Họa sĩ Tôn Đức Lượng - 'Thư ký thời đại' tái xuất

01/11/2012 10:59 GMT+7

“Thư ký thời đại”, “nắm bắt được vấn đề nhân loại của đất nước...? là vài cụm từ được giới chuyên môn trong và ngoài nước dùng để miêu tả Tôn Đức Lượng- họa sĩ của báo Tiền Phong trong nhiều thập kỷ.

Ở tuổi 87, ông bỗng nhiên được biết đến ở tầm quốc tế nhờ hàng trăm bức ký họa đề tài thanh niên thời kỳ 1960-1970. Triển lãm tác phẩm của Tôn Đức Lượng diễn ra từ 1 đến 5-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ý tưởng của một nhà sưu tập tranh Thái Lan.

Không thể nói Tôn Đức Lượng là người sống lặng lẽ nhưng có lẽ vì ông ít nói nên có nhiều chuyện ly kỳ trong đời giờ mới được ông công bố. Ly kỳ ngay từ sự ra đời của triển lãm Ký họa lịch sử và cuốn sách cùng tên.

 Họa sĩ Tôn Đức Lượng -
Hôm nay, Tôn Đức Lượng - họa sĩ đầu tiên của Báo Tiền Phong khai mạc triển lãm tranh “Ký hoạ lịch sử” -  Ảnh: Hồng Vĩnh

Hồi sinh từ...? gánh đồng nát

Sự nghiệp của Tôn Đức Lượng hồi sinh cũng là nhờ một bà đồng nát. Số là một lần họa sĩ Mai Văn Nam mượn một số ký họa khổ nhỏ của Tôn Đức Lượng để “chào hàng” với Bảo tàng Mỹ thuật, cùng tác phẩm của nhiều họa sĩ khác.

Không biết bảo tàng có chọn mua được cái nào không nhưng khi ông Lượng đến đòi tranh thì ông Nam thông báo, để lẫn vào đâu giờ tìm không ra. “Mình chả nhẽ ăn thịt ông ấy à! Hóa ra đến lúc ông ấy chết (1987), vợ ông đem bán cho đồng nát” - ông Lượng kể.

Nhà bà đồng nát ở cạnh nhà anh Thông, trưởng phòng tổ chức đoàn Tuồng. Anh chuyên sưu tập tranh bán cho nước ngoài. Hôm đó thấy bà hàng xóm gánh về một gánh khả nghi, Thông sang xem và mua luôn cả gánh, tập tranh Tôn Đức Lượng có trong đó.

Rồi Thông bán chúng cho Tira Vanichtheeranot- nhà sưu tập Thái Lan “nghiện” hội họa Việt Nam.

Trong một triển lãm các bức ký họa của 29 họa sĩ Việt Nam do ông Tira tổ chức ở Thái Lan, Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore chỉ mua một số tranh của Tôn Đức Lượng.

Có lẽ vì thế mà nhà sưu tập Thái nhờ Thông dẫn đến gặp Tôn Đức Lượng vào 2008. Theo yêu cầu của Tira, ông Lượng khui tập tranh để trên nóc tủ áo.

Ai ngờ tủ mọt, tranh cũng mọt theo. “Mình bán rẻ cho họ vì mình cũng thấy tranh thủng, chả nghĩ giá trị ghê gớm lắm”, họa sĩ kể. Đó là 4 bộ ký họa: Mỏ than Cổ Kênh, huyện Chí Linh, Hải Dương 1967; Thanh niên xung phong Hà Tĩnh chống Mỹ cứu nước 1970-1971; Khu kinh tế thanh niên 1971-1972 và Nông trường nuôi bò Moncada, Mộc Châu, 1974.

Mua xong, Tira Vanichtheeranot nói luôn: “Tôi sẽ in sách cho ông và sẽ triển lãm cho ông ở Hà Nội và Sài Gòn, sẽ mang đi khắp các nước Đông Nam Á”.

Đến giờ ông Lượng lại đánh giá cao những “cộng sự” mối: “Tranh của tôi quý ở chỗ ấy! Màu giấy vàng ố lại bị mối ăn, mới đúng là đồ chính cống họa sĩ vẽ ra”.

Chẳng là có hiện tượng một số tranh của danh họa cùng thời với ông không hiểu sao trông lại rất mới.

Ngoài ký họa, Tôn Đức Lượng vẽ một ít sơn dầu và lụa, cả thảy chỉ độ 20 bức. Đa số trong đó đã được bảo tàng hoặc khách nước ngoài mua. Lý do ông vẫn giữ được bức sơn dầu Mở đường (vẽ trong 5 năm, hoàn tất 1975) cũng khá ngộ.

Năm 1976, Mở đường vẽ cảnh TNXP làm đường trên đỉnh đèo Ngang tham gia Triển lãm toàn quốc, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia định mua thì phía Hà Nội can, bảo để dành cho Nhà Truyền thống Hà Nội sắp thành lập. Tác giả mang tranh về nhà chờ Nhà Truyền thống Hà Nội đến tận bây giờ.

Họa sĩ bút máy

Khi qua mua ký họa Tôn Đức Lượng, ông Tira kéo theo 5 họa sĩ Thái Lan. Các họa sĩ này không hiểu ông Lượng ký họa bằng gì, không phải bút lông mà cũng không phải que, cái gì mà lại nét lúc to lúc nhỏ, vừa rắn rỏi lại mềm mại.

“Có những cái nhìn lại tôi cũng không thể tưởng được tại sao lúc ấy mình quết nhanh mà nó lại phóng đến thế”, ông Lượng vừa nói vừa giở những những trang trong cuốn Ký họa lịch sử cho tôi xem.

Những chiếc lá phi lao rất bay, có thể thấy tiếng lao xao của gió trong đó. Ông chỉ vào hình nữ TNXP Hà Tĩnh xúc đá răm bằng xẻng: “Những cái dáng này nhiều anh bây giờ sợ. Bắt thế nào được những cái dáng nhanh như thế này, vẫn dẻo mà động tác vẫn chính xác. Chỉ cái bút ấy mới giải quyết được!”

Đó là chiếc bút máy Waterman đã được ông Lượng bẻ ngòi cho cong. Khi vẽ ông để ngửa ngòi bút. Ông dựng bút lên thì nét vẽ nhỏ, càng hạ bút thấp xuống thì nét càng to.

Cho đến khi dính cái lỗ mực ở ngòi vào tờ giấy thì ông có thể phết những mảng màu đen. “Lợi hại cái chỗ ấy đấy. Sử dụng đã thuần, tôi vẽ nhanh lắm”, họa sĩ cho hay.

“Những cái ký họa này lâu lắm cũng không quá 15 phút”. Hỏi ông vì sao không vẽ nữa, ông đổ cho tuổi già, hết hứng. Nhưng còn một lý do là chiếc Waterman chế đã bị mất.

Người thứ 15

 

Tôn Đức Lượng là một nghệ sĩ hiếm hoi. Không chỉ là một trong số ít sinh viên trường mỹ thuật thuộc địa còn sống sót, ông đã sống trong chiến tranh và nghèo đói.

Tuy nhiên, không giống như nhiều nghệ sĩ của thế hệ thành công, ông đã không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào về việc muốn thay đổi số phận hay lối sống của mình.

Như Phan Cẩm Thượng giải thích, ông Lượng theo đuổi con đường của sự khiêm tốn, nhã nhặn và đơn giản. Khi ông gặp lại các bức vẽ của mình sau tất cả thời gian đó, ông đã phản ứng một cách bình tĩnh như thể các tác phẩm đó không phải của mình, như thể ông không sở hữu chúng.

Ông Thượng gọi sự thiếu gắn bó với của cải vật chất và thoải mái là khuynh hướng Phật giáo. Tuy nhiên không có bản vẽ nào của ông Lượng phản ánh vấn đề mà chúng ta có thể cho là “Phật giáo”. Hay ít nhất chỉ trên bề mặt...?

Tuy nhiên, tôi đồng ý với ông Thượng, rằng có một cái gì đó “Phật giáo” về các bản vẽ. Đó là về sự tạo dựng hòa bình, tìm kiếm một kết thúc của những đau khổ, và về cuộc sống hàng ngày.

GS. Nora A.Taylor
Học viện Nghệ thuật Chicago

Thời ấy muốn thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, người ta phải trải qua ít nhất 1 năm học dự bị. Tôn Đức Lượng không có lấy một ngày. Và tất nhiên chẳng biết gì về cách sử dụng sơn dầu hay màu nước, ông toàn vẽ bằng bút chì. Theo ông thì: “Chính tại ngớ ngẩn nên mình đỗ”.

Đáng ra người ta phải pha màu bằng một loại hỗn hợp keo để màu bám chắc vào giấy thì đằng này Lượng cứ thế hòa màu với nước để vẽ. Kết quả là bài thi trang trí đường diềm motif hoa hồng của ông màu rất tươi, lại còn có những vết rạn rạn rất là “hiệu quả thị giác”.

Nộp bài, giáo sư ngạc nhiên hỏi: “Anh không dùng hồ à?” Lượng dõng dạc: “Vâng thưa ngài tôi không dùng hồ”. Giáo sư lại tưởng Lượng cá tính, phá cách, bèn gọi tất cả các giáo sư khác đến xem.

“Họ cho là tay này giỏi, gớm, biết là như thế nên không dùng hồ”. Bài trang trí đường diềm của Lượng đạt điểm tối đa 20- điều cực hiếm trong lịch sử Mỹ thuật Đông Dương.

Hôm sau thi vẽ hình họa, Lượng vừa vào bài thì thấy có cả chục người cứ đứng sau lưng mình xì xồ bàn tán. Ông nghe thấy một câu tiếng Pháp: “Đây là một cậu bé có năng khiếu”.

Lúc đó, Lượng cũng chỉ nghĩ họ đi thị sát phòng thi mà thôi. Ba tháng sau ông thấy mình đỗ trong số 15 người. Sau đó Lượng thắc mắc với thầy là họa sĩ Nam Sơn, rằng sao những khóa trước lấy 10, khóa này lấy 15 người.

Cụ Sơn mới bảo: “Vì có cậu thi vào! Những bài thi khác của cậu không khá hơn người khác, nhưng riêng bài trang trí cậu nhất (trường Mỹ thuật) Đông Dương từ xưa đến giờ. Cộng tất cả các bài cậu xếp thứ 15. Các giáo sư và tôi thấy tiếc cậu, nếu không cho cậu đi học thì phí quá, cho nên chúng tôi phải lấy đến 15 người”.

Nam Sơn là thầy dạy duy nhất của Tôn Đức Lượng trong hơn 1 năm ông học ở Mỹ thuật Đông Dương. 1945, trường đóng cửa, Lượng đi theo Cách mạng.

“Phóng viên tranh” của báo Tiền Phong

“Vì sao bác lại không nổi tiếng từ xưa nhỉ?” Tôn Đức Lượng: “Cũng nổi tiếng nhưng trong ngành, chứ không nổi kiểu ca ngợi ầm ĩ lên. Tư cách của mình ở Trung ương Đoàn là một họa sĩ vẽ tất cả cho Đoàn Thanh niên”.

“Hay tại bác mải cống hiến cho Đoàn quên cả bán tranh làm giàu?” “Đúng thế. Tôi cũng không có tư tưởng làm giàu về tranh. Bán cho người nước ngoài phải qua bao nhiêu môi giới, cho nên người ta không thể biết mình. Giao thiệp với anh em mình cũng chỉ bình thường chứ không ăn uống bia rượu. Tôi không thích uống bia. Chỉ thấy ngồi bệ rạc không giải quyết được cái gì trong nghề của mình cả. Mình chỉ thích vẽ”.

Năm 1948, Tôn Đức Lượng về Trung ương Đoàn, minh họa và trình bày cho các báo Xung Phong, Sức Trẻ. Sau vụ nhà in của Trung ương Đoàn bị kẻ xấu đốt, báo không ra được nữa, thay vào đó là tập san Tiền Phong ra hằng quý.

Cuối 1952, thanh niên cả nước lao động công ích góp được 2 triệu đồng cho Đoàn ra báo vào ngày 16-11-1953. Tôn Đức Lượng chính là người vẽ măng-set đầu tiên cho báo.

Tất nhiên điều kiện sơ tán, chỉ có tranh khắc gỗ thay cho ảnh. Báo ra tháng 1 số rồi dần dần nửa tháng 1 số. Mỗi số, Tôn Đức Lượng tự tay khắc 3- 4 tranh, vì sợ nhà in khắc sẽ không chuẩn.

“Vẽ có khi chỉ trong nửa ngày hay 2 tiếng. Đưa các ông thông qua cái mang về khắc luôn. Có cái vẽ mất một ngày khắc mất 2 ngày”, ông kể.

Tháng 10-1954, báo Tiền Phong về Hà Nội, Tôn Đức Lượng không phải khắc “tranh báo chí” nữa, mà chỉ trình bày và minh họa. Ông là người của Tiền Phong cho đến khi về hưu năm 1982.

Tiểu sử nghệ thuật của Tôn Đức Lượng (thực ra là nghệ danh, Nguyễn mới là họ thật của ông) do họa sĩ Phan Cẩm Thượng viết có dòng: “Tôn Đức Lượng còn có thú vui săn bắn”.

Trong nhà ông Lượng treo cái đầu thú rừng có cặp sừng cong vút rất ấn tượng, nhưng không phải là ông bắn. “Tôi đi đâu mà bắn được thú. Bắn chim là chính thôi. Mình có quan trọng gì chuyện săn bắn. Ông Thượng cứ tán thế, kệ ông ấy!”.

Ông cho hay đã giao súng săn lại cho con trai cũng là một họa sĩ: “Tay ấy bắn hung hơn tôi.”

Ông sống ở căn hộ tập thể của báo Tiền Phong tại 128 Hàng Trống từ 1960 đến nay. Ông tự trào mình “sống trên một đống tiền”.

Mỗi thước vuông trong căn hộ một phòng của ông có giá khoảng 1 tỉ, mỗi tội chưa có ai mua. Việc sống cạnh Hồ Gươm lúc này lợi ích nhất ở chỗ ngày 2 lần ông có thể đi bộ vòng quanh hồ.

Theo Nguyễn Mạnh Hà / Tiền Phong

>> Một họa sĩ Mỹ dùng máu của mình vẽ tranh
>> Họa sĩ đường phố của Mỹ sáng tạo tranh theo cách độc
>> Họa sĩ voi
>> Gặp họa sĩ Pháp yêu nước Việt
>> “Mở cửa xưởng” xem họa sĩ đang làm gì

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.