Nạn nhân của chiến tranh
Tháng 6.1941, cô gái Mỹ gốc Nhật Iva Toguri rời San Pedor (California) lên tàu về cố hương với dự định thăm người dì đang bệnh nặng và học nghề y. Khi rời Mỹ Toguri không mang theo hộ chiếu nên cô đã đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Nhật để xin cấp hộ chiếu sau khi đến Nhật được 3 tháng. Cơ quan ngoại giao Mỹ tại Nhật đã chuyển đơn xin cấp hộ chiếu của Toguri về Bộ Ngoại giao Mỹ để thẩm tra, xét duyệt. Ngày 7.12.1941, Mỹ chính thức bước vào Thế chiến thứ 2 qua vụ Trân Châu cảng khiến Toguri đã mắc kẹt ở lại Nhật. Năm 1943, Toguri bị ép trở thành phát thanh viên trong chương trình Không Giờ (Zero Hour) của Đài phát thanh Tokyo. Đây là một chương trình phát thanh tâm lý của Nhật Bản với ý đồ làm nản ý chí chiến đấu của quân đội Mỹ. Nhiệm vụ của Toguri khi đó chỉ là giới thiệu chương trình và những ca khúc tiếng Anh được yêu thích nhất trong ngày. Sau này, một số nhân vật có cương vị của quân đội Mỹ tuyên bố rằng các chương trình tâm lý của Zero Hour chẳng hề có tác dụng tiêu cực nào, trái lại nhiều binh lính Mỹ lại rất yêu thích những bài hát do phát thanh viên Toguri giới thiệu. Tháng 4.1945, Toguri kết hôn với Felipe Aquino, một người Tây Ban Nha gốc Nhật tại Tokyo.
Hoa hồng Tokyo
Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, Thế chiến 2 kết thúc và quân đội Mỹ bắt đầu mở chiến dịch truy lùng những tội phạm chiến tranh và công dân Mỹ đã hợp tác với Nhật. Báo giới Mỹ cũng vào cuộc, hai phóng viên Mỹ Henry Brundidge và Clark đã quyết tâm tìm kiếm được "Hoa hồng Tokyo", nhân vật mà họ được nghe đồn đại là một nữ tội phạm đầy quyến rũ qua các chương trình Zero Hour. Họ đã nhanh chóng tìm ra Toguri và một kế hoạch hoàn hảo đã được thực hiện: Hai phóng viên này đề nghị Toguri ký với họ một hợp đồng phỏng vấn độc quyền với khoản thù lao là 250 USD với một cái bẫy chết người là người trả lời phỏng vấn sẽ ký tên là "Rose Tokyo". Cô gái Toguri đã ngây thơ ký vào bản án cuộc đời của mình.
Tháng 9.1945, sau phóng sự điều tra của Brundidge và Lee về "Rose Tokyo", quân đội Mỹ đã bắt Toguri tại Nhật và mở cuộc điều tra xem cô có phạm tội hay không. Tháng 10.1945, cuộc điều tra kết thúc với kết luận cô vô tội và công chúng cũng đã biết rõ rằng "Rose Tokyo" chỉ là một biệt danh chung chung mà lính Mỹ đặt cho các cô gái trong chương trình Zero Hour mà thôi.
Ba năm sau, Toguri tới cơ quan Ngoại giao Mỹ tại Nhật để xin hộ chiếu về nước. Tin này được nhanh chóng loan báo về Mỹ khiến cho nhiều hội cựu binh Mỹ tức giận, họ lên tiếng yêu cầu FBI tái mở cuộc điều tra về vụ "Rose Tokyo". Tổng thống Mỹ Harry Truman đang tiến cuộc vận động bầu cử, ông không thể bất chấp công luận - Toguri đã bị bắt tại Nhật để dẫn độ về Mỹ phục vụ cho cuộc điều tra. Cơ quan điều tra liên bang FBI đã gặp gỡ hàng trăm nhân chứng, lục tìm lại các hồ sơ lưu trữ của người Nhật, nghe lại các băng ghi âm do Toguri thực hiện. Đây là một cuộc điều tra được coi là tốn kém nhất thời đó với chi phí lên đến 500 nghìn USD và tiến hành ròng rã trong 4 năm trời. Tuy nhiên, các chứng cứ FBI thu được tỏ ra không chứng minh được điều gì khiến Bộ Tư pháp phải vào cuộc: Phóng viên Brundidge, do "thành tích" đặc biệt trước đây, đã được cử đi Nhật để tìm nhân chứng. Brundidge đã tìm đến dụ dỗ một số quan hệ cũ trước đây tại Nhật có đủ khả năng đưa được "Rose Tokyo" vào tù. Ngày 5.6.1949, trước phiên tòa xử Toguri, hai nhân chứng Kenkichi Oki và George Mitsushio (đồng nghiệp cũ của bị cáo tại Nhật) đã tuyên thệ và khai rằng Toguri đã đưa tin không đúng về việc hải quân Mỹ thua trận trong một trận đụng độ trên biển Thái Bình Dương với quân đội Nhật và có những lời lẽ tác động tiêu cực đến tinh thần lính hải quân Mỹ. Iva Toguri đã bị tuyên án phạm tội phản quốc với mức án 10 năm tù giam kèm hình phạt 10 nghìn USD - Đây là vụ án với tội danh phản quốc duy nhất tại Mỹ có án tù. Trước đó, tòa án Mỹ đã tuyên án vô tội cho 7 trường hợp đã bị cáo buộc với cùng tội danh này.
Công lý muộn màng
Tháng 1.1956, sau 2.250 ngày ngục tù, Iva Toguri, khi đó đã 40 tuổi được phóng thích vì có quá trình "cải tạo" tốt, như đánh giá của nhà tù Reformatory. Sau khi ra tù, Toguri về sống tại Chicago và quyết tâm khôi phục danh dự của mình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người phụ nữ này dường như không đem lại kết quả nào. Năm 1974, Toguri tình cờ gặp Ronald Yates, phóng viên của tờ Chicago Tribune khi ông này được cử đến văn phòng đại diện tại Tokyo. Trước đó,Yates đã biết Toguri qua vụ "Rose Tokyo" năm xưa và sau khi nghe sự tình từ phía người phụ nữ khốn khổ này, ông đã viết đơn đề nghị Chính phủ Nhật xem xét đồng thời tìm mọi cách tiếp cận lại 2 nhân chứng sống Kenkichi Oki và George Mitsushio. Năm 1976, sau hàng loạt cố gắng của Yates, công lý đã được thực hiện sau 31 năm: K.Oki và G.Mitsushio đã chính thức tuyên bố rằng: "FBI đã yêu cầu họ làm chứng chống lại Toguri" - Họ cho rằng họ không thể từ chối yêu cầu này vì các nhân viên FBI và quân cảnh Mỹ đã buộc họ phải lựa chọn: hoặc làm chứng chống lại Toguri, hoặc ra trước vành móng ngựa cùng Toguri!
Tháng 1.1977, Iva Toguri đã được Tổng thống G.Ford tuyên bố vô tội và bà ra đi ngày 26.9 vừa qua, đúng 50 năm sau ngày bị quân cảnh Mỹ dẫn độ về nước. (Theo BBC)
H.L
Bình luận (0)