Họa thực phẩm “bẩn”: Rau ơi là rau!

16/02/2012 03:51 GMT+7

Nhu cầu sử dụng rau trong bữa ăn hằng ngày còn phổ biến hơn cả thịt, cá… nhưng trên thực tế, hầu hết người tiêu dùng (NTD) đang ăn phải các loại rau không an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điệp khúc buồn rau “bẩn”

Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày đã tiêu thụ hàng ngàn tấn rau, nhưng lượng rau sạch cung cấp cho hai thị trường này chỉ như muối bỏ biển. Hầu hết người tiêu dùng vẫn phải nhắm mắt ăn mà không biết nó có thực sự “sạch” không.

Báo chí đã có nhiều bài viết về rau với những từ “rùng mình”, “kinh hoàng”, “báo động đỏ”… Nhưng rồi mọi người cũng phải ăn rau vì tìm đỏ mắt ngoài chợ không thấy rau sạch, mà nếu có rau được coi là sạch thì số lượng cũng chẳng thấm gì với nhu cầu tiêu thụ và giá cả cũng đắt hơn mong muốn của đa số NTD.

Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành đã có chương trình sản xuất rau an toàn, song có vẻ như đó là giải pháp “xoa dịu” lòng dân hơn là một dự án chiến lược mang tầm quốc kế dân sinh. Thực tế là có những dự án trồng rau sạch đã phá sản. Thậm chí, có những doanh nghiệp tư nhân hô hào là cung cấp rau sạch nhưng lại lừa đảo bằng cách trà trộn rau bẩn vào rau sạch rồi tuồn ra thị trường.

Chưa hết, trong thực tế câu chuyện rau sạch vẫn chứa đựng quá nhiều điều bất ổn và nghịch lý. Mới đây tại hội thảo “Định hướng sản xuất và tiêu thụ rau muống nước” do Công ty cổ phần nông nghiệp GAP phối hợp với trạm Khuyến nông liên quận 12 - Gò Vấp (TP.HCM) tổ chức, những nông dân tham gia chương trình trồng rau muống nước an toàn tại khu phố 2, tổ 312, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM thổ lộ rằng: họ cũng muốn trồng rau sạch nhưng không tìm được đầu ra. Nếu họ tự mang ra chợ bán, người mua nhìn rau không bắt mắt thì chê không mua. Cuối cùng họ phải làm cho rau muống của mình trắng, mướt hơn bằng cách sử dụng hóa chất để dễ bán.

Việc ăn rau được sản xuất, tiêu thụ mất vệ sinh an toàn như nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, kim loại nặng… ảnh hưởng đến sức khỏe là điều mà ngành y tế thường xuyên cảnh báo.

Tại hội thảo nêu trên, bà Nguyễn Thị Hồng - trưởng trạm Khuyến nông liên quận 12 - Gò Vấp cũng thẳng thắn nói: “Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đáng báo động như hiện nay, nhất là những ca ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, trong đó các loại thực phẩm được chế biến từ các nguồn rau xanh là những nguyên nhân trước tiên cần xem xét. Tác hại nhãn tiền của việc ăn rau “bẩn” là ngộ độc, nhưng đáng sợ hơn là những hóa chất độc hại trong rau này sẽ ngấm dần vào cơ thể người ăn có thể dẫn đến các bệnh nan y như  ung thư…”.

Hậu quả của rau bẩn vô cùng to lớn, thế nhưng, “điệp khúc buồn” rau bẩn vẫn được “biểu diễn” ngày này qua tháng nọ. Rau bẩn là chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nói mãi mà vẫn không lay chuyển được tình hình. Vậy thì làm sao tránh rau bẩn?

Phải “thông minh” hơn khi mua rau

PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm từng khuyến cáo NTD hãy “thông minh” hơn trong việc chọn mua rau để tự bảo vệ mình và gia đình. Ông cũng truyền đạt kinh nghiệm chọn rau quả tươi là mua của những người bán hàng quen; nhìn không thấy dính “chất lạ” như các vết lấm tấm hoặc vết trắng vì có nhiều loại rau quả không an toàn còn dính cả chất bảo vệ thực vật trên cuống lá, núm quả…; mùi thì ngửi không thấy mùi hắc, mùi hóa chất bảo vệ thực vật.

Vị tiến sĩ còn ân cần chỉ cho NTD cách rửa như phải nhặt lá kỹ, ngâm trong chậu ngập tràn nước từ 10 - 15 phút, rửa lại dưới vòi nước, ngoài ra cũng có thể ngâm thuốc tím…

Một số nhà chuyên môn cho rằng, việc ngâm nước muối, thậm chí là nước rửa rau bán trên thị trường cũng không thể hoàn toàn đảm bảo rau bẩn trở thành rau sạch. Việc ngâm rau trong nước muối nhạt cũng chỉ có thể làm sạch một số vi sinh vật, còn các loại tạp chất, thuốc trừ sâu thì khó loại trừ bằng phương pháp này. Kinh nghiệm được áp dụng khá hiệu quả là rửa kỹ dưới vòi nước chảy mạnh rồi cho vào máy khử độc bằng khí ozon.

Thói quen của NTD mua rau phải xanh mướt, nõn nà vẫn tồn tại. Nhưng đó là sự chọn lựa không khôn ngoan. Chính rau nhìn bắt mắt nhất thường là đã sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.

Bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp GAP chia sẻ: “Rau nhìn bề ngoài xanh mướt, trắng nõn cho rằng đó là rau ngon là một quan niệm sai lầm. Rau an toàn có thể nhìn không bắt mắt nhưng khi ăn nó vẫn ngon, và quan trọng nhất là nó tốt cho sức khỏe của NTD".

Theo tiết lộ của một nông dân trồng rau ở phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM thì đừng có chê rau có sâu, hoặc nhìn không đẹp, chính đó mới là loại rau an toàn hơn. Còn bó rau nào nhìn to mà cầm lên thấy nhẹ, lá rau thì xanh mướt, hay rau muống trắng nõn là chắc chắn đã dùng thuốc trừ sâu, hóa chất kích thích tăng trưởng.

Mới đây, tôi được một người chia sẻ bài phỏng vấn những nông dân trồng rau quả có tựa Đằng sau rau tươi quả đẹp là cái gì, và cuối cùng đã phán một câu “xanh rờn” là “cái chết thầm lặng”! Vậy, mong NTD hãy tự trang bị thêm một chút kiến thức để chọn rau, quả an toàn cho mình, để không phải nhận “cái chết thầm lặng”.

Mẹo chọn một số loại rau quả

Rau muống: Đừng mua những bó rau trông quá mướt mắt, trắng nõn, bó to nhưng cầm lên thấy nhẹ. Loại rau muống như vậy có thể trồng ở nguồn nước ô nhiễm, sử dụng “thần dược” kích thích tăng trưởng, hoặc các hóa chất độc hại khác. Rau muống luộc thấy nước luộc xanh lè là bón nhiều đạm, nhưng nước quá trong cũng có thể rau không an toàn.

Rau cải: Tránh mua rau cải có thân mập mạp, lá to, xanh mướt và đều. Có thể rau cải đó đã bón nhiều phân đạm nitrat không tốt cho người ăn.

Giá đỗ: Giá đỗ càng trắng càng mập thì càng tiềm ẩn những chất độc hại bên trong. Thường loại giá này có sử dụng phân bón và hóa chất kích thích nẩy mầm siêu tốc, cho năng suất cao nhưng lại nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng. Giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn kém ngon.

Cần nước: Những cây cần nước thân phình to, thân và ngó có màu trắng nõn bất thường thì tuyệt đối không nên mua. Có thể nó đã được canh tác không đảm bảo VSATTP.

Đậu cô ve: Những quả đậu nhìn đẹp, dài, bóng, ít lông tơ, phân đốt rõ có thể do dùng nhiều phân bón lá, phun thuốc trừ sâu cận ngày thu hoạch. Ăn loại đậu này dễ bị độc hại.

Mướp đắng: Đừng bị hấp dẫn bởi những quả to, màu xanh đậm, da láng bóng. Như vậy là mướp đắng đã bón nhiều đạm, và chất kích thích sinh trưởng. Những quả hơi nhỏ, vỏ có nhiều gân nhỏ li ti là loại nên mua.

Thiên Thảo
(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc:

Ra chợ bây giờ khó tìm được rau sạch, mà bữa ăn hằng ngày thì không thể thiếu rau. Để hạn chế phần nào tác hại của rau kém VSATTP, NTD phải biết cẩn thận hơn khi chọn rau, và chế biến rau trước khi ăn. Theo kinh nghiệm của tôi là mua các bó rau cằn cỗi vì thường loại rau như vậy không dùng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại kích thích tăng trưởng nhanh. Dĩ nhiên rau nào tôi cũng phải rửa kỹ 3 đến 4 nước để nó sạch hơn. (Chị Phạm Thị Thùy Loan - GV trường PTTH Bà Điểm, Hóc Môn)

Thực phẩm bẩn là đại họa như báo Thanh Niên nói là rất xác đáng. Ngộ độc thực phẩm không trừ bất cứ ai. Từ những anh chị em công nhân, các cháu bé, thực khách của nhà hàng… lâu nay cũng đã bị ngộ độc thức ăn. Tôi mong các cơ quan hữu quan hãy vì sức khỏe người tiêu dùng mà nghiêm khắc hơn với những người vì lợi ích cá nhân mà coi thường sức khỏe và sinh mạng NTD. (Thanh Thịnh, 174a1 KP.4, F.8, TP. Bến Tre. ĐT: 01225145551. QUANG VIÊN (ghi)

Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng thông minh cho chuyên mục và gửi về hộp mail nguoitieudungthongminh@thanhnien.com.vn. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay sẽ nhận được một phần quà từ nhà tài trợ Tân Hiệp Phát.

Quang Viên

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.