Hòa giải lao động: Chuyển từ bị động sang chủ động

04/06/2013 04:00 GMT+7

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hy vọng tới đây với việc chuyển hệ thống hòa giải lao động hoạt động một cách bị động sang chủ động sẽ giảm tình trạng đình công tự phát.

Bùng nổ đình công tự phát

Theo báo cáo vừa được Tổng liên đoàn Lao động (LĐ) Việt Nam công bố, trong 5 năm, từ năm 2008 - 2012, cả nước xảy ra hơn 3.000 cuộc tranh chấp cụ thể và đình công. Riêng năm 2011 xảy ra nhiều vụ đình công nhất với gần 1.000 vụ. Trong đó, đình công chủ yếu xảy ra tại các tỉnh thành tập trung nhiều công nhân như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Rõ ràng trong suốt thời gian dài, những bất ổn trong quan hệ LĐ gần như không được giải quyết triệt để. Phó chủ tịch Tổng liên đoàn LĐ Việt Nam Mai Đức Chính thừa nhận, hội đồng hòa giải cơ sở (theo quy định của bộ luật LĐ năm 1994) thực tế hoạt động ít hiệu quả, không đảm bảo khách quan. Về phía người LĐ cũng cho rằng, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ lợi ích của người LĐ còn mờ nhạt. Quá trình thương lượng tập thể nhiêu khê, phức tạp nên đã chọn cách nhanh nhất để thương lượng về quyền lợi với chủ DN.


Đình công sẽ giảm khi dịch vụ hòa giải đi vào hoạt động - Ảnh: Minh Sang 

Theo ông Yoon Youngmo, Cố vấn trưởng dự án Quan hệ LĐ (ILO tại Việt Nam), những nguyên nhân trên đúng nhưng chưa đủ. “Nếu nhìn vào các cuộc đình công, sẽ thấy một thực tế khác. Mặc dù đình công xảy ra rất nhiều nhưng nó chỉ diễn ra ở một số DN nhất định. Theo quan sát của chúng tôi, 2 ngành chức năng theo dõi đình công tại địa phương là Sở LĐ-TB-XH và hệ thống công đoàn chưa có kế hoạch hay nỗ lực tích cực để theo dõi những gì đang diễn ra tại DN, cũng như chưa hề có kế hoạch định kỳ đến với DN xem họ có gặp khó khăn gì không để cung cấp sự hỗ trợ”, ông Yoon Youngmo nói.

Hòa giải viên sẽ “giám sát” các điểm nóng đình công

Lấy ví dụ về câu chuyện ngập lụt tại Hà Nội và TP.HCM, trước mùa mưa bão, để phòng tránh nguy cơ ngập lụt, chính phủ thường có kế hoạch làm sạch hệ thống thoát nước, ông Yoon Youngmo cho rằng trong lĩnh vực quan hệ LĐ, chưa nhận được sự quan tâm tương tự từ phía chính phủ. Vị chuyên gia này chia sẻ: “Trên thực tế, khi đình công xảy ra, cơ quan chức năng thường cử người đến dàn xếp để chấm dứt cuộc đình công và sau đó không thực hiện bất cứ một hoạt động gì khác. Sự can thiệp của nhà nước đối với đình công chỉ làm mỗi việc là “chữa cháy”. Thực tiễn này cần phải thay đổi. Trong khuôn khổ dự án quan hệ LĐ Việt Nam - ILO, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và cung cấp dịch vụ hòa giải có chất lượng nhằm giúp các bên thương lượng với nhau một cách có trật tự, không để xảy ra đình công tự phát”.

Theo ông Yoon Youngmo, nếu các hòa giải viên chủ động hơn, giám sát các “điểm nóng đình công” chặt chẽ hơn và tham gia vào quá trình thương lượng tập thể từ những giai đoạn đầu, thì số vụ đình công tự phát sẽ giảm đáng kể và cả DN và người LĐ đều được hưởng lợi từ điều này. “Hòa giải viên không chỉ có mỗi nhiệm vụ ngồi chờ đình công xảy ra, mà còn có kế hoạch, cung cấp dịch vụ hỗ trợ để các bên đàm phán với nhau. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, cách mà chính phủ hỗ trợ hiệu quả nhất không phải là can thiệp hành chính, mà là thông qua các dịch vụ hòa giải, hỗ trợ các bên đàm phán thương lượng với nhau”.

Cùng với bộ luật LĐ và luật Công đoàn sửa đổi, việc khởi động dự án 4 triệu USD sẽ giúp Việt Nam cải thiện quan hệ LĐ. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân, quan hệ LĐ được cải thiện một cách thực chất, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của các bên liên quan sẽ giúp tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. 

Thu Hằng

>> Đưa ngư dân bị tai nạn lao động vào bờ cấp cứu
>> m nhạc giúp tăng năng suất lao động
>> Chưa cấp phép tuyển lao động sang Angola
>> Tuyển khoảng 4.000 lao động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.