Hồ Xuân Hương - những sáng tạo của nhà tiểu thuyết

Nguyễn Khắc Phê
Nguyễn Khắc Phê
18/03/2024 07:23 GMT+7

Tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương của Nguyễn Thế Quang (NXB Tổng hợp TP.HCM, vừa xuất bản 2024) ôm trùm không gian, thời gian rộng lớn suốt cuộc đời của nữ sĩ với toàn bộ sự nghiệp cùng quan hệ với các danh sĩ đương thời. Tác phẩm dựng nên chân dung một nhân vật phong phú, xứng đáng được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa.

Mặc dù đã có không ít kinh nghiệm qua các tác phẩm thành công trước đó như tiểu thuyết Nguyễn Du, Đường về Thăng Long, Thông reo Ngàn Hống (viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ, được tặng giải thưởng ASEAN năm 2016)…, nhưng với Hồ Xuân Hương, tác giả Nguyễn Thế Quang đã rất thận trọng, bỏ nhiều công sức nghiên cứu, đối chiếu các nguồn tư liệu trong cả chục năm qua, để viết nên cuốn sách này. Tác phẩm Hồ Xuân Hương dày trên 500 trang, được chia làm 9 phần, gồm 27 chương, kết cấu chủ yếu theo dòng thời gian, mở đầu là phần Tuổi thơ tươi đẹp và phần cuối Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng viết về những năm tháng cuối đời của bà.

Ảnh: N.K.P

Bìa sách Hồ Xuân Hương

N.K.P

Ngoài việc trung thành với phương pháp "cổ điển" và cẩn trọng khi xử lý các tình tiết, sự kiện liên quan đến lịch sử, bối cảnh nhân vật hoạt động, kể cả tên các địa phương cũng ghi đúng như cách gọi 2 thế kỷ trước, tác giả vẫn mạnh dạn hư cấu, tạo nên một tiểu thuyết hấp dẫn.

Ngay từ chương đầu, tác giả đã sáng tạo chuyến về thăm quê Quỳnh Đôi (Nghệ An) của Hồ Phi Mai (tên thầy Hồ Phi Diễn đặt cho con, sau mới lấy hiệu là Xuân Hương) vào thời điểm ngoài Bắc, anh em họ Trịnh tranh đoạt ngôi, Đặng Thị Huệ lộng quyền, trong Nam thì quân Tây Sơn tiến công Gia Định. Thầy Diễn ra Bắc dạy học rồi làm rể Kẻ Chợ (tức Thăng Long), nay cho con về làng, để được người chú là thầy Hồ Phi Hậu đưa đi thăm các di tích văn hóa, kể cho nghe truyền thống tốt đẹp trong làng, trong họ… Không ngờ, một chiều nọ, tú tài Hồ Thắng đứng đầu Hội Tư văn của làng, đến quở trách Hồ Hậu sao để cháu con "ngủ ngày lại còn thơ với phú chế giễu cả thiên hạ". Đó là bài thơ nhiều người đã biết:"Trưa hè hẩy hẩy gió nồm đông/Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng…". Bất ngờ nữa là bà vợ chú lại bênh cháu: "Nó ngủ là việc của nó, ai bảo cứ đứng nhìn, nó giễu cho là phải". Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng: "Đây là bức tranh phụ nữ khỏa thân đẹp nhất của Hồ Xuân Hương và của văn hóa Việt Nam…".

Chỉ với chục trang đầu tiên, tác giả đã cho nhân vật trình diện trước bạn đọc với tính cách và tài thơ khác thường giữa bối cảnh xã hội cả nước cho đến diện mạo văn hóa một làng ở miền Trung. Cũng chỉ với một ít tư liệu thành văn tự - trong đó có thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương mới được công bố vài chục năm gần đây, tác giả đã mạnh dạn hư cấu nhiều mối tình của nữ sĩ với các danh sĩ như Mai Sơn Phú, Tổng Kình (tức Tổng Cóc trong các giai thoại), Nguyễn Du, Chiêu Hổ, Tôn Phong, Trần Phúc Hiến…; trong đó mối tình với Nguyễn Du và quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiền là đậm đà nhất. Tôi nghĩ với một nữ sĩ tài danh, tác giả những bài thơ giàu biểu tượng phồn thực của bà không chỉ "chống lại tập quán tính dục ích kỷ của người đàn ông… mà còn coi tính dục của người phụ nữ là chủ, là ngọn nguồn, là túi "càn khôn"…" (nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy) thì những chuyện tình được hư cấu trong tiểu thuyết Hồ Xuân Hương là hợp lý. Cạnh đó, chỉ với chi tiết Xuân Hương cho Chiêu Hổ một "bài học": "Này này chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay" cùng với việc nàng từ chối tình yêu say đắm của Tôn Phong, chứng tỏ nữ sĩ luôn biết giữ phẩm giá của phái đẹp chứ không buông thả theo nhu cầu bản thể.

Phần cuối tiểu thuyết cũng là một sáng tạo thú vị. "Truyền thuyết" cho rằng Xuân Hương đã trầm mình chết theo chồng, nhưng tác giả lại "để nữ sĩ đi vân du khắp chốn như mong ước tự do thể hiện trong những bài thơ của bà". Nguyễn Du nói: "Con người như nàng không bao giờ chọn cái chết bi thảm, bế tắc như vậy". Và một đêm, Xuân Hương đã trở về thắp hương cho thân mẫu trong bộ áo nâu sồng nhà Phật… Việc tác giả hư cấu không chỉ "hợp lý" mà còn hàm ý tôn vinh nữ sĩ họ Hồ sống mãi như những vần thơ của bà. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.