Tôi bị ho gần 1 tháng, đến nay vẫn chưa khỏi. Biện pháp nào hỗ trợ điều trị ho kéo dài, có phải tôi bị ho kéo dài? - Tuyết Ngọc – TP.HCM
BS. CKI. Võ Đình Hưng – Viện Y học dân tộc cho biết, ho là một phản xạ sinh lý giúp làm sạch đường hô hấp, phản ứng tích cực của cơ thể nhằm tống xuất các dị vật, chất tiết, vi sinh vật ra khỏi đường hô hấp. Nếu ho kéo dài sẽ gây ra các tác hại khác cho cơ thể như gây đau rát họng, đau đầu, đau ngực, tiểu són.
Một số bệnh thường gặp
Ho thường xuyên và kéo dài là triệu chứng của nhiều bệnh gây gia tăng sự kích thích và cản trở ở màng nhày đường hô hấp như các bệnh: cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, lao phổi, ung thư phổi… dùng thuốc huyết áp (nhóm ACE)
Theo cơ chế, ho là một phản xạ của cơ thể nhằm tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài. Ho là phản xạ của thần kinh và tương ứng khi thở ra bất thình lình và mạnh. Nắp thanh quản lúc đầu đóng lại, rồi tức thì mở ra để đẩy lượng không khí ra ngoài kèm theo các chất tiết chứa trong khí phế quản (nếu có). Ho là một phản xạ tự nhiên.
Cơ quan cảm thụ là các dây thần kinh ở họng – thanh quản hoặc thanh quản – phế quản, màng phổi, nhưng cũng có khi là những chất kích thích từ tai giữa, trung thất, cơ quan dưới cơ hoành. Hành tủy hoặc các dây thần kinh nối từ vỏ não. Các dây thần kinh vận động như dây thần kinh quặt ngược, liên sườn, cơ hoành, cơ bụng.
Phân loại ho
- Ho có đờm: Thường ho lọc xọc, cũng có khi chất tiết không phải là đờm, vì đờm đã bị nuốt.
- Ho khan: Ho không có chất tiết, thường ho từng cơn, loại ho này thường làm bệnh nhân mệt, có thể làm dịu đi khi dùng thuốc giảm ho, thuốc ngủ.
Các phương pháp điều trị
Viêm họng mạn: Thường hay (ho gió), ho khan mà không kèm theo sốt, không khạc ra đờm, không đau ngực. Đau họng, cảm giác vướng vùng họng.
Việc điều trị viêm họng theo YHCT thường phải dựa vào nguyên nhân để điều trị. Riêng viêm họng do siêu vi thì thường chỉ điều trị triệu chứng, không cần dùng kháng sinh dự phòng, chỉ sử dụng khi có bội nhiễm vi khuẩn. Điều trị cụ thể thường nghỉ ngơi, uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, cần đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường, dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, do các triệu chứng ho hay đau họng có thể kéo dài, nên dùng thêm các thuốc điều trị triệu chứng để làm giảm ho, giảm đau họng.
Viêm thanh quản mạn: Ho khan, nói khan hoặc mất tiếng.
Viêm khí quản, phế quản mạn: không sốt cao, ho khan, có thể có đờm. Đờm đặc hoặc loãng, màu trắng hoặc vàng.
Phương pháp điều trị cụ thể, theo chỉ định của Bác sỹ chuyên khoa.
Biện pháp hỗ trợ điều trị
Với những trường hợp ho kéo dài ở người lớn, cần đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường, súc họng bằng nước muối nhạt hàng ngày. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Ăn uống (tránh nước đá lạnh) và làm việc điều độ để giữ gìn sức khỏe và tăng sức đề kháng.
Một số mẹo nhỏ giảm ho có thể áp dụng như:
- Lá húng giã lấy nước uống sống hoặc thái nhỏ chưng với đường phèn.
- Mật ong hấp với quả quất còn xanh.
- Hoặc mật ong hấp lá hẹ, có thể kết hợp viên ngậm bạc hà.
- Gừng tươi cắt lát hãm nước sôi, uống lúc còn ấm.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ, bạn có thể thoa dầu nóng ngay dưới gan bàn chân và nếu trời lạnh thì đi tất để giữ ấm bàn chân khi ngủ.
Trong ăn uống, người bị ho không nên ăn những món như tôm, dừa, các loại trứng, đậu phộng, hạt điều, dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt, nước mía, nước đá, cốm. Đặc biệt cần bỏ thuốc lá với người có thói quen hút thuốc lá.