quả", thống nhất và đồng bộ từ trên xuống. Hỗ trợ không thể vướng trong cảnh "trên nóng dưới lạnh", "trên gỡ dưới siết"… như thời gian vừa qua. Và trong từng lĩnh vực, địa phương cụ thể, cũng cần phải truy trách nhiệm, xử lý những người cản trở, làm trì trệ chính sách hỗ trợ tới doanh nghiệp, người dân.
Bình luận (0)