Quả thực hiếm có một người nữ xinh đẹp như Emily Dickinson, lại có thể tránh mọi cám dỗ của cuộc sống náo nhiệt phong phú, mà ẩn mình để dành trọn đời cho thơ, và điều đó thể hiện qua Tuyển tập 100 bài thơ Emily Dickinson vừa được NXB Thế giới ấn hành.
Theo sự lựa chọn có ý tưởng của dịch giả Nguyễn Văn Trung, tôi chậm rãi chiêm ngưỡng tâm hồn của Emily Dickinson qua từng trang Tuyển tập. Và cũng phải cảm ơn dịch giả, đã cho in song song cả bản gốc tiếng Anh của tác giả, để mỗi khi cảm thấy không chắc chắn vào bản dịch, cảm thấy không thỏa mãn với ý tứ trong câu thơ đã dịch sang tiếng Việt, tôi hoàn toàn có thể đọc và nhâm nhi thưởng thức bản gốc của thơ. Trên tất cả, Emily Dickinson cho tôi thấy rằng, bà có thể hạnh phúc ra sao khi rút về sống với riêng mình, tâm hồn bà có thể tỏa sáng lung linh thế nào khi được tự hát bằng những dòng thơ, viết ra chỉ để cho riêng mình.
Tách mình ra khỏi xã hội, đóng cửa trước một thế giới của đông đảo những người khác, nên những quy tắc, luật lệ, thói thường của số đông khá mờ nhạt trong thế giới chữ nghĩa của Emily Dickinson. Bà tự tạo nên một thế giới qua những dòng thơ, với cách nhìn thế giới thật sống động. Thơ của bà tự nó đã như hát, bởi bà tạo nên phong cách hai câu liền vần thật nhịp nhàng tươi thắm. Và chính vì tự tạo nên một thế giới, nên thơ bà có cái ngang tàng riêng lạ, hấp dẫn với mỗi câu, mỗi ý:
“Nếu nhớ lại là quên,
Thì em đây không nhớ.
Nếu quên là nhớ lại,
Thì em đây sắp quên.
Nếu nhớ nhung là vui,
Xót thương là phấn chấn,
Ngón tay vui cùng tận
Thu gom hết hôm nay!”
Nên nhớ cho là dù viết tới cả 1.800 bài thơ, nhưng Emily Dickinson lại chẳng đặt đầu đề cho bất cứ bài thơ nào. Bởi cả cuộc đời bà, tất cả thơ bà là một dòng chảy duy nhất, đồng nhất. Thơ bà, dẫu với lời lẽ bình dị, nhỏ bé, hay những lời trừu tượng, bao la, thì đều ẩn chứa triết lý nhân sinh theo ý niệm riêng của chính bà. Bà lặng lẽ nhìn thế giới như nó vốn có, nhưng lại chứa đựng biết bao nỗ lực cao cả, vượt qua biết bao thách thức cùng cực, để bình lặng được là không gì cả, không ai cả, vô danh, như nước, như đất của bao đời.
“Biết nước, nhờ qua cơn khát.
Đất liền, nhờ vượt trùng dương.
Hạnh phúc, nhờ trải đau thương,
Hòa bình, giành trong chiến trận,
Yêu thương, nhờ nơi tưởng niệm,
Bầy chim, nhờ tuyết trắng trời”
Có lẽ, nhờ cách sống là một ẩn sĩ, mà Emily Dickinson đã có đủ tĩnh lặng, đủ thời gian để chiêm nghiệm cái hạnh phúc tuyệt đỉnh của một nhà thơ. Ngay cả với tình yêu, cũng là một tình yêu rất khác, theo cách bà lựa chọn, tuyệt mỹ và không thể pha tạp, không thể nhân nhượng. Tình yêu như thế, thế giới khác chỉ có thể ngắm nhìn và ước ao, chứ không thể định đoạt và sống trong nó như Emily.
“Đêm cuồng nhiệt, cuồng nhiệt!
Nếu em ở bên chàng,
Đêm cuồng nhiệt sẽ phải
Thành xa hoa cao sang!”
Tình yêu ấy là thơ mà thôi. Chỉ là thơ, không là ai, không là bất cứ gì khác! Thơ như cuộc sống của chính bà, chỉ cần một mình đã đủ đầy tất cả, không cần thêm một ai để thấy mình trọn vẹn hạnh phúc.
Tuy thế, không phải không có lúc chính Emily cũng tự mâu thuẫn. Lúc thì bà tự tin với những triết lý ngược ngang đầy thách thức mà cũng vô cùng hấp dẫn, lúc thì bà thấp thỏm, nôn nao với những định chế, quy luật tất yếu của cuộc đời. Nhưng sau cùng thì Emily luôn ngạo nghễ:
“Không có thời gian để giận
Nấm mồ sẽ chặn đường tôi,
Hơn nữa đời chẳng đủ dài
Cho tôi diệt trừ thù hận.
Chẳng có thời gian luyến ái
Bởi vài việc phải phát sinh,
Với tôi trắc trở đường tình
Dù nhỏ cũng thành rất lớn”
Và cứ như vậy Emily Dickinson sống, dẫn dắt cuộc sống, yêu, đi cùng thơ trong hạnh phúc tuyệt đỉnh của nhà thơ. Không phải nhà tư tưởng, nhà triết học, hay nhà chiêm tinh dẫn dắt chỉ lối cho thế giới, mà chính là nhà thơ, với cách anh ta hạnh phúc trong cuộc sống của anh và hát ca về hạnh phúc đó.
Bình luận (0)