Soạn giả Lê Duy Hạnh - Những tác phẩm để đời

'Hoa độc trong vườn' ẩn ý sâu xa

Hoàng Kim
Hoàng Kim
09/09/2024 05:43 GMT+7

Khoảng 1985, Đoàn văn công TP.HCM cho ra mắt vở Hoa độc trong vườn của soạn giả Lê Duy Hạnh với cặp đào kép nổi tiếng là Mỹ Châu - Đức Minh.

Sau này, nhiều phiên bản khác được dàn dựng với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác như Lệ Thủy, Phương Quang, Đức Lợi, Thanh Tòng, Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Thoại Miêu, Tâm Tâm, Tô Châu… Những phiên bản này được quay tại Đài truyền hình TP.HCM rồi phát hành dưới dạng băng video vẫn luôn được khán giả nhiệt tình thưởng thức.

AI LÀ HOA ĐỘC ?

Bối cảnh là đất Giao Châu vẫn còn lệ thuộc nhà Nam Hán, nhưng dưới quyền cai trị của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ thì tinh thần tự chủ rất cao. Vì thế hoàng đế Lưu Cung của Nam Hán tức tối, quyết phá cho bằng được. Dương Đình Nghệ có hai tướng rất giỏi là Kiều Công Tiễn (con nuôi) và Ngô Quyền (con rể, chồng của nàng Dương Như Ngọc), vì thế muốn đánh Dương Đình Nghệ, Lưu Cung phải nghĩ cách chia rẽ hai tướng tài này. Nam Hán cho các bộ tộc ở phía nam (Châu Ái) quấy rối để Dương Đình Nghệ điều Ngô Quyền đi dẹp loạn. Còn lại Kiều Công Tiễn bị sứ thần Nam Hán mua chuộc, đã bỏ thuốc độc giết cha nuôi, soán ngôi, và bắt Như Ngọc cống sang đất Hán để lập công. Như Ngọc tự sát giữ gìn tiết hạnh với chồng và với đất nước, buộc Kiều Công Tiễn phải bắt Huệ Nương thay thế. Huệ Nương mặc áo cô dâu nhưng giả câm với lý do khác phong thổ, quyết sang đất Hán làm tình báo cho quân Giao Châu. Cuối cùng, Ngô Quyền với trận Bạch Đằng Giang lẫy lừng đã chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, xây dựng nền độc lập cho đất nước.

'Hoa độc trong vườn' ẩn ý sâu xa- Ảnh 1.

NSND Thanh Tòng (vai Kiều Công Tiễn), NSƯT Phương Quang (vai Ngô Quyền) trong vở Hoa độc trong vườn

ẢNH: TƯ LIỆU

Vấn đề mà Lê Duy Hạnh nhấn mạnh chính là sự thoái hóa của xã hội sau 10 năm thanh bình, đã nảy sinh những con người tiêu cực, làm suy yếu sức mạnh quốc gia. Khổ nỗi, những con người đó lại chính là người từng có công lao trong thời chiến, như Kiều Công Tiễn, nên làm sao xử lý? Mạnh tay thì không nỡ. Còn dung dưỡng thì như nuôi ung nhọt trong người, nuôi rắn độc, hoa độc trong vườn, để sau này phải hối hận, như Ngô Quyền nói: "Ta nhìn thấy nhưng vì nể nang nên đành chấp nhận để rồi con rắn độc kia gây bao thù hận phá nát vườn hoa làm điên đảo cơ đồ. Ta còn trách ai mà phải tự hỏi chính bản thân mình. Tại sao trong chiến chinh ta không hề do dự, nhưng xây dựng lúc thanh bình ta lại nhân nhượng trong đấu tranh. Biết kẻ phá hoại sẽ lộng hành, tại sao ta chưa cẩn trọng giữ gìn, cứ nể nang, chờ đợi…".

Mỗi câu thoại Lê Duy Hạnh viết ra cứ như mũi kim đâm vào lòng khán giả. Và Lê Duy Hạnh còn nhấn mạnh đến sự đoàn kết nội bộ, đừng vì tham lợi, tham danh mà bị kẻ thù lợi dụng, chia rẽ, quên đi cái chung của xã tắc. Trong chiến tranh có khi người ta đoàn kết hơn, quyết liệt hơn; còn trong thời bình khi lợi danh bao phủ thì người ta lại dễ chia rẽ hơn.

Ý NGHĨA SÂU XA MÀ THỂ HIỆN VẪN NGỌT NGÀO

Với nội dung đầy ẩn ý sâu xa như thế, vở diễn thường dễ rơi vào nặng nề, khô khan. Nhưng không, Lê Duy Hạnh cài vào những chi tiết rất ngọt, trữ tình, đúng chất cải lương, khiến người xem thấy dễ chịu, hấp dẫn. Soạn giả hư cấu ba mối tình giữa Ngô Quyền - Như Ngọc, Kiều Công Tiễn - Huệ Thanh, Kiều Hận - Huệ Nương đủ "làm mềm" kịch bản, nhưng cũng đủ thể hiện những tầng lớp nhân dân cơ bản trong xã hội, tất cả đều vượt qua ngang trái để đặt tình yêu tổ quốc lên trên hết. Cho nên không lạ, dù ti vi đã phát sóng không biết bao nhiêu lần vở này rồi, mà khi băng video phát hành người ta vẫn ùn ùn đi mua, đi thuê về xem. Vở sử mà phát hành đắt không thua gì những vở màu sắc hương xa.

'Hoa độc trong vườn' ẩn ý sâu xa- Ảnh 2.

NSND Lệ Thủy (vai Dương Như Ngọc) và NSƯT Phương Quang (vai Ngô Quyền)

ẢNH: TƯ LIỆU

NSƯT Phương Quang đầy nét đẹp nam tính, uy dũng trong vai Ngô Quyền, nhưng giọng ca mùi tương tự Út Trà Ôn đã "đốn tim" bao khán giả. NSND Lệ Thủy vào vai Như Ngọc vừa tươi tắn như hoa, vừa đằm thắm, kiêu hùng đúng con nhà nòi võ tướng, thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng.

Vai phản diện Kiều Công Tiễn giao cho NSND Thanh Tòng quả là xứng đáng. Ông diễn rất giỏi, tinh tế từng cái liếc mắt gian xảo, từng tích tắc phân vân giữa thương vợ và giết vợ, từng nét hậm hực, ganh tị với Ngô Quyền… Phải nói là Thanh Tòng có đất diễn rất rộng, tha hồ cho ông thi thố tay nghề. Và Thanh Tòng đa năng, ông diễn vai chính diện rất hay mà diễn phản diện cũng xuất sắc.

Hồi quay phiên bản tại HTV thì đạo diễn vở - NSND Hồng Vân - là của kịch nói. Có lẽ là vở cải lương đầu tay dàn dựng, nên Hồng Vân kéo cả Việt Anh, Quốc Thảo, Minh Phượng tham gia những vai nho nhỏ, khiến khán giả bất ngờ, thú vị. Lúc đó Vân còn trẻ măng, nhưng thế hệ nghệ sĩ chúng tôi vẫn nghiêm túc hợp tác với Vân vì Vân có học hành trường lớp đàng hoàng, mình phải tôn trọng lớp trẻ. Ngược lại, những gì Vân chưa rành thì dân cải lương như tôi góp ý, cùng nhau làm vở cho thật tốt. Chúng tôi làm việc rất hòa thuận, ăn ý. Một thời vở sử mà rất hấp dẫn, nghệ sĩ lẫn khán giả đều thăng hoa, đáng quý vô cùng.

NSND Lệ Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.