Ngày 27.7, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, họa sĩ đã tổ chức buổi triển lãm 100 bức chân dung (trong tổng số 1.475 chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng mà họa sĩ đã kịp vẽ trong suốt 7 năm qua) và cùng giao lưu với các bạn trẻ tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM).
Tại buổi triển lãm, dưới nét vẽ của họa sĩ Đặng Ái Việt, chân dung các mẹ hiện lên vừa hiền từ, nhân hậu vừa bất khuất. Buổi triển lãm đã thu hút nhiều người trẻ đến tham dự để được xem, được nghe câu chuyện về chuyến hành trình về với mẹ của họa sĩ.
“Chủ đề xuyên suốt chuyến hành trình của tôi có tên là hành trình nếp thời gian. Bởi tôi đang ghi lại từng nếp thời gian trên gương mặt các mẹ, các nếp gấp đó có thể nói là không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể tả hết được vì đó là tác phẩm của tạo hóa. Thời gian đã để lại trên gương mặt các mẹ những hằn sâu những ký ức nhưng ký ức đó không bình thường mà là đau thương, là những mất mát, là nỗi niềm bi hùng gấp vào trong từng nếp nhăn trên gương mặt của các mẹ. Và tôi đi tìm những nếp gấp đó rồi lưu nó lại trong từng tác phẩm ký học của mình”, họa sĩ Việt chia sẻ.
|
|
Để tạo được công trình về chân dung các mẹ như ngày hôm nay thì theo như họa sĩ là không phải ngủ một giấc sáng dạy xách xe ra khỏi nhà và bắt đầu đi vẽ mà người họa sĩ gần 70 tuổi này đã phải tập luyện rất nhiều. Và đây cũng là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đã đặt ra cho họa sĩ Việt là làm sao có được sức khỏe để chinh phục những chuyến hành trình như thế này.
“Tập luyện về sức chịu đựng, phải tập nhịn đói cho cơ thể quen để lỡ trong chuyến đi bị lạc vào rừng thì cũng chịu được. Đi tìm các cuốn sách về động cơ học và học theo để có thể “sơ cứu” cho chiếc xe trong suốt chuyến đi. Nói chung là phải chuẩn bị kỹ lưỡng về sức chịu đựng cũng như những kỹ năng cần thiết cho một chuyến băng rừng vượt núi. Tuy nhiên, chắc cũng bởi vì tôi đã thụ hưởng được sự chịu đựng từ chiến tranh, đi từ sương gió, mưa giông và bom đạn nên sức khỏe và sự chịu đựng mới bền bỉ như thế này”, họa sĩ Việt chia sẻ.
Bên cạnh đó họa sĩ Việt khuyên mỗi người trẻ phải có ước mơ, hoài bão và muốn thực hiện được thì phải có niềm tin. Niềm tin sẽ dẫn lối để mỗi chúng ta thực hiện được ước mơ của mình.
|
|
Theo họa sĩ, lý do thực hiện công trình này là vì muốn báo đền công ơn, sự chịu đựng, bao dung của các mẹ để các anh, các đồng đội ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Và một phần cũng vì thế hệ trẻ ngày hôm nay. Bởi “50 năm nữa chúng ta sẽ không còn được nhìn thấy các mẹ bằng da bằng thịt. Và công trình này tôi muốn lưu lại cho thế hệ mai sau, cho các lớp trẻ đang ngồi đây để các bạn thấy được, ghi nhớ được sự hi sinh của các anh, các mẹ. Vì sứ mệnh của các bạn là bảo vệ Tổ quốc này và tôi kỳ vọng vào thế hệ thanh niên chúng ta hôm nay rất nhiều bởi các bạn cũng đã và đang làm được nhiều hình ảnh đẹp cho đất nước chúng ta”, họa sĩ Việt tâm huyết.
Và suốt cả buổi giao lưu, họa sĩ luôn nhấn mạnh: “Đây là công trình và cả đời làm nghệ thuật của tôi chỉ có công trình này. Và tôi sẽ tiếp tục đi, tiếp tục thực hiện các tác phẩm ký họa của mình bởi hiện nay cả nước còn trên dưới 7.000 mẹ nhưng số lượng này sẽ vơi nhanh lắm. Nên tôi sẽ còn vẽ và làm các đề tài về nhân chứng lịch sử”.
Là một trong những người trẻ chăm chú ngồi nghe câu chuyện của họa sĩ Việt, không chỉ là chuyện về chuyến hành trình về với mẹ của họa sĩ mà còn là câu chuyện về các mẹ, về các cuộc chiến tranh vào sinh ra tử mà họa sĩ cũng như các đồng đội đã từng trải qua, Thái Thị Nhung (Q.3, TP.HCM) bày tỏ: “Lịch sử của nước ta anh hùng và vô tận, kiến thức sách vở trên nhà trường khó lòng nào chuyển tải hết được. Qua những câu chuyện em được nghe sáng nay và cũng như là những câu chuyện toát lên từ các bức chân dung của các mẹ, tụi em lại càng thêm động lực phấn đấu trong học tập cũng như trong cuộc sống. Sống như thế nào để xứng đáng với các thế hệ đi trước”.
Còn Ngô Văn Hưng, SV Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), thì chia sẻ: “Em thấy ở tuổi của họa sĩ mà còn làm được công trình ý nghĩa như thế này thì tại sao lớp trẻ như tụi em lại không chịu suy nghĩ và không chịu cống hiến bằng những việc làm thiết thực và có ý nghĩa”.
Bình luận (0)