|
Hầu khắp trên vỉa hè, lòng đường các tuyến phố như Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng hoặc các tuyến đường nội đô thuộc các khu đô thị như Đại Từ, Kim Giang, Nam Trung Yên… đều có các hố ga không nắp. Đặc biệt, trên đường Nguyễn Xiển, dưới gầm cầu đường cao tốc vành đai 3, hố ga mất nắp lên tới hàng chục không được che chắn, với độ sâu trung bình 1m, rộng 1 - 1,5m, là “bẫy tử thần” với người dân sống trong khu vực cũng như người tham gia giao thông.
Trên vỉa hè đường Khuất Duy Tiến còn xuất hiện một số hào kỹ thuật, hố công trình rộng tới 2-3m án ngữ ngay lối đi bộ, chỉ được che đậy tạm bợ bằng những cành cây khô. “Họ làm cẩu thả lắm, thi công xong không chịu thiết kế nắp đậy lại. Sợ nhất là vào buổi tối, hố sâu thành mối hiểm họa thường trực, đặc biệt nhiều cháu nhỏ đi dạo hoặc người lạ từ nơi khác đến chỉ sẩy chân cái là rơi xuống hố”, bà Hằng, bán nước trên đường Khuất Duy Tiến lo lắng.
Chưa hết, những hố ga không nắp còn là nơi tập kết rác thải, gây tình trạng ngập lụt khi mưa lớn. Ngay sau Trường THPT Amsterdam có đường nối giữa Trần Duy Hưng và Nguyễn Thị Thập hàng ngày nhiều người qua lại, có tới chục hố ga không nắp đã gần 3 năm nay không ai xử lý.
“Rất nhiều lần tôi chứng kiến các chị lao công quét thẳng rác xuống các hố này. Nhiều hố ga đã lấp gần đầy rác. Đầu tư bao nhiêu tiền cho hệ thống thoát nước mà cứ hố ga thành hố rác thế này, làm sao Hà Nội thoát ngập? Chưa kể mỗi lần qua, tôi đều phải căng mắt để tránh rơi xe xuống hố”, chị Thanh nhà ở Mỹ Đình, hàng ngày chở con đi học qua con đường này, bức xúc phản ánh.
Tại tuyến phố Thụy Khê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhan nhản cống hàm ếch thoát nước ven đường không được che chắn ngăn rác thải, mặc dù đây là khu vực đông dân cư.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Công Tuyên, Phó Phòng Kỹ thuật Môi trường nước (Công ty thoát nước Hà Nội) khẳng định thời điểm hiện tại, tình trạng hố ga mất nắp hầu như không có (?). Theo ông Tuyên, Công ty giao cho từng xí nghiệp thoát nước trên địa bàn, mỗi xí nghiệp luôn có 20 công nhân ăn lương và chỉ làm công việc kiểm tra hố ga mất nắp, hư hỏng để khắc phục đảm bảo an toàn có biện pháp che chắn và thay thế trong vòng 24 giờ khi phát hiện.
“Hầu hết hố ga mất nắp là loại nắp gang do bị trộm lấy cắp”, ông Tuyên quả quyết. Trước lo ngại rác thải tập kết ở hố ga mất nắp gây ngập úng thêm, ông Tuyên cho rằng, thiết kế đã có màng chắn rác ở bên trong và vẫn cử công nhân nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước theo từng đợt.
Ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng Phòng Giao thông Đô thị (Sở GTVT Hà Nội) thì lý giải, các hố ga, hào kỹ thuật nằm trên các vỉa hè, tuyến phố thuộc sự quản lí của nhiều đơn vị khác nhau như Công ty Thoát nước Hà Nội, giao thông, điện lực… nên vị trí hố ga mất nắp, hố sâu công trình thuộc đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm xử lí. Phía Sở cũng có lực lượng đi kiểm tra, phát hiện vi phạm sẽ có biện pháp xử lí và thông báo đến các đơn vị quản lí.
Với thực trạng hiện nay, nếu không tổng kiểm tra, rà soát trên tất cả tuyến đường Hà Nội, nguy cơ tai nạn giao thông, chết người từ các hố ga không nắp là điều khó tránh khỏi.
Nguyễn Tuấn
>> Kiểm tra hiệu quả 2 máy dò hố 'tử thần
>> Hố 'tử thần' xuất hiện giữa trung tâm thành phố
>> Hố 'tử thần' xuất hiện giữa trung tâm, giao thông kẹt cứng
>> ‘Hố tử thần’ ở Phú Thọ vẫn diễn biến phức tạp
Bình luận (0)