Có lẽ tôi sẽ cảm thấy chuyến đi xuyên Việt của mình khá dễ chịu khi được ở trong toa tàu nằm. Nhưng đó là hành trình từ nam ra bắc. Bắt đầu chiều hành trình ngược lại, tôi “liều mạng” xin trưởng tàu cho lên đầu máy đi qua một vài ga. Từ đó, tôi bắt đầu thót tim và có cái nhìn cận cảnh về nghề lái tàu.
Trên hành trình lái chính, lái phụ phải phối hợp tác chiến nhịp nhàng |
Thử thách thần kinh
Đưa chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính còn hiệu lực, kiện tướng lái tàu Hoàng Ngọc Sơn thuộc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội mới cho phép tôi lên buồng lái để trải nghiệm, nhưng anh dặn: “Nhà báo chỉ ngồi yên quan sát rồi ghi nhận thôi. Muốn hỏi điều gì thì khi xuống ban nhé”. Tôi bước lên buồng lái tàu trong tâm trạng hí hửng. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên mình được hiên ngang ngồi ở đầu tàu như vậy.
Sau hồi còi chói tai, tàu chuyển bánh, tôi hình dung một lát nữa đây sẽ được phóng tầm nhìn ra không gian khoáng đãng phía trước với bao nhiêu điều thú vị. Nhưng rồi tôi giảm dần tư thế “hiên ngang”. Cảm giác đầu tiên của tôi là âm thanh ầm ào của đầu máy cộng hưởng với tiếng bánh xe của đoàn tàu nghiến vào đường ray và cái nóng ở buồng lái... không dễ chịu chút nào.
Khi tàu đi vào những đường cong, càng cảm nhận đầu tàu rung lắc mạnh. Tôi nghĩ thầm, người bình thường có thể sẽ bị stress nếu phải liên tục nghe mớ âm thanh hỗn độn này. Nhưng anh phụ lái nói: “Chúng tôi quen với tiếng ồn như vậy rồi. Cần phải giữ cái đầu tỉnh táo để xử lý hàng loạt sự cố trên đường”.
Quả thật, cả lái chính và lái phụ không chỉ căng mắt nhìn về phía trước mà còn phải bao quát hai bên đường. Trên suốt hành trình, đường ngang, lối đi tự mở rất nhiều. Lái phụ Thái Doãn Quang phải liên tục hô khẩu hiệu: “Chú ý! Chú ý!”. “Chú ý đường ngang”. “Đường ngang an toàn”… Trong khi đó, lái chính Hoàng Ngọc Sơn không rời nút bấm còi, cần hãm. “Nếu không tập trung cao độ để quan sát và xử lý tình huống thì rất nguy hiểm. Các khu vực đường tàu đi qua như Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội), địa phận tỉnh Hà Nam, Nghệ An… có rất nhiều đường ngang tự phát, khiến lái tàu nào cũng căng thẳng”, anh Ngọc Sơn nói.
Lái tàu luôn tập trung chú ý khi qua đường chắn, điểm đen |
Quang Viên |
Trước đây từng ngồi trên toa nhìn đoàn tàu vùn vụt băng qua các đường chắn khi barie đã đóng, tôi thấy mọi chuyện rất bình thường. Nhưng ngồi ngay trong buồng lái nhìn lái chính, lái phụ phối hợp tác chiến, đặc biệt là chứng kiến cảnh có người cố vượt nhanh để qua đường ngang tự phát, hoặc nhấp nha nhấp nhổm trước đầu tàu trong cự ly không cho phép thì tôi thật sự lạnh gáy. Điều gì sẽ xảy ra nếu lái tàu không kịp thời cảnh báo nguy hiểm từ xa bằng những tiếng còi đinh tai nhức óc và hãm phanh kịp thời trước những tình huống bất ngờ?
Đường ngang có barie và đường ngang, lối đi tự mở theo thống kê lên đến khoảng 5.000 chỗ trên suốt tuyến đường sắt từ bắc vào nam. Cho dù nguy hiểm vẫn thường xuyên rình rập trong suốt hành trình, lái tàu vẫn phải phải đảm bảo tốc độ chạy tàu 60 km/giờ trong khu vực nội thành, 70 km/giờ ở ngoại thành. Khi tàu dừng ở ga Đồng Hới (Quảng Bình), tôi hỏi anh Hoàng Ngọc Sơn, người 7 lần được phong kiện tướng lái tàu, có căng thẳng khi chạy tàu không, anh chân thành: “Dù 37 năm chạy tàu nhưng tôi vẫn rất lo lắng, nhất là khi qua các điểm đen, lái đêm. Nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra mà lỗi hầu hết là do người đi đường”.
Kiện tướng lái tàu 7 lần, anh Hoàng Ngọc Sơn |
Những chuyện không thể nào quên
Trong chuyến tàu chuyên biệt S16 đưa người dân Quảng Bình từ miền Nam về quê tránh dịch Covid-19, tôi gặp chàng lái tàu trẻ Nguyễn Đình Vinh, sinh năm 1992, lái tàu từ năm 2015. Vinh kể nhiều khi đoàn tàu chạy song song với đường bộ, vào tầm 4 - 5 giờ sáng người dân bắt đầu chở đồ vào các khu chợ trong thành phố để buôn bán. Lúc đấy, tàu kéo còi từ xa cách cả mấy trăm mét, thế mà còn tầm trăm mét, nhiều người vẫn cố băng qua đường tàu. Cũng có nhiều lúc lái tàu kéo còi inh ỏi nhưng người ngồi trong ô tô đóng kín cửa, hoặc đêm đông mưa gió người dân đi xe máy mặc áo mưa, đội mũ trùm kín tai không nghe nên thản nhiên cắt ngang đường khi tàu đang đến rất gần. “Lái tàu luôn thót tim vì những cảnh mà người đi đường như đang... đóng phim vậy”, Vinh nói.
Thu nhập còn rất thấp
Dù công việc lái tàu vô cùng vất vả, căng thẳng nhưng thu nhập của lái tàu không nhiều. Kiện tướng an toàn chạy tàu lần thứ 7, anh Hoàng Ngọc Sơn cho biết tuy đã có thâm niên 37 năm trong nghề lái tàu tuyến bắc - nam với mật độ chạy tàu cao, nhưng tháng nào đi nhiều bình quân thu nhập được 11 - 12 triệu đồng/tháng, còn kỳ thấp điểm khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Còn phụ lái nhận được 60% lương so với lái chính nên thu nhập của họ càng ít.
Còn lái tàu Hoàng Ngọc Sơn cũng gặp những tình huống không thể nào quên. Chẳng hạn tại đường ngang tự phát ở địa phận Hà Nam, tổ lái anh Sơn phát hiện một chiếc xe tải chở đầy ắp đất đá nằm chắn ngay trên đường tàu vì chết máy đột ngột. Rất may, khi đầu tàu còn cách vài chục mét thì chiếc xe tải lừ lừ di chuyển. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như đoàn tàu nặng gần 1.000 tấn lao đi với tốc độ 70 km/giờ mà lúc đó chiếc xe tải vẫn nằm chết dí trên đường ray?”, anh Sơn rùng mình kể. Gần đây nhất, anh Sơn lại “rớt tim” ở đầu ga Huế. Lúc đó, một người đứng trên đường ray mải nghe điện thoại mà còi tàu hú xé trời vẫn thản nhiên. Đến khi đầu máy dừng cách người đó mấy bước chân, tổ lái anh Sơn quát lên thì người đó mới giật mình chạy.
Chia sẻ về công việc của lái tàu, trưởng tàu Nguyễn Đình Quý (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho biết: Những chuyến tàu chở hành khách hành trình nam - bắc có đến 6 kíp lái. Mỗi kíp gồm 1 lái chính và 1 lái phụ sẽ đảm nhận lái tàu trong 6 tiếng và chỉ được nghỉ 5 - 10 phút tại các ga lớn. Bất kỳ kíp nào trước khi lên ban cũng được sát hạch rất kỹ. Suốt hành trình, họ đều phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì sự an toàn của đoàn tàu và cả sinh mệnh nghề nghiệp của họ. Thế nhưng, tai nạn đường sắt vẫn xảy ra bởi những tình huống bất khả kháng như có người quyết nằm trên đường sắt tìm cái chết, người say rượu, sự liều mạng của người đi đường… “Có người muốn tự tử nên cố tình ngồi ở đường ray, chúng tôi bấm còi, ra hiệu, la hét, thế nhưng đều vô vọng”, một lái tàu trải lòng.
Người dân chui qua chắn vượt đường sắt khiến lái tàu rất lo sợ tai nạn |
Theo kiện tướng Hoàng Ngọc Sơn, đồng nghiệp anh có người đã phải bỏ nghề vì không thể nào vượt qua cơn sốc sau những vụ tai nạn đường sắt. Cũng có người phải tạm nghỉ việc một thời gian dài mới có thể quay lại cầm lái, vì trước đó trong tình huống bất khả kháng tàu đã đâm vào ô tô làm nhiều người chết. “Tai nạn là nỗi ám ảnh của những lái tàu”, anh Sơn trĩu buồn nói.
(còn tiếp)
Bình luận (0)