'Hoa mắt' với các chiêu lừa đảo cũ, mới trộm tiền tài khoản ngân hàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
11/10/2021 18:33 GMT+7

Cùng với những chiêu thức lừa đảo cũ, kẻ gian mới đây còn tung ra các hình thức “biến tấu” mà người tiêu dùng cần cảnh giác nếu không dễ bị “sập bẫy”.

Tin nhắn giả mạo ngân hàng lừa đảo khách đăng nhập thông tin tài khoản để trộm tiền

chụp màn hình

Rải tin nhắn lừa đảo

Anh Đ.Hải (Q.Tân Bình, TP.HCM) sáng 11.10 nhận được một tin nhắn với nội dung: “(Sacombank)Chung toi phat hien tai khoan cua ban dang tieu dung o nuoc ngoai, neu khong phai ban dang giao dich, vui long dang nhap https://sacombank.vn-epay.vip de huy giao dich”. Xác định ngay đây là tin nhắn lừa đảo vì không có tài khoản mở ở Sacombank thì làm gì có chuyện bị phát hiện đang tiêu dùng ở nước ngoài nên anh Hải không làm theo. Trường hợp như anh Đ.Hải không phải ngoại lệ, thời gian gần đây, bọn lừa đảo “rải” tin nhắn lừa đảo đến điện thoại của nhiều người. Ai hoang mang thực hiện theo hướng dẫn thì bị mất tiền ngay lập tức. Sacombank cũng ngay lập tức phát đi cảnh báo: “Quý khách tuyệt đối không bấm vào đường link yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, kể cả trường hợp tin nhắn có tên gửi là Sacombank”.

Một hình thức lừa đảo khác, kẻ gian gửi tin nhắn giả mạo công ty điện lực yêu cầu thanh toán tiền cho hàng loạt số điện thoại. Phó tổng giám đốc phụ trách về sản phẩm thẻ thanh toán của một ngân hàng, anh M.T (Q.Gò Vấp, TP.HCM) kể, vào đầu tháng 10 bất ngờ nhận được tin nhắn từ nhà mạng báo cuộc gọi nhỡ, kèm nội dung: “Công ty điện lực xin thông báo vì anh chị chưa thanh toán…”. Anh M.T nhận xét: “Rảnh quá! Đây đã đăng ký thanh toán tự động trên app ngân hàng từ nhiều năm rồi. Thời điện lực còn đi thu tại nhà thì chỉ để lại biên lai vì biết chủ nhà thanh toán tự động trước khi tới thu rồi. Dạo này kẻ gian hoạt động nhộn nhịp quá nhỉ?”.

Những chiêu thức lừa đảo giả mạo ngân hàng, cơ quan chức năng dù khá cũ nhưng cũng khiến nhiều người làm theo là rơi vào bẫy. Đầu tháng 10 vừa rồi, một người đàn ông tên P. (sinh năm 1970) đến Công an phường Bồ Đề (quận Long Biên) trình báo bị lừa đảo mất 317 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Trước đó, ông P. nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là cán bộ Công an TP.Đà Nẵng thông báo có quyết định bắt giam ông liên quan tới 1 đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu ông P. phải giải trình tài khoản ngân hàng và cung cấp mã OTP. Thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, ông P. phát hiện tài khoản bị rút mất 317 triệu đồng. Lúc này ông P. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Chiêu lừa đảo mới, tinh vi

Một hình thức lừa đảo khá tinh vi qua Zalo được Công ty tài chính LOTTE Finance thông tin. Cụ thể, kẻ gian sở hữu được danh sách số điện thoại trong danh bạ của người dùng và lấy ảnh đại diện để tạo tài khoản Zalo với tên, hình ảnh, thông tin hiển thị y hệt trang gốc để tạo sự tin tưởng. Sau đó, kẻ lừa đảo tiến hành kết bạn với hàng loạt số điện thoại trong danh sách và mượn tiền. Sau khi nhận được tiền, đối tượng sẽ tiến hành chặn người chuyển ngay lập tức và đổi tên tài khoản Zalo. Theo đánh giá của LOTTE Finance: “Đây là hình thức lừa đảo mới rất tinh vi, vì vậy khách hàng cần đề cao cảnh giác các trường hợp người thân quen liên hệ và đề nghị mượn tiền qua các ứng dụng online (Facebook, Zalo…). Cần thực hiện xác minh người muốn mượn tiền qua hình thức gặp mặt trực tiếp hoặc gọi điện thoại để xác nhận”.

Tương tự, đánh vào tình trạng nhu cầu vay tiêu dùng trong mùa dịch Covid-19 tăng cao, kẻ lừa đảo không những giả mạo ngân hàng, ví điện tử, công ty fintech… mà còn mạo danh cả công ty thanh toán để lấy thông tin lừa đảo vay. Sau khi mạo danh VNPAY và thông báo cho vay tín dụng cá nhân, kẻ gian yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả, download app giả mạo, nhập thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào 1 tài khoản cá nhân chỉ định để chứng minh thu nhập và chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã lợi dụng lòng tin khiến người dùng có thể gặp rủi ro bị đánh cắp thông tin ngân hàng, các thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền mà nạn nhân không hề biết. VNPAY khẳng định công ty là đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử, không cung cấp dịch vụ cho vay tín dụng dưới bất cứ hình thức nào. VNPAY khuyến cáo người dùng không truy cập vào đường dẫn tải app, website mạo danh VNPAY, không chuyển tiền cho các tài khoản cá nhân giả mạo nhân viên VNPAY để vay tín dụng cá nhân. Đồng thời, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nào khác cho các trang web này.

Sau khi tạo dựng các trang website giả mạo, tài khoản Zalo, Facebook có hình ảnh logo ngân hàng, hình ảnh phòng giao dịch, hội thảo tư vấn, ảnh cá nhân của nhân viên Agribank. Kẻ gian liên hệ với khách hàng, giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn hoặc các chương trình khuyến mại, chính sách ưu đãi. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cần nộp trước một khoản phí để được hưởng ưu đãi hoặc để được hỗ trợ hoàn hiện hồ sơ tín dụng. Hoặc một chiêu khác, kẻ gian đề nghị khách hàng gửi tin nhắn Facebook cá nhân để được hỗ trợ sau đó yêu cầu khách hàng nhập vào link lạ và/hoặc cung cấp user/mật khẩu/mã OTP của dịch vụ để lợi dụng thực hiện giao dịch trên tài khoản khách hàng. Agribank khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng nộp các khoản phí để được hưởng ưu đãi gói vay, tiền gửi, phí hoàn thiện hồ sơ tín dụng, cũng như không cho vay chỉ thông qua các bản chụp giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu… gửi qua tin nhắn sms, email, Zalo, Messenger...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.