Hoa ơi!

21/06/2011 08:32 GMT+7

(TNTS) Hoa là quà tặng vô giá của thiên nhiên dành cho con người. Người xưa phân hoa ra làm ba loại: hữu sắc vô hương (màu sắc tươi đẹp nhưng không thơm), hữu hương vô sắc (thơm nhưng màu sắc không đẹp) và hữu hương hữu sắc (vừa thơm vừa tươi đẹp). Cô gái đẹp, nết na thùy mị được xem là những đóa hoa hữu hương hữu sắc.

Kim Dung gọi những cô gái đẹp trong tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của mình là hoàng hoa khuê nữ. Hoàng hoa (hoa cúc) vốn giản dị, thanh tân, dịu dàng. Đem những cô gái để sánh với đóa hoa cúc có lẽ là ông muốn biểu dương tác phong sống nghiêm túc trong phòng khuê. Đó cũng là một so sánh lạ. Có lẽ ông chú trọng đến phẩm chất giản dị, thanh tân, dịu dàng của phái đẹp.

Tặng hoa cho người phụ nữ vốn là việc làm bày tỏ tình thương mến, yêu dấu của người đàn ông. Tác phẩm của Kim Dung không nói nhiều đến chuyện tặng hoa. Trong mười hai bộ tiểu thuyết, chỉ đề cập đến một trường hợp tặng hoa. Tuy nhiên, hoa đây không phải là hoa mua.

 

Trần Gia Lạc và công chúa Hương Hương Kha Tư Lệ đi qua sa mạc Thiên Sơn trong mùa đông tuyết rơi. Trên đỉnh núi cao, có đóa tuyết liên nở, màu sắc tươi đẹp lạ thường. Hương Hương công chúa ngước mắt nhìn. Trần Gia Lạc hiểu ý cô gái, vận khinh công leo lên núi cao, hái đóa tuyết liên tặng cho cô. Chuyện ấy được thuật lại trong Thư kiếm ân cừu lục, há có phải là chuyện giỡn chơi.

Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung kể chuyện Vương phu nhân ở Giang Nam say mê Đoàn Chính Thuần ở Đại Lý nên biến vườn của mình thành ra một sơn trang trồng hoa trà. Bà ta đặt tên cho vườn nhà mình là Mạn Đà sơn trang. Bà yêu hoa trà đến nỗi giết người để làm phân bón cho hoa.

Cũng trong tác phẩm, ông kể chuyện một “tay chơi” muốn phá hết vườn hoa thược dược. Đó là thằng Vi Tiểu Bảo. Hồi nhỏ, hắn vào hái trộm hoa trong chùa Thiền Trí ở Dương Châu, bị một nhà sư đánh cho cái bạt tai. Khi làm khâm sai trở về Dương Châu, hắn muốn... trả thù hoa thược dược. Hắn bày đặt chuyện vua Khang Hy muốn nuôi bầy ngựa chiến, cần có thược dược cho ngựa ăn. Chữ “dược” trong thược dược có nghĩa là ngựa ăn hoa này thì nên thuốc! Mấy tay bợ đít hắn ủng hộ. May là có một viên quan ở Dương Châu phân tích hoa thược dược là biểu tượng của thành đạt, khâm sai về Dương Châu mùa thược dược nở là cơ hội phát triển thành đạt tới nơi, hắn mới tha cho vườn hoa chùa Thiền Trí.

Năm kia, bần đạo bị tai biến mạch máu não. Mấy bạn trong cơ quan đến thăm, tặng cho bần đạo năm chục đóa hoa hồng. Hoa hồng là hoa vương giả - Hồng hoa thị vương giả chi hoa. Năm chục đóa hồng thành một bó hồng to lớn. Bần đạo nhìn hoa, nghĩ cần phải sống để được tiếp tục nhìn hoa, không nên ngáo trong tuổi này. Quả nhiên bần đạo sống, chỉ có cái chân trái là đi xà lỉa.

Việt Nam ta có rất nhiều ngày lễ, trong đó có các ngày lễ hình thành thông tục tặng hoa. Ta có thể kể ra ngày 14.2, ngày 8.3, ngày 20.10, ngày 20.11, ngày 21.6... Hoa vốn trồng trên mặt đất nhưng vào các dịp lễ ấy, giá lên cao ngất ngưởng trên trời. Ai cũng có thể mua hoa tặng nhau: Chồng tặng cho vợ, bồ tặng cho bịch, anh tặng cho em, học sinh sinh viên tặng cho thầy cô...

Thế nhưng, dù tặng hoa cho nhau bày tỏ lòng thương yêu kính trọng như vậy, cuộc sống vẫn xảy ra những điều chộn rộn. Anh bạn trai tặng cô bạn gái bó hoa hồng tươi đẹp trong ngày 14.2 kia có thể sẽ phát khùng khi cô bạn gái vì một lý do nào đó, không còn yêu hoặc tiếp tục cuộc tình với anh nữa. Thế là thay vì mua hoa, anh ta lại mua dao Thái Lan để “tặng” bạn mình. Đã có những cái chết thương tâm xảy ra từ ghen tuông, thù hận mặc dù trước đó, người ta âu yếm tặng hoa cho nhau. Tặng hoa kiểu yêu nớ thì tặng làm cái cóc gì?

Thời bần đạo mới lớn lên, thanh niên nghèo kiết xác mùng tơi. Không ai có tiền mua hoa tặng mà dẫu có tiền cũng không nghĩ ra chuyện tặng hoa cho bạn gái, người yêu hay vợ mình. Thời đó, người ta cũng có chia tay, cũng xa nhau, cũng... đường ai nấy bước. Thế nhưng, anh đàn ông thất tình kia trở về, ít khi nghĩ đến việc tặng bạn cũ con dao, bình a-xít. Họ thất tình một cách có văn hóa, không chửi bới, không sinh sự. Thay vì dùng dao hay cãi cọ, họ... làm thơ, viết nhạc. Nhiều bài thơ và tác phẩm âm nhạc nổi tiếng ra đời sau cơn thất tình trở thành danh tác. Hóa ra cách yêu giữa hai thời đại có khác nhau. Cho nên bần đạo nghĩ thà không mua hoa tặng nhau và sau đó không dùng đến dao còn hơn trước tặng hoa sau tặng dao.

Xem ra cách tặng hoa ở ta cũng còn lắm chuyện dị kỳ toi. Cô ca sĩ hát trên sân khấu đang tập trung vào tiếng hát, thả hồn mình theo nhạc cảm. Cô muốn có một bài hát tràn đầy cảm xúc gửi đến cho người xem bên dưới. Đánh đùng một cái, có vài người nhảy lên sân khấu... tặng hoa. Ca sĩ cứ một tay nhận hoa, một tay cầm mic hát. Thấy ngon ăn, nhiều người khác cũng nhảy lên tặng hoa, có người còn chơi cả cái lẵng hoa to đùng, nặng trịch. Ca sĩ không nhận thì coi không được, mà nhận thì để vào chỗ nào, làm sao biểu diễn khi hoa che lấp mặt. Việc tặng hoa như vậy tưởng là văn hóa lại đâm ra rất mất văn hóa.

Thiên nhiên ưu đãi, đem lại cho đất nước chúng ta nhiều loài hoa đẹp. Muốn có hoa đẹp thì phải bỏ tiền ra mua. Một lẵng hoa đẹp giá bây giờ cũng ba, bốn trăm ngàn chớ đâu phải ít. Ai cũng có thể nói đất nước ta còn nghèo nhưng chuyện chơi hoa thì ta “giàu” hơn nhiều nước trên thế giới.

Trời ơi, chỉ cần một cái hội nghị nho nhỏ, hoa đã tràn lan từ trên bục đứng đọc diễn văn của chủ tọa, xuống tới bàn quan khách ngồi dự khán. Có khi, hoa che lấp cả mặt người, che lấp micro. Đó là chưa nói đến hoa đem tặng những cá nhân được tuyên dương khen thưởng. Ta giàu hơn nước Mỹ, nước Nhật chăng? Không giàu hơn nổi. Nhưng ông tổng thống Mỹ tiếp một quốc khách đơn giản chỉ có hai ly nước lọc, hai cái ghế giản dị ngồi nói chuyện. Không hoa! Ông thủ tướng Nhật tiếp quốc khách cũng không hoa.

Giải World Cup, Euro Cup gồm toàn những anh hào bóng đá về dự. Hình như các đội này đá hay hơn các đội ở Việt Nam ta thì phải. Nhưng họ không tặng hoa cho cầu thủ, cũng không tặng hoa cho trọng tài. Ta thì chế ra màn tặng hoa cho cầu thủ, trọng tài. Hiếu khách là một chuyện, trân trọng tài năng là một chuyện nhưng việc tặng hoa cho cầu thủ, trọng tài chỉ làm cho những người được nhận hoa lúng túng. Họ biết đưa hoa ấy cho ai? Sao bóng đá chúng ta cứ không muốn chơi theo thông lệ quốc tế mà cứ nghiến răng chơi theo ý mình? Nghĩ hoài hổng ra.

Ta đang nói về tiết kiệm. Tiết kiệm tiền mua hoa cũng là tiết kiệm vậy. Chưa ai thống kê được số tiền hoa được mua trong những hội nghị, hội thảo, tiếp tân, bóng đá... nhưng ít nhất trên cả nước, số tiền mua hoa ấy là không nhỏ.

Cho nên, nếu có một điều tự hào hơi bậy bạ thì ta có quyền tự hào đất nước ta chơi hoa, chưng hoa, xài tiền hoa nhiều nhất so với các nước bạn. Điều này không biết nên buồn hay nên vui.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.