'Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg' - cuốn sách truyền động lực mạnh mẽ

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
03/06/2022 09:57 GMT+7

Khi cầm cuốn sách dày nặng trên tay, tôi đã đọc nó trong một ngày đêm, và biết ơn NXB Phụ nữ Việt Nam cùng nhóm tác giả Trần Tuấn - Việt sử kiêu hùng, đã cho mình cơ hội đọc cuốn sách quý giá này: Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg.

Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg là cuốn tiểu thuyết lịch sử, vừa được xuất bản lần 2 tại Việt Nam tháng 5.2022, kể về một nữ chiến sĩ cách mạng người Đức, sinh cách nay 151 năm, nhưng những thông điệp bà để lại vẫn tỏa sáng và hữu ích cho mỗi chúng ta hôm nay.

'Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg' - cuốn sách truyền động lực mạnh mẽ - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách Hoa hồng bất tử Rosa Luxemburg (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022)

KBH

Trong lá thư gửi đến tương lai của Rosa Luxemburg, thông điệp vượt thời gian của bà cho phép tôi, cũng như những người đọc đương đại được tiếp cận một dòng tư tưởng lớn, được làm bạn với bà trong tâm trí, và tự tin hơn vào sức mạnh của mình. Bà nhắn nhủ chúng ta rằng “Mỗi thời đại đều sẽ xuất hiện những khó khăn và thách thức của riêng nó, nhưng con người sẽ không bao giờ khuất phục trước bất công, sẽ không bao giờ thỏa hiệp với xiềng xích, sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu cho hòa bình và tự do”. Với sự đồng cảm này, bà đang truyền sức mạnh vô biên cho bất cứ ai đọc cuốn sách, để mạnh mẽ đứng lên thực hiện nguyện ước của mình, tin rằng với hành động đó, mình không chỉ giải phóng tư tưởng, năng lực của mình, mà còn đang hòa vào dòng chảy tự do được khơi gợi từ Rosa Luxemburg, tạo nên lợi ích chung cho cộng đồng.

Rosa Luxemburg là một người Do Thái, một phụ nữ Ba Lan, có quốc tịch Đức, sinh năm 1871, khuyết tật về thể chất, bị phân biệt đối xử suốt thời đi học vì nguồn gốc của gia đình, nhưng những trở ngại đó không khiến bà chùn bước. Bằng con đường học tập miệt mài, và bằng các hoạt động thực tiễn, bà đã vươn lên trở thành một trong những nhà lãnh đạo tối cao của phong trào xã hội chủ nghĩa lớn nhất và mạnh nhất ở thế giới phương Tây.

Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về những cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Rosa Luxemburg, từ lúc bà sinh ra, đến lúc đi học, tham gia vào các hoạt động cách mạng, trải qua các nhà tù khác nhau, và một cái kết bi thảm ở thời điểm mà tưởng như “cuộc chiến tranh chấm dứt mọi cuộc chiến tranh” sẽ mang về hòa bình cho toàn nhân loại.

Tác phẩm đi sâu vào nội tâm nhân vật, cho thấy một Rosa Luxemburg dù cô độc từ thủơ nhỏ, bị bạn bè và thầy cô xa lánh, vẫn vươn lên như một cái cây mạnh mẽ và không để bị đốn gục trong phong ba bão táp. Không chỉ là biểu tượng cho đấu tranh vô sản, Rosa Luxemburg còn được đề cập như một hình mẫu lịch sử cho đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới. Tư tưởng, các tác phẩm và những lá thư mà bà để lại là một tài sản đồ sộ, và cuốn sách Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg là những lát cắt tiêu biểu để độc giả Việt Nam có thể hiểu thêm về một trong những người phụ nữ vĩ đại nhất thế kỷ XX: Rosa Luxemburg.

Có những điểm mốc trong cuộc đời Rosa Luxemburg cho thấy bà là một phụ nữ bất khuất, không chịu chấp nhận những gì cuộc đời và xã hội an bài cho mình, chủ động xây dựng kịch bản cuộc đời mình như mình muốn. Số phận khắc nghiệt thử thách bà quá sớm khi căn bệnh lao xương lúc 5 tuổi khiến bà phải bó chặt chân và ngồi một chỗ trong nhà, nhưng bà đã lết đến bên cửa sổ để ngắm mây bay và chim chóc vui hót, để nuôi ý chí tự do mãnh liệt.

Giống như sức bật lò xo, càng bị nén càng bật lại mạnh hơn. Thử thách đầu tiên thời ấu thơ, hay những thử thách sau này, chỉ như chất kích thích khiến Rosa càng mạnh mẽ, càng vươn cao, phát huy tốt hơn tài năng của mình sau mỗi tai họa. Vượt qua mọi định kiến, kỳ thị ở trường học, bà luôn là người học giỏi nhất, với ý chí sẽ học lên đại học. Nhưng khi cánh cửa trường đại học vẫn ngoan cố khép lại trước cô học trò giỏi nhất, thì bà vẫn không nản chí, tiếp tục tìm cách để được hoạt động, học hỏi, và thể hiện quan điểm cá nhân, cũng như tư tưởng mới mẻ táo bạo của mình trong một hội kín ở ngay quê hương. Và sau đó, bà đã một mình ra nước ngoài, tới Thụy Sĩ để tiếp tục con đường học vấn, có bằng Tiến sĩ khi mới 26 tuổi. Một kỳ tích ở vào thời mà phụ nữ nói chung và phụ nữ Do Thái nói riêng còn chịu nhiều xiềng xích, thiệt thòi. Một dấu mốc ấn tượng khác nữa là việc bà rời Thụy Sĩ, làm kết hôn giả để có quốc tịch Đức, chuyển sang sinh sống ở Đức, nơi mà bà tin rằng việc đấu tranh trong thực tế sẽ mang lại ảnh hưởng sâu rộng và có kết quả khả quan nhất.

Thật ấn tượng và xúc động, khi cuốn sách Hoa hồng bất tử: Rosa Luxemburg đưa ra những chi tiết sống động, thể hiện tính cách có phần bạo liệt và khác biệt của nhân vật lịch sử quan trọng này. Chi tiết cô bé Rosa, mặc cho đôi chân tật nguyền và dáng người nhỏ bé, sức vóc yếu ớt hơn so với chúng bạn ở trường, đã kiên quyết chạy đến bênh vực một bạn nhỏ thuộc tầng lớp dưới bị các bạn thuộc tầng lớp giàu có, gia thế bắt nạt, đánh đập. Chi tiết cô học trò nhỏ Rosa, đã dám cả gan làm bài thơ châm biếm đả kích Hoàng đế nước Đức trong lần ông ta đến thăm Ba Lan và được giới quý tộc chào đón nhiệt liệt. Khi trở thành thiếu nữ, trước những trói buộc về thể xác của những hủ tục truyền thống như phải mặc áo bó chặt, phải để tóc dài và phải tết, xoắn vặn theo trình tự quy chuẩn và tất cả thắt cao trên đầu gây đau đớn và rất tốn thời gian, Rosa đã phản kháng bằng cách mặc áo rộng thoải mái và cắt phăng mái tóc dài vướng víu, vốn là quy chuẩn của các cô gái đẹp, mong kiếm được tấm chồng. Rosa nghĩ: “Tại sao mình phải chịu đựng khổ sở chỉ để những người khác thấy vừa mắt? Không tìm được một người đàn ông chịu cưới mình thì mình sẽ chết à? Cả quá trình học hành và cố gắng của mình chỉ với mục đích cuối cùng là tìm chồng hay sao? Tại sao cuộc đời mình phải để người khác quyết định?”. Quả thực, những ý nghĩ này của Rosa là phi thường. Ngay cả đến lúc này, suy nghĩ đó, hành động quyết liệt phản kháng chính những hủ tục truyền thống bao đời đè nặng, đóng khuôn người phụ nữ đó của Rosa, vẫn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi, cho bao người khác ở hiện tại và tương lai.

Ngay trong chuyện tình yêu cũng vậy. Bà từng như một cô trò nhỏ, kính phục, ngưỡng mộ và say đắm yêu nhà tư tưởng người Ba Lan Leo Jogiches. Nhưng sau một thời gian cùng nhau yêu đương, làm việc, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển lý tưởng, Rosa đã xuất sắc vượt lên trên tầm của Leo, dẫn đến việc ông trở nên tự ti trước bà, tụt lại phía sau. Thậm chí trong cuộc sống chung của họ đã xảy ra những bất đồng, dần thiếu vắng đam mê và chăm sóc lẫn nhau. Rosa đã rời bỏ ông và tiếp tục có một tình yêu khác, với một chàng trai trẻ hơn bà tới 14 tuổi.

Sự phóng khoáng, tự do và tình cảm cũng như đam mê của bà như ngọn lửa hồng thôi thúc bất cứ người phụ nữ nào dám đứng về phía tình yêu và tiến bộ. Chúng ta hoàn toàn có khả năng vượt qua mọi cản trở, mọi ràng buộc để vươn tới tự do yêu đương và chung sống với người tình, đồng thời là tri kỷ. Chúng ta không nhất thiết phải chịu đựng lẫn nhau, hay ra sức cản trở lẫn nhau để bảo vệ mô hình gia đình hoặc mô hình tình yêu đã cũ rích. Khi không còn tình yêu và sự đồng cảm, hãy dũng cảm rời xa nhau, không hận không trách và không trả thù, cũng không tự mình ràng mình vào ám ảnh của kẻ phụ tình. Tư tưởng cởi mở, tự do, phóng khoáng trong tình yêu của Rosa Luxemburg không chỉ làm ta ngạc nhiên, mà còn vượt thời đại, rất giá trị cho chúng ta hôm nay và mai sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.