Hoa robot

17/06/2010 09:33 GMT+7

Ngoài việc trang trí, hoa robot còn có thể quay phim, báo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, ô nhiễm... và cả khí độc.

Suy nghĩ về một robot cứng nhắc, khô khan của tôi đã bị đánh đổ khi được chứng kiến hoa robot mô phỏng sinh học do bốn sinh viên năm thứ ba, ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chế tạo. 

Hoa đa chức năng
 
Bản nhạc từ chiếc máy tính xách tay của nhóm sinh viên mang theo vừa được bật lên và dường như chỉ chờ có thế, cây hoa robot được đặt trong đám cỏ cách đó khoảng 5 m bắt đầu nghiêng ngả, cánh thu vào bung ra... trông như một thiếu nữ lắc lư theo điệu nhạc. Sinh viên Nguyễn Sỹ Hưng, trưởng nhóm chế tạo, cho biết: “Chức năng trang trí, giải trí chưa phải là yếu tố chính, chúng tôi muốn hướng việc ngụy trang phục vụ trong an ninh, nhận biết môi trường xung quanh để đưa ra các cảnh báo”.
 
Theo giới thiệu của Hưng, khi phát hiện bất kỳ một vật lạ nào, máy quay phim được giấu trong nhụy hoa sẽ tự động thu hình và quay theo hướng di chuyển của vật để ghi lại hình ảnh. Để kiểm tra độ thông minh của hoa robot, tôi đi phía sau so với hướng hoa nở nhưng vẫn bị hoa quay lại ghi hình. Phan Đoàn Anh Tuấn, một thành viên của nhóm, giải thích đó là vì các cảm biến hồng ngoại đồ vật được gắn xung quanh chậu hoa nên khi phát hiện vật lạ, đài hoa sẽ tự động hướng đến và ghi hình.
 
Hiện tại, việc truyền hình ảnh từ hoa về máy quản lý được kết nối hữu tuyến. Trong thời gian tới, hình ảnh này sẽ được chuyển thành dữ liệu số, truyền qua mạng không dây WiFi, 3G... tới thiết bị cầm tay (điện thoại di động). Do vậy, khi có sự cố bất thường, thiết bị sẽ tự động gửi đến số điện thoại được cài đặt sẵn.
 
Hoa còn được gắn các cảm biến tương tác với môi trường bên ngoài. Khi ánh sáng đủ thì hoa nở bung, thiếu ánh sáng, lại thu vào hoặc nhiệt độ cao thì lá rũ xuống... Với chức năng ghi hình, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng một hoa robot có giá thành khoảng 1 triệu đồng.
 
Tiếp tục hoàn thiện để chuyển giao sản phẩm

Hưng chia sẻ: Để làm được thân cây không đến nỗi khó khăn nhờ vào cơ cấu dây chằng được tham khảo từ một bài báo của Cục Quản trị Hàng không và Không gian quốc gia Hoa Kỳ (NASA). Tuy nhiên, việc thiết kế cánh hoa để có thể từ nụ thành chớm nở, nở xòe một cách tự nhiên không phải là chuyện dễ. Sau gần 2 tháng thử nghiệm, nhóm đã có được giải pháp tối ưu là dây xoắn và đàn hồi. Hiện tại, thân của hoa robot được thiết kế có thể xoay được tất cả các hướng.
 
TS Nguyễn Trường Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chế tạo thử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhận định: “Đây là thành công lớn trong việc chế tạo robot mô phỏng sinh học và là một robot hoa hoàn chỉnh nhất mà tôi được biết. Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ để chuyển giao sản phẩm”.
 
Với thành công trên, nhóm đã được khuyến khích viết bài báo gửi tới hội nghị quốc tế về robot mô phỏng sinh học do tạp chí điện tử trong lĩnh vực khoa học máy tính và truyền thông danh tiếng (IEEE) tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 10 tới. Sẵn có niềm đam mê robot, cộng với việc viết bài báo bằng tiếng Anh, Hưng đã thuyết phục được Công ty Intel trao học bổng hơn 93.000 USD để học 2 năm cuối tại Portlan State University, Hoa Kỳ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.