Tranh “mất hút” sau đấu giá
Theo nữ họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, bức Cẩm chướng này được vẽ vào năm 2015, từng được triển lãm tại Eight Gallery vào tháng 5.2016 trong loạt tranh chủ đề Sự sống mong manh.
Tới tháng 12.2016, chị được nhà đấu giá Lythi aution mời tham gia mở màn cho cuộc đấu giá đầu tiên do Lythi aution tổ chức vào ngày 17.12.2016. Bức Cẩm chướng có giá khởi điểm 2.000 USD, sau 4 lượt đấu và 3 người trả giá, bức tranh đã chốt với giá thắng cuộc là 2.500 USD (khoảng hơn 65 triệu đồng). Họa sĩ đã giao tranh cho nhà đấu giá Lythi từ trước khi tổ chức đấu giá và giấy chứng nhận tranh sau khi đấu giá thành công.
Tuy nhiên sau gần 5 tháng kết thúc đấu giá, họa sĩ Đan cho biết chị không hề nhận được thông báo nào từ Lythi aution về việc thanh toán bức tranh trên. Sau nhiều lần chủ động nhắn tin và lên đòi trực tiếp nhà đấu giá số tiền đã bán tranh thành công, họa sĩ Đan vẫn bị khất lần với lý do bên mua chưa chuyển tiền. Thất vọng vì cả bên người mua lẫn nhà đấu giá, họa sĩ Đan lên tiếng đòi lại tranh về nếu người mua vẫn chưa chịu trả tiền.
Bức tranh Cẩm chướng, thuộc bộ tranh Sự sống mong manh
|
Phía đại diện của Lythi aution cũng trưng ra nhiều tin nhắn giao dịch để chứng minh rằng khách hàng đang đi vắng xa, không kịp trả tiền tranh. Tuy nhiên bên Lythi aution cho biết đã giao tranh ngay sau khi đấu giá thành công và nhất trí sẽ đi “đòi lại” tranh cho họa sĩ Đan.
|
|
Theo họa sĩ Nguyễn Đình Hợp, người từng giúp miễn phí một số họa sĩ trẻ đấu giá trên trang mạng của ông, cũng có trường hợp sau khi đấu giá thành công trên mạng, nhà sưu tập chuyển tiền rồi nhưng họa sĩ tiếc tranh lại không đồng ý bán nữa, nên gửi trả lại tiền cho người mua. Chẳng hạn như trường hợp bức sơn dầu Nơi giữ được sự hồn nhiên của họa sĩ Nguyễn Quang Thanh.
|
|
|
“Thực sự đây là việc rất mỏi mệt đối với tôi. Vì với tôi việc bán tranh không phải là nguồn thu nhập chính. Rất hiếm hoi có những họa sĩ sống được bằng tranh. Tôi hiện giờ chưa phải là một trong số đó nên vẫn phải làm nhiều việc tay trái để nuôi tay phải. Vẽ chưa từng mưu cầu bán hay để rao bán nên việc bắt tôi phải cuốn theo chuyện tiền nong như thế này khiến tôi mệt. Tôi chỉ muốn bức tranh quay lại để khỏi phải đau đầu mặc dù trên thực tế bức tranh đã được "bán" kể từ ngày 17.12.2016”, họa sĩ Đan nói.
Đấu giá kém chuyên nghiệp hay người mua ý thức kém?
Vụ việc của họa sĩ Đan khiến nhiều người nhớ lại trường hợp chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh “bỏ chạy” sau khi đấu giá thành công cặp chóe Tứ Linh 6 tỉ đồng vào ngày 28.5.2016 do nhà đấu giá Lạc Việt tổ chức. Và dĩ nhiên Tân Hoàng Minh bị mất số tiền đặt cọc 50 triệu đồng và cặp chóe vẫn chưa được giao.
Còn ở trường hợp họa sĩ Đan lại khác, tranh đã giao, tiền chưa nhận và người mua luôn trong tình trạng khó tiếp cận.
Trao đổi với bà Lý Thị Bích Ngọc, đại diện của Lythi Aution vào chiều 7.5, bà cho biết ngay sau khi tranh đấu giá thành công đã được chuyển tới nhà người mua dù chưa hề đặt cọc, do Lythi tin tưởng vào khả năng tài chính của người mua. Tuy nhiên do người mua thường xuyên ở nước ngoài, nên việc thanh toán qua trợ lý gặp nhiều khó khăn, cho tới nay vẫn chưa hề trả tiền.
“Người mua cho tới nay vẫn không hề xác nhận không mua tranh nữa. Nhưng họa sĩ cứ đòi lấy về. Chúng tôi cũng sẽ đi đòi lại tranh, nhưng điều này phụ thuộc khi nào người mua về nước. Tất cả các tác phẩm đấu giá thành công khác, chúng tôi đều đã nhận đủ tiền, trừ bức Cẩm chướng này thì xảy ra trục trặc không mong muốn", bà Ngọc nói.
|
|
|
Cách làm việc của Lythi Aution rất thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm với họa sĩ. Tôi cũng từng bán hộ tranh cho các họa sĩ nhưng chưa bao giờ như vậy. Tôi không hiểu với cách làm này, cách xử lý vụ việc thế này thì nhà đấu giá đó sẽ ra sao? Tại sao gần 5 tháng mà đòi không được tiền? Việc Lythi aution đấu giá không theo nguyên tắc đã xảy ra tình trạng rủi ro cho họa sĩ, giờ lại bắt họa sĩ phải chịu
|
|
|
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan
|
|
|
Tuy nhiên ngay sau khi họa sĩ Đan phản ánh thông tin trên lên mạng xã hội, nhiều họa sĩ khác cũng chia sẻ và bày tỏ sự bất bình. Một số họa sĩ cho rằng sàn đấu giá nào cũng có quy định của nó, khách tham gia đấu giá cần đặt cọc trước khi vào đấu giá và cần phải thanh toán hết trước khi nhận tác phẩm.
Theo bà Phạm Thị Hương Giang, sáng lập tổ chức Nhà chống lũ, người từng tổ chức nhiều cuộc đấu giá tranh làm thiện nguyện, từ trước giờ cũng chưa có trường hợp nào xảy ra đối với việc đã đấu giá thành công mà không mua và bao giờ cũng nhận tiền trước mới gửi tranh sau.
Đại diện nhóm quản trị VAS (Vietnam Art Space, được thành lập từ tháng 12.2015 và thường xuyên đấu giá tranh trên mạng, tới nay đã có trên 18.000 thành viên), cho biết để bảo đảm an toàn cho họa sĩ, sau khi đấu giá tranh thành công, người mua phải gửi tiền trước mới được nhận tranh. Và sau khi người mua kiểm tra chất lượng, màu sắc của tranh, hài lòng về tác phẩm, nhóm VAS sẽ gửi tiền ngay cho họa sĩ trong vòng 1-2 ngày. VAS cho biết cũng có vài trường hợp người mua đổi ý không mua nữa, nhưng do nhóm quản trị chưa giao tranh khi chưa thu tiền nên không xảy ra tình trạng mất mát gì.
Họa sĩ Nguyễn Phan Bách (người có bức tranh Cô gái thỏ bán đấu giá thành công với giá 25.000 USD qua nhà đấu giá Chọn vào ngày 19.3.2017) cho biết một vài tác phẩm khác của anh từng tham gia vài cuộc đấu giá và khách tham gia đều phải đặt cọc trung bình từ 10-15 triệu đồng mới được quyền đấu giá.
Cũng sau vụ việc trên, các họa sĩ cũng nhắc nhau nên làm hợp đồng dịch vụ mỗi khi giao tranh cho các nhà đấu giá và phải đọc kỹ các giao dịch trong hợp đồng để bảo vệ mình. “Các họa sĩ nhìn chung là hiền và giao dịch bằng lòng tin. Như thế rất dễ bị tổn thương khi gặp tình huống xấu chứ chưa nói đến chuyện bị lừa đảo”, họa sĩ Ngô Trần Vũ nói.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc của Chọn Aution, nhà đấu giá phải đảm bảo quyền lợi cho người gửi tác phẩm đấu giá (ở đây có thể là gallery, nhà sưu tập hoặc họa sĩ). Trong trường hợp người mua không trả tiền dù đã đấu giá thành công thì nhà đấu giá vẫn phải có trách nhiệm đối với người gửi tác phẩm bán. “Quyền lợi của họa sĩ phải luôn được đảm bảo. Nhà đấu giá cũng phải luôn đảm bảo 3 yếu tố là tranh gốc, chính danh và thanh toán đủ tiền”, ông Vũ Tuấn Anh nói.
“Chuyện họa sĩ Đan gặp phải tình huống mất tiền, mất cả tranh như vậy thật vô lý. Nhà đấu giá đã giao tranh cho người mua thì vẫn phải có trách nhiệm với họa sĩ, dù khách đã trả tiền hay chưa”, một nhà sưu tập giấu tên.
“Ở trường hợp của họa sĩ Đan thì nhà đấu giá phải lấy lại tranh trả lại họa sĩ, hoặc phải tự bỏ tiền túi ra trả, rồi sau đó giải quyết với người mua. Mỗi phiên đấu giá đều có quy định cụ thể trước đó. Nếu tranh bán được hoặc không bán được sẽ được xử lý ra sao”, bà Phạm Thị Hương Giang.
|
Bình luận (0)