Hóa giải bí ẩn đằng sau ‘những cột đá chiến binh’ 100.000 năm tuổi ở Úc

04/10/2024 15:26 GMT+7

Các cấu trúc đá vôi kỳ lạ gọi là 'những cột đá chiến binh' được phát hiện đã mọc lên giữa sa mạc Pinnacles thuộc bang Tây Úc của xứ sở chuột túi cách đây 100.000 năm, theo kết quả nghiên cứu mới.

Hóa giải bí ẩn đằng sau ‘những cột đá chiến binh’ 100.000 năm tuổi ở Úc- Ảnh 1.

Những cấu trúc bằng đá vôi ở Công viên Quốc gia Nambung thuộc Tây Úc

ảnh: FullofTravel.com

Người Yued thuộc dân bản địa Úc cho rằng những cột đá vôi đại diện cho các bàn tay của những chiến binh bị cát nuốt chửng vì chống đối thủ lĩnh bộ lạc vào thời xa xưa. Đó là lý do thổ dân Úc gọi chúng là "những cột đá chiến binh".

Kích thước của những cột đá trung bình cao 5 m, rộng 2 m, tạo nên một cảnh tượng giống như ngoài hành tinh ở miền tây nước Úc, theo Đài ABC hôm 4.10.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu Đại học Curtin (Úc) phát hiện những cột đá vôi này trên thực tế đã hình thành 100.000 năm trước, trong giai đoạn sa mạc Pinnacles trải qua giai đoạn ướt át nhất trong lịch sử và kéo dài suốt nửa triệu năm.

Đồng tác giả báo cáo Matej Lipar cho hay sự có mặt dồi dào của nước trong giai đoạn đó dẫn đến đá vôi phân rã, tạo thành những cột đá có hình dáng đặc biệt và giàu chất sắt.

Các nhà nghiên cứu phát hiện quang cảnh những cột đá ở sa mạc bang Tây Úc có thể được tìm thấy dọc theo bờ biển trên toàn cầu, bao gồm Địa Trung Hải, Trung Đông, bờ nam và đông nam châu Phi, cũng như tiểu lục địa Ấn Độ, vùng Caribbean, Bermuda và một số đảo Thái Bình Dương.

Trước đây, giới khoa học biết rằng địa hình cột đá vôi có thể đóng vai trò như là chỉ dấu cho những thay đổi môi trường địa phương. Tuy nhiên, phải chờ đến bây giờ họ mới nghĩ ra biện pháp nghiên cứu sâu hơn về những thay đổi của chúng.

"Nghiên cứu các cột đá trong một giai đoạn thời gian cụ thể có thể giúp chúng ta tìm hiểu cách thức các hệ thống địa chất của trái đất phản ứng với những thay đổi của khí hậu", tiến sĩ Lipar giải thích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.