'Hoa sắt' cứng cỏi mà rất mềm mại

Hoàng Kim
Hoàng Kim
19/11/2024 07:00 GMT+7

Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói TP.HCM 2024 với vở Hoa sắt (tác giả: Đặng Thanh Nga; đạo diễn: Nguyễn Thị Bích Phượng) đem lại nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả. Khi màn nhung khép lại, mọi người vẫn còn xuýt xoa bàn tán.

Nhiều vở kịch đề tài cách mạng thường hơi "lên gân", nhưng Hoa sắt không như thế. Vở mang lại ấn tượng rất rõ về sự mềm mại, dịu dàng, cảm động ẩn trong bản anh hùng ca về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nhân vật chính là cô Như Thuần do NSƯT Thanh Nga đóng (chị từng gây ấn tượng khó quên trong lòng khán giả với vai cô Hạnh trong phim Giã từ dĩ vãng). Thanh Nga cùng đạo diễn Bích Phượng đang giảng dạy tại Khoa Sân khấu của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, nay kết hợp thành một đôi bạn ăn ý, dựng và diễn đều cực kỳ thông minh.

'Hoa sắt' cứng cỏi mà rất mềm mại- Ảnh 1.

NSƯT Thanh Nga (trái) vai Như Thuần; Châu Hoàng Vũ vai Sáu Kiên trong vở Hoa sắt

ẢNH: H.K

Hình ảnh nữ chiến sĩ biệt động Như Thuần từ lúc chiến đấu cho tới hai lần bị giặc bắt, tra tấn, anh dũng giữ vững khí tiết, rồi tàn phế phải ngồi xe lăn, đan xen với mối tình đầu thủy chung, cao thượng, được Thanh Nga diễn dung dị, chân thành, rất "đời", không cần gồng chút nào, không cần "hô khẩu hiệu" mà khán giả vẫn rưng rưng thương yêu, cảm phục. Thậm chí, những lớp diễn với người yêu, với thủ trưởng, Thanh Nga quá dễ thương, như một cô gái thẹn thùng, ngúng nguẩy, nghịch ngợm một chút, làm cả vở "mềm" đi, "đốn tim" khán giả. Đến những lớp cô Thuần bị giặc bắt, tra tấn, thì đạo diễn Bích Phượng lại chứng tỏ tài năng xử lý sân khấu, dùng những bức bình phong che bớt đi để giảm cảm giác ghê rợn dù vẫn bảo đảm sự thật về những nhà tù khốc liệt ngày xưa.

Cao Hùng Sơn là nhà thiết kế rất trẻ, vừa tốt nghiệp trường sân khấu không lâu, nhưng đã khẳng định được thực lực của mình qua thiết kế thông minh, chỉ cần 3 tấm bình phong và vài chiếc bục mà đủ xoay xở cho mọi cảnh trí và che được những chi tiết tra tấn nhưng khán giả vẫn "thấy" được, thế mới hay.

Đạo diễn Bích Phượng còn giỏi ở chỗ chỉ cần 20 diễn viên trong một lớp diễn mà đủ diễn tả trận đánh quy mô, khốc liệt. Thật sự cả vở có gần 80 diễn viên nhưng không bị rối, đâu đó được sắp xếp chuẩn xác, tạo nên một tổng thể thẩm mỹ và rung cảm, chứ không dồn "gánh nặng" cho diễn viên. Pháo tay nổ liên tục suốt 2 tiếng đồng hồ cũng là yếu tố khẳng định chất lượng vở diễn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.