Xưởng may Huyền Phong ở Quỳnh Phụ, Thái Bình: trần xốp sát đầu, dây điện lòng thòng, không cửa thoát hiểm - ảnh: Nguyễn Đức |
Chỉ riêng tại Hải Dương, Thái Bình và ngay tại Hải Phòng, cũng có tới hàng trăm xưởng đang đối mặt nguy cơ cháy.
Những bản sao của xưởng giày Tân Dân
Trong cái nắng gay gắt, chúng tôi dừng chân tại cơ sở may tư nhân Huyền Phong của chị Nguyễn Thị Huyền (41 tuổi) ở Đà Thôn, xã Quỳnh Phụ, H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Xưởng rộng chừng 80m2, có 25 công nhân đang làm việc. Mái tôn thấp lè tè khiến hơi nóng bốc xuống hầm hập. Dưới nền nhà là những đống vải ngổn ngang, trên tường là đường dây điện chằng chịt. Một góc tường, chiếc bảng điện cũ, lộ rõ đầu dây nối. Xung quanh nhà được bịt kín bằng một hàng rào sắt vững chắc.
Biết chúng tôi tìm hiểu về vấn đề phòng cháy, chị Huyền, chủ cơ sở may cho hay: “Xưởng may mới đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nên chưa có bình cứu hỏa, tôi đang tính sẽ mở một cửa nhỏ phía sau nhà xưởng để có lối thoát hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra”. Mồ hôi lấm tấm trên trán, cô Nguyễn Thị Hạt (49 tuổi) ở thôn Đà Thôn, xã Quỳnh Phụ, công nhân xuởng may than thở: “Đây là một cơ sở may nhỏ lẻ, chỉ có một lối vào duy nhất, không có cửa thoát hiểm. Công nhân trong xưởng chưa ai được hướng dẫn về cách ứng cứu khi có sự cố cháy nổ xảy ra nên tôi cũng rất lo lắng”.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, chủ cơ sở may Bình Lan ở Quỳnh Phụ, Thái Bình: “Ở quanh khu vực Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng này có tới hàng ngàn cơ sở may mặc, làm da giày... Rất nhiều xưởng chỉ xây dựng qua loa để tuyển thợ làm gia công, sao cho mau thu hồi vốn”.
Rời Quỳnh Phụ, Thái Bình, chúng tôi qua phà Chanh để sang đất Ninh Giang, Hải Dương. Tại cơ sở may của chị Nguyễn Thị Hải (32 tuổi) ở thôn Thượng Xá, xã Hồng Dụ, H.Ninh Giang, tình hình cũng không khác xưởng bên Thái Bình là bao. Trong căn nhà ống lợp mái tôn rộng 96m2 có gần 30 công nhân đang làm việc. Các giàn máy khâu để chen chúc, trần chống nóng được làm bằng xốp ngay gần trên đầu công nhân. Ở dưới trần xốp, vài đầu dây điện dài khoảng 30 cm thả đong đưa. Phía sau xưởng, chiếc cửa sắt đã cài then chắc chắn.
Ông Phạm Ngọc Lập, Phó trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Ninh Giang, phân trần: “Đáng lẽ các cơ sở sản xuất giày da, may mặc, muốn hoạt động phải báo cáo lên UBND xã, xin giấy phép từ cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh. Cơ sở nào đủ tiêu chuẩn về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ mới được đi vào sản xuất. Tuy nhiên, có một số cơ sở gia công nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, thuê đất ngay trong dân để làm nên chúng tôi cũng chưa có được thống kê đầy đủ”.
Trở lại Hải Phòng, nơi vụ cháy kinh hoàng vẫn còn là đề tài nóng được bàn tán tại các huyện, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Đức Doãn, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, H.Vĩnh Bảo vào cơ sở may mũi giày Vĩnh Giai ở xã Vĩnh Long. Xưởng may hơn 100 công nhân vừa được chủ cơ sở đục tường, mở rộng một chiếc cửa thoát hiểm phía sau.
Chị Truơng Thị Duyên (32 tuổi), một công nhân chỉ tay lên bức trần nhựa chống nắng nói: “Trước kia chiếc trần nhựa thấp tẹt, toàn bộ trần nhựa mới được chủ cơ sở sửa chữa cách đây mấy hôm”.
Buông lỏng quản lý
Các xưởng may, da giày không nên làm trần xốp để chống nóng vì xốp dễ cháy, nên chống nóng bằng cách làm hệ thống phun nước tưới lên nóc mái tôn. Mỗi xưởng cần có ít nhất 2 cửa thoát hiểm để phòng khi cháy từ nhiều hướng. Chủ xưởng cần tập huấn kỹ năng ứng cứu khi cháy để công nhân có kiến thức, bình tĩnh xử trí lúc xảy ra hỏa hoạn. |
||
Ông Nguyễn Văn Bình, chủ xưởng may Bình Lan tại Quỳnh Phụ, Thái Bình |
||
Đây là một mô hình rất tốt để vừa phát triển kinh tế, vừa hạn chế dòng người từ nông thôn đổ xô ra thành phố. Tuy nhiên, vì các xưởng sản xuất nhỏ lẻ, nên chủ xưởng thường lấy nhà riêng làm cơ sở sản xuất, không trang bị các thiết bị phòng cháy như bình cứu hỏa, sơ đồ nhà xưởng, nhiều trường hợp còn hoạt động chui, “bỏ qua” khâu xin giấy phép.
Các chủ xưởng có thể vì thiếu hiểu biết hoặc vì tiết kiệm tài chính mà coi nhẹ nguy cơ cháy nổ, nhưng điều đáng trách là chính quyền cơ sở cấp xã, phường đã lơ là hoặc làm ngơ cho các vi phạm.
Xưởng sản xuất xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại Tân Dân, An Lão, Hải Phòng chỉ cách UBND xã chừng 300m. Các xã ở đồng bằng nhà cửa san sát, bán kính vài km2 nên nếu chính quyền xã “đổ lỗi” cho xưởng chui xen lẫn nhà dân mà họ không biết thì thật khó chấp nhận.
Giải pháp nào để vừa phát triển được các xưởng may để giải quyết việc làm, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động? Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: “Huyện chúng tôi đang quy hoạch, bố trí mỗi xã có một điểm công nghiệp rộng khoảng 2-3 ha để phân cho mỗi đơn vị có nhu cầu khoảng 300-400m2 làm nhà xưởng sản xuất. Với phương án này, các doanh nghiệp vẫn tận dụng được lao động nông nhàn, còn cơ quan nhà nước sẽ thuận tiện trong việc quản lý an toàn cháy nổ, xử lý chất thải...”.
Káp Long - Nguyễn Đức
Bình luận (0)