Theo Bloomberg, đây là thể loại hình ảnh ẩn chứa nhiều mật mã phức tạp, nhưng phần thưởng dành cho người đầu tiên giải được câu đố là chiếc ví chứa đầy tiền mã hóa. Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của DeCourcelle là bức họa dầu vẽ năm 2015, có tên Torched H34R7S, tác phẩm cuối cùng trong loạt tranh Huyền thoại Satoshi Nakamoto.
Bức Torched H34R7S có hình ảnh một con rùa, nhiều quân cờ và một con phượng hoàng được bao quanh bởi ngọn lửa. Bức tranh kết hợp nhiều biểu tượng gợi nhắc “cha đẻ” bitcoin, gợi nhắc cuộc sống riêng tư của Shakespeare và chính deCourcelle. Năm nay, một người ẩn danh đã giải ra câu đó, mở khóa ví tiền mã hóa gồm 5 bitcoin bên trong. Ở thời điểm người này nhận giải, giá trị phần thưởng là 50.000 USD.
DeCourcelle khởi động hiện tượng câu đố nghệ thuật bitcoin vào năm 2014 với Dark Wallet Puzzle. Đây là bức tranh có hình hai người yêu thích tiền mã hóa, ẩn chuỗi khóa ví bitcoin. Người giải được câu đố ẩn trên bức họa nhận phần thưởng 3,4 bitcoin.
Đến tận gần đây, các tác phẩm câu đố nghệ thuật khóa mật mã của nữ danh họa chỉ phổ biến với nhiều người thích sưu tầm kỳ lạ hoặc được lan truyền trên các trang web như Reddit và BitcoinTalk. Song hiện loại tranh này bắt đầu được chú ý rộng rãi, bước vào nhiều phòng trưng bày, bảo tàng, triển lãm quốc tế và thậm chí là trò chơi video. Nhiều câu đố cũng dễ giải hơn, giúp nhiều người có cơ hội mở khóa và nhận thưởng. Một số nhà sưu tập mua tranh ngay cả sau khi bức họa được giải và số tiền mã hóa được lấy đi.
|
Mùa xuân vừa rồi, nghệ sĩ Andy Bauch trình làng New Money, bộ sưu tập tranh ghép mảnh, tại Castelli Art Space ở Los Angeles (Mỹ). Mô hình trong các mảnh được tạo từ hàng ngàn khối Lego ẩn chứa manh mối về bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa khác. Bauch bán được ba bức tranh dạng này, trong đó một bức đạt giá 14.000 USD, và một bức khác thì phần thưởng tiền mã hóa đã được lấy từ trước buổi triển lãm. Theo quy tắc bất thành văn của công chúng nghệ thuật mã hóa, Bauch đăng ảnh toàn bộ tác phẩm lên mạng để mọi người xem và cố gắng giải câu đố.
Các tác phẩm dạng này nhận được ít nhiều sự chú ý từ giới làm nghệ thuật cao cấp. Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney ở New York có kế hoạch chiếu bộ phim có chứa manh mối dẫn đến một địa chỉ bitcoin. Người giải ra đầu tiên sẽ được xướng danh là một trong những nhà tài trợ chính thức của tác phẩm, vốn có thể được bán lại hoặc giao dịch.
Tại sự kiện Bitcoin Art ở Paris vào mùa thu, khoảng 1.000 người đến xem 40 tác phẩm của họa sĩ @coin_artist và nhiều người khác. Nhà tổ chức Pascal Boyart cho hay ông dự định đưa thêm nhiều câu đố nghệ thuật mã hóa vào tranh tường trên đường phố của mình.
Đa số các bức họa mới mẻ kiểu này không kiếm được nhiều tiền theo tiêu chuẩn của giới nghệ thuật, và liệu câu đố có giá trị như một khoản đầu tư hay không vẫn còn cần thời gian minh chứng. Dù vậy, deCourcelle chia sẻ mình được hỏi mua bức Torched H34R7S với giá có khi lên đến 1 triệu USD trong nhiều năm, song nó hiện vẫn trong tay bà vì giá trị tình cảm.
Bình luận (0)