Hòa Bình phấn đấu sớm trở thành đô thị loại IV

28/04/2022 16:32 GMT+7

Đảng bộ huyện Hòa Bình đã chủ động xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động với quyết tâm sớm đạt đô thị loại IV vào năm 2025 và từng bước trở thành thị xã, theo Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa 16.

Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết Đảng bộ huyện xác định xây dựng đô thị phải đi đôi với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngoài công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân để xây dựng quê hương phát triển bền vững, sớm trở thành đô thị vệ tinh năng động của tỉnh, huyện sẽ tập trung tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Một dự án Nhà máy điện gió trên địa bàn xã Vĩnh Hậu

Phan Thanh Cường

Nhiều ưu thế phát triển

Theo lãnh đạo UBND huyện, so với các huyện trong tỉnh, Hòa Bình có nhiều ưu thế để phát triển. Cụ thể, huyện nằm giữa 2 đô thị lớn là thành phố Bạc Liêu và thị xã Giá Rai; có 2 vùng kinh tế mặn - ngọt, trong đó vùng ven biển với tiềm năng phong phú rất thuận lợi để phát triển nuôi tôm công nghệ cao, điện gió, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Mục tiêu của huyện là phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng thị trấn Hòa Bình trở thành đô thị loại IV, xã Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Mỹ B, Vĩnh Thịnh và Vĩnh Bình trở thành đô thị loại V, giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch bảo đảm gắn kết chặt giữa thành thị và nông thôn theo đặc thù riêng của huyện; đồng thời mở rộng không gian đô thị về cả 2 hướng Bắc và Nam quốc lộ 1, phù hợp chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Đặc biệt, huyện ưu tiên bắt tay ngay vào việc chỉnh trang thị trấn Hòa Bình: nâng cấp, cải tạo quảng trường Hòa Bình, xây khu văn hóa - thể thao đa năng, nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ…

Huy động các nguồn lực đầu tư

Qua rà soát, phân tích các tiêu chí hiện trạng đô thị của huyện, ước tính cần khoảng 7.000 tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan khu vực nội thị, xây dựng công trình văn hóa cấp đô thị, xây dựng nông thôn mới. Do đó, ngoài nguồn nội lực thì huyện rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ từ ngoại lực.

Huyện chủ động khẩn trương triển khai các kế hoạch, giải pháp đã được xây dựng, tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án động lực của tỉnh trên địa bàn; trọng tâm là dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm siêu thâm canh). Lợi thế của huyện là trên địa bàn có 5 công trình điện gió đang vận hành với tổng công suất 270 MW. Đây cũng chính là các dự án trọng điểm, vừa góp phần phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo hàng ngàn việc làm, đồng thời kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.

Hiện huyện tập trung phát triển sản xuất ở cả 2 vùng sinh thái: xây dựng vùng phía bắc quốc lộ 1 thành vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất hữu cơ gắn với chế biến, xuất khẩu lúa gạo; đẩy mạnh phát triển thủy sản vùng phía nam quốc lộ ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Thời gian tới, huyện tập trung đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm, có tính liên kết vùng nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư; đồng thời tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” một cách hợp lý đối với các hạng mục công trình gắn liền với lợi ích của người dân. Hy vọng với cách làm trên, H.Hòa Bình sẽ sớm đạt mục tiêu xây dựng đạt đô thị loại IV và trở thành thị xã”, ông Hồ Văn Linh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.