"TỤI NHỎ LÀM MỆ THÊM TIN TƯỞNG"
Trong những ngày tháng 6 oi bức, thời tiết lại không "nóng" bằng lòng người ở chòm 4 thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch (Quảng Bình). Bởi hàng chục hộ dân ở vùng đất "chút mút" phía bắc Quảng Bình này phải di dời để phục vụ thi công dự án đường dây 500 kV mạch 3. Theo ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, 28 hộ dân ở đây có nhà nằm trong dự án điện lưới trọng điểm quốc gia. Đa số đã đồng ý nhận tiền đền bù và chuyển đi tìm nơi an cư mới, nhưng vẫn còn 5 hộ dân đang lừng khừng.
Một trong số đó là hộ bà Trần Thị Xuyên (67 tuổi). Cũng dễ hiểu, bởi ngôi nhà 3 gian của gia đình bà không chỉ là tài sản dành dụm cả đời mà còn lưu giữ biết bao nhiêu ký ức, không phải cứ nói đi là đi được… Chính ông Hiền cũng thừa nhận việc đền bù, giải phóng mặt bằng không đơn giản là gặp gỡ, nói với nhau mấy câu là xong. Bởi còn chuyện tiền bạc, chuyện đền bù, chuyện tính toán thiệt hơn. "Đôi khi trong công tác giải phóng mặt bằng, cách nói, cách tiếp cận là hết sức quan trọng. Phải làm sao cho bà con chấp nhận, tin tưởng, thậm chí là chấp nhận hy sinh chút đỉnh vì những giá trị chung của dự án, của đất nước. Việc này, rõ ràng là cần sự có mặt động viên, chia sẻ, nhất là từ các bạn trẻ", ông Hiền nói.
Cũng giống như bà Xuyên, hộ của anh Võ Văn Tuấn (42 tuổi) vẫn còn lưu luyến nơi chốn này. Dù thế, anh Tuấn hiểu những mối nguy hiểm khi cố "neo" lại nơi mà chỉ cần ngước đầu lên đã thấy đường điện cao thế. "Không ai muốn sống đời ở kiếp dưới đường dây điện, huống chi là đường điện 500 kV. Mấy tháng nay, cứ mỗi ngày mưa, gia đình tôi đều lo lắng, không dám dùng đồ điện, lỡ sấm sét, phóng điện xảy ra…", anh Tuấn nói.
Hiểu được những tâm tư giằng xé về chuyện "đi, ở" của các hộ dân, các bạn trẻ đã đến. Theo anh Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đoàn xã Quảng Đông, những ngày qua họ đã tham gia trong đoàn công tác của chính quyền địa phương đến nhà dân để tâm tình, phân tích thiệt hơn, mong tạo sự đồng thuận… Rằng đây là dự án cực kỳ quan trọng của ngành điện quốc gia, mọi sự hy sinh của người dân đều được chính quyền ghi nhận và đền bù xứng đáng, đúng quy định của pháp luật... cùng lời hứa, sẽ hỗ trợ nhiệt thành nhất để giúp bà con tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển đồ đạc sang nơi ở mới.
"Đến giờ phút này thì mệ vẫn chưa chốt được đất tái định cư, nhưng mệ đồng ý cho dỡ nhà. Chính quyền và tụi nhỏ đã làm mệ thêm tin tưởng", bà Xuyến trần tình.
HĂNG HÁI NHƯ DỌN… NHÀ MÌNH
Ngay sau khi hay tin bà con ở thôn Vĩnh Sơn đã "gật đầu", anh Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình, lập tức tập hợp cán bộ, đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Quảng Trạch, Xã đoàn Quảng Đông phối hợp với chính quyền địa phương tham gia hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án đường dây 500 kV mạch 3.
Với sự tham gia của khoảng 50 đoàn viên, thanh niên, chỉ riêng trong sáng 8.6, đã có 3 nhà dân được tháo dỡ. Không khí làm việc không những hăng say mà còn rất… chuyên nghiệp. Những bạn trẻ có "chuyên môn" được phân công leo lên mái nhà để tháo tôn. Những bạn có sức khỏe đứng bên dưới để đỡ tôn, xà gồ. Bạn nào sức khỏe yếu hơn thì phụ trách bưng bê đồ dùng, tài sản ra ngoài, quét dọn… Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng và thái độ làm việc hăng hái như dọn dẹp chính nhà mình, nên mỗi ngôi nhà đều được "xử lý đẹp" trong khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ.
Nhìn ngôi nhà của mình được hạ giải một cách tươm tất, tôn lợp và xà gồ sắp xếp ngay ngắn, anh Phan Thanh Thảo (32 tuổi, một trong 3 hộ gia đình được giúp đỡ) cười tươi: "Anh em làm không thua gì đội… phá dỡ nhà chuyên nghiệp". Bà Xuyên cũng khen lấy khen để, cảm ơn rối rít rồi vội vào nhà bưng trà nước ra mời các bạn trẻ.
Anh Đặng Đại Bàng cho biết tiến độ công việc trôi chảy nhờ sự đồng thuận của người dân và khí thế hừng hực của đoàn viên, thanh niên. Phan Ngọc Trang (34 tuổi, đoàn viên Xã đoàn Quảng Đông, H.Quảng Trạch) quả quyết: "Bọn mình là đoàn viên cơ sở ở đây, giúp bà con tháo dỡ nhà cửa là việc nên làm. Chưa hết, đối với bọn mình đó là vinh dự, khi được đóng góp một phần công sức, dù là rất nhỏ để giúp công tác truyền tải điện của đất nước được nhanh chóng, ổn định".
Sau khi hoàn thành công việc, những bóng áo xanh đẫm mồ hôi lặng lẽ ra về trong ráng chiều. Nhìn họ, càng thấm thía câu "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" không chỉ là một khẩu hiệu…
Bình luận (0)