Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục: Nghệ nhân, nghệ sĩ, 'nghệ' nào 'nhất thân vinh'

31/03/2019 08:48 GMT+7

Xuất thân từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (Hà Nội), giảng dạy sơn mài tại Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội... Những vốn quý ấy đã giúp Nguyễn Xuân Lục nhận ra nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển của làng nghề thủ công truyền thống, và đang giúp nghệ nhân nơi làng nghề theo lối sáng tạo của một người nghệ sĩ.

Không dừng lại ở thủ công mỹ nghệ
Chuôn Ngọ là làng nghề khảm trai danh tiếng của cả nước. Là người theo nghề khảm trai từ nhỏ, duyên cớ gì khiến Lục quyết định theo học sơn mài?
Từ 13 tuổi, tôi đã theo học khảm trai và làm gia công cho các xưởng trong làng. Khi vào đại học, tôi chọn sơn mài chỉ vì lý do đơn giản muốn khi tốt nghiệp có thể gây dựng, mở xưởng làm đồ mỹ nghệ, kết hợp giữa hai nghề sơn mài và khảm trai. Việc học sơn mài với suy nghĩ của tôi lúc ấy chỉ là để biết thiết kế, làm các đồ thủ công mỹ nghệ.
Từ một thợ khảm trai thủ công, chuyển qua sáng tác trên chất liệu sơn mài, có gì lợi thế trong các tác phẩm mà Lục thực hiện?
Chạm khảm trai ốc, làm trang trí thì rất đẹp và dễ, nhưng đưa vào hội họa sơn mài lại cực khó vì trai ốc vốn dĩ rất cứng, khó dùng, khó điều khiển hơn là vỏ trứng, màu sắc cũng nổi bật hơn nên tạo mối tương quan, hòa hợp trong tranh khó hơn. Đưa trai ốc vào tranh không khéo, dễ bị quy chiếu là đồ mỹ nghệ - bởi cảm tính của nhiều người hễ thấy khảm trai ốc là cho ngay đó là đồ mỹ nghệ. Tôi có lợi thế là sử dụng trai ốc quen thuộc, điều khiển tốt được nó để trai ốc hòa hợp hơn trong chất liệu sơn mài.
Tham gia giảng dạy về sơn mài ở trường nghề, Lục cảm nhận điều gì từ các học viên theo học bộ môn sơn mài?
Tôi được tham gia phụ trách bộ môn sơn mài ở Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, điểm khác biệt ở các học viên (đặc biệt khoa sơn mài) đều là những người đã tốt nghiệp đại học, thậm chí là họa sĩ vẽ tranh, là giảng viên đại học kiến trúc... có niềm đam mê với nghệ thuật sơn mài, đã tìm hiểu kỹ mới quyết định đến học, nên ý thức học, cách học, cách tiếp thu cũng khác so với những bạn trẻ ở lứa tuổi phổ thông theo học ngành nghề khác. Nhiều bạn tìm đến trường nghề thậm chí còn chưa biết mình sẽ chọn nghề gì, hoặc đến học do bố mẹ áp đặt, nên cách học cũng khác.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục: Nghệ nhân, nghệ sĩ, 'nghệ' nào 'nhất thân vinh'1
Nguyễn Xuân Lục với một sáng tác đang thực hiện tại xưởng vẽ sơn mài

Làng nghề cần sáng tạo

Tôi muốn thoát khỏi ranh giới người thợ nghề thủ công, lấy thủ công làm nền tảng, còn ngôn ngữ sáng tác phải là cách nhìn, cách nghĩ, phản ánh tính cách và con người của họa sĩ

Trở lại chuyện làng nghề thủ công truyền thống, câu chuyện mai một, thất truyền những tinh hoa trong nghề đang là thực trạng chung. Là người làm nghề, dạy nghề, Lục nghĩ gì?
Nhắc đến chuyện làng nghề ngày càng suy thoái, ít người theo nghề, phải tìm đến căn nguyên vì sao. Vì từ vài chục, thậm chí vài trăm năm nay, cả làng nghề vẫn cứ làm một sản phẩm, mẫu mã na ná, thậm chí là y chang nhau. Lấy ví dụ làng khảm trai, những mẫu cỏ cây, hoa lá tôi tham gia chế tác từ hồi còn nhỏ đến giờ vẫn nhai đi nhai lại. Trong khi người làng bây giờ ai cũng biết xài điện thoại thông minh, chỉ có chuyện làm mẫu mã mới lại rất bảo thủ. Còn nhớ ngày xưa làm thuê, tôi có thực hiện một mẫu khảm trai cải biên, phóng tác từ tranh thủy mặc của Trung Quốc, mẫu ấy ra thị trường bán rất chạy. Đến giờ gần 20 năm, người làng vẫn tiếp tục sao chép làm y chang mẫu ấy. Thiếu sự sáng tạo, sao chép lẫn nhau, tự hạ thấp giá thành phẩm... những lý do ấy khiến làng nghề truyền thống ngày càng đi xuống.
Những người cùng tuổi Lục ở làng giờ đã thành nghệ nhân, còn Lục chấp nhận ra khỏi làng học hành bài bản để trở thành nghệ sĩ. Lục có thấy tiềm năng gì ở làng nghề có thể khôi phục hoặc phát triển?
Hồi tôi rời làng Chuôn Ngọ, nhà nhà đều làm nghề khảm trai, nhộn nhịp lắm, giờ chỉ còn lại 30% số hộ theo nghề. Đi ra ngoài, tiếp cận nhiều thông tin thực tế, tôi thấy rõ nhiều thứ để áp dụng và phát triển cho làng nghề. Bên cạnh điểm mấu chốt nhất là sự sáng tạo, người làng nghề cũng cần biết duy trì thái độ làm việc nghiêm túc, cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Tôi thường đưa về làng những đơn hàng nhỏ, có tuyển chọn, giao cho người làng thực hiện trong phạm vi kiểm soát được, nhất định không chạy theo số lượng, không làm đại trà. Chẳng hạn như một đơn hàng làm đồ gác bút, không đắt tiền, nhưng đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ, tôi muốn mang lại cho làng nghề những tiềm năng thị trường thông qua tay nghề của người thợ trên từng sản phẩm cụ thể, giúp họ dần thay đổi tư duy trong chế tác, nghiêm túc trong sản xuất để dần thích hợp với nhu cầu hiện đại.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục: Nghệ nhân, nghệ sĩ, 'nghệ' nào 'nhất thân vinh'2
Chỉ còn khoảng 30% số hộ gia đình theo nghề chạm khảm ở Chuôn Ngọ Ảnh: Lam Phong
Một khó khăn thường gặp phải của khách hàng khi tiếp cận với nghệ nhân làng nghề, ấy là nghệ nhân rất dễ tự bằng lòng bản thân, hay tự ái… Lục có thấy đó là một hạn chế?
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục (sinh năm 1983) xuất thân từ làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, H.Phú Xuyên, Hà Nội), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Khoa Sơn mài (2007), đang giảng dạy sơn mài tại Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội. Là họa sĩ sáng tác sơn mài theo phong cách bán trừu tượng, Nguyễn Xuân Lục đã tham gia nhiều triển lãm nhóm về sơn mài ở VN, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Đài Loan từ 2011…
Đến 2019, anh thực hiện được một triển lãm cá nhân đầu tay, với các tác phẩm sơn mài mang chủ đề Bụi (từ 11 - 18.3). Sử dụng hình ảnh hạt bụi nhỏ bé, đưa vào không gian mênh mông bao la của vũ trụ, nhân cách hóa hạt bụi thành kiếp người trần gian.
Bản thân tôi là người làng nghề, tìm kiếm các đơn hàng giới thiệu về làng cho thực hiện còn thấy khó huống chi là người ngoài. Có những đơn hàng tôi kéo về từ nước ngoài, khi đưa mẫu mã về làng để thực hiện, yêu cầu của tôi là chất lượng phải đảm bảo, tôi dặn dò kỹ lưỡng từng gia đình khi thực hiện phải làm hết khả năng để tạo nên sản phẩm tối ưu nhất, không quan tâm về giá. Nhưng phải qua đơn hàng thứ 2, thứ 3, mọi thứ mới được cải thiện đôi chút. Tôi hiểu điều đó là do tâm lý làm việc cẩu thả, khi gặp yêu cầu kỹ quá, người làm nghề thường mau nản. Đấy là thói quen rất khó thay đổi.
Yếu tố kinh tế, “tiền nào của nấy” có tác động lên tay nghề của người thợ thủ công?
Thời gian làm việc ở trường nghề, nơi trực tiếp giảng dạy hơn 24 ngành nghề thủ công, tôi biết tay nghề của thợ thủ công VN nói chung đều có những tố chất đặc biệt, nhất là sự tỉ mỉ, tinh tế. Nhưng cũng với những nghề thủ công ấy ở các nước, chẳng hạn Nhật Bản, nghệ nhân khi đã thành danh vẫn tiếp tục tự hoàn thiện mình, đưa sản phẩm từ thông thường dần trở thành tác phẩm, mang dấu ấn riêng. Còn thợ thủ công VN dễ thỏa mãn bản thân hơn; yếu tố kinh tế, đơn hàng đặt tiền cao, cũng không dễ khiến họ thay đổi cách làm việc. Thêm nữa, người tiêu dùng hay so đo mắc rẻ, khi đặt hàng cũng muốn sao có giá thật rẻ nhưng chất lượng phải thật tốt, thật đẹp. Tạo ra một sản phẩm thủ công, chẳng bao giờ có khái niệm tốt - đẹp mà lại có giá rẻ cả.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục: Nghệ nhân, nghệ sĩ, 'nghệ' nào 'nhất thân vinh'3
Một góc triển lãm các tác phẩm sơn mài mang chủ đề Bụi của Nguyễn Xuân Lục tại Bảo tàng Mỹ thuật VN

Muốn thoát khỏi ranh giới người thợ nghề

Từ khảm trai, qua sơn mài, lại theo đuổi đề tài sáng tác mang phong cách bán trừu tượng, Lục có thể chia sẻ lý do?
Để tạo ra một sản phẩm, tác phẩm ở thể loại khảm trai hay sơn mài, đều phải nắm vững kỹ thuật. Một bức vẽ phong cảnh, một bức sao chép lại từ ảnh chụp, từ phác thảo… thể hiện qua chạm khảm, sơn mài, nếu kỹ thuật tốt thì cái gì cũng có thể làm đẹp, đủ cho việc trang trí. Nhưng tôi muốn thoát khỏi ranh giới người thợ nghề thủ công, lấy thủ công làm nền tảng, còn ngôn ngữ sáng tác phải là cách nhìn, cách nghĩ, phản ánh tính cách và con người của họa sĩ, tác phẩm hoàn thiện không là thứ chỉ để trang trí đơn thuần. Tôi muốn hướng đến câu chuyện ẩn ý đằng sau ngôn ngữ hội họa, và tôi cho đó mới là cái quyết định giá trị của tác phẩm.
Lục có bao giờ phải suy nghĩ, phân tâm giữa một người làm nghề và một nghệ sĩ sáng tác?
Tôi bị ảnh hưởng khá nhiều, cuộc sống có những giai đoạn khó khăn, họa sĩ cần sống, cần lo cho gia đình, trong khi tranh cứ nằm đấy, nhất là bản thân luôn muốn thay đổi. Nếu chỉ để ý vẽ tranh đẹp đẹp kiểu làm nghề thủ công, mục đích để bán thì dễ, nhưng tìm tòi ngôn ngữ sáng tác mới sẽ qua giai đoạn rất khó khăn, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nhiều. Tôi phải cố gắng tìm cách vượt qua bằng cách làm thêm các công việc bên ngoài phục vụ cho sáng tác. Vật liệu thiếu thì sử dụng những gì có sẵn, không cứ phải là quỳ vàng, quỳ bạc. Không có tiền mua sơn thì tự đánh sơn, nói chung là tự khắc phục, điều chỉnh cuộc sống để phục vụ cho sáng tác sơn mài. Còn khi thực hiện một sản phẩm hay một tác phẩm, tôi luôn chú ý hàng đầu đến chất lượng, làm tốt nhất có thể chứ không chú tâm đến số lượng. Thà là một cái giá trị còn hơn cả chục cái mà chẳng ra sao cả.
Đánh cược cuộc đời cho đam mê
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật VN
Hội họa sơn mài hiện thực vẫn là dòng chảy chủ đạo, cụ thể, được nhiều người khai thác, Nguyễn Xuân Lục lại tìm đến trừu tượng. Xuất thân từ làng nghề, được đào tạo bài bản, Lục có những lợi thế về kiến thức, nhưng cũng gặp khó khăn từ áp lực không theo nghề, không dừng lại ở thủ công mỹ nghệ, dám lựa chọn, can đảm, và mạo hiểm để sáng tạo, lại chọn chất liệu đắt nhất trong mỹ thuật là sơn mài. Phải yêu lắm, có thể nói dám thế chấp cả cuộc đời cho nghệ thuật mới làm được. Đó là sự đánh cược cuộc đời cho một đam mê, một chi tiết rất đáng quý ở thế hệ họa sĩ trẻ như Lục. Triển lãm cá nhân đầu tay của Nguyễn Xuân Lục vừa qua mang chủ đề Bụi là một thành công, một ghi nhận đầu đời làm bước đệm giúp Lục tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật, sáng tác.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn,
 
Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật VN
Họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Long,  thành viên nhóm Sơn ta (vẽ sơn ta theo phương thức truyền thống)
Vận dụng yếu tố cổ truyền vào sáng tác hiện đại
Tranh của Nguyễn Xuân Lục sử dụng kỹ thuật tuân thủ theo lối cổ truyền, từ chất liệu sơn ta, đến cách vẽ nhiều lớp, điều đó giúp tạo nên độ sâu trong tranh. Từ kỹ thuật truyền thống sơn mài, Lục ứng dụng vào sáng tác các đề tài trừu tượng. Chẳng hạn cách lựa chọn đề tài thể hiện như bộ tranh Bụi trong triển lãm vừa qua của Lục rất đặc biệt. Lục biết vận dụng khéo léo yếu tố cổ truyền trong chất liệu, đẩy cái huyền bí, bao la của không gian rộng mở nơi vũ trụ vào ngôn ngữ sáng tác rất hiện đại. Đó là một thành công.
Họa sĩ sơn mài Trần Tuấn Long, 
thành viên nhóm Sơn ta (vẽ sơn ta theo phương thức truyền thống)
Quách Ngạn Vỹ, Giám tuyển nghệ thuật, người Đài Loan, Chủ nhiệm dự án thiện nguyện “Ngôi sao miền núi”
Ảnh: Lam Phong
Tư duy sáng tác kết hợp Đông - Tây
Kỹ thuật thì không bàn, vì đã là họa sĩ sơn mài phải nắm vững và làm chủ kỹ thuật. Điều tôi muốn nói đến Nguyễn Xuân Lục chính là tư duy sáng tác với nhiều điểm mới, khác biệt với lớp họa sĩ sơn mài truyền thống. Lục nhìn vật thể nhỏ bé, lại kết hợp triết lý cuộc sống, nhân sinh quan, tạo ra cái gì vừa cụ thể, vừa trừu tượng, phù hợp với lối thể hiện sơn mài - một chất liệu rất phương Đông, nhưng lại chịu ảnh hưởng hội họa phương Tây. Các sáng tác của Lục thể hiện rõ cách nhìn, cách cảm nhận rất mới, với sự phối kết nhịp nhàng hai dòng chảy ý thức Đông - Tây rõ rệt.
Quách Ngạn Vỹ,
Giám tuyển nghệ thuật, người Đài Loan, Chủ nhiệm dự án thiện nguyện “Ngôi sao miền núi”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.