Hoài cổ với ampli đèn tự chế

17/07/2009 13:13 GMT+7

(TNTS) Công nghệ âm thanh phát triển vượt bậc cũng không cản nổi các audiophile (con nghiện âm nhạc) vẫn “hoài cổ” quay trở lại chơi ampli đèn. Thay vì bỏ cả ngàn USD để tậu một chiếc ampli đèn hàng hiệu, dân audiophile lại đổ xô chơi ampli đèn DIY (tự chế).

Theo lời Minh Phương, một “tín đồ” ampli đèn ở TP.HCM, thì dân audiophile chuộng loại hàng này nhờ nó có “chất giọng” ngọt ngào, mượt mà và không kém phần ấm áp. “m thanh sau khi được ampli đèn “nuốt” qua bao giờ cũng là tự nhiên nhất. Trong khi các loại ampli bán dẫn bình thường, khi âm thanh có những đột biến biên độ vượt quá thông số kỹ thuật của ampli, tín hiệu ra sẽ bị xén ngọn. Nhưng, với ampli đèn, sự xén ngọn (mà dân trong nghề gọi là soft clipping) thường êm hơn nên ít làm chói tai người nghe. Nếu dùng ampli đèn để mở dạng nhạc hòa tấu, opera… thì hay không gì bằng. Chất âm trong ngọt, nghe rõ đến từng tiếng nấc của người hát, tiếng ngân của nhạc cụ”, Phương cho biết.

 
Còn Lamour, thành viên của diễn đàn dientuvietnam, cho biết có nhiều lý do khiến người ta “khoái” ampli đèn dù thông số kỹ thuật nhiều khi không bằng ampli bán dẫn. Chẳng hạn méo hài của ampli đèn chủ yếu là méo hài bậc chẵn nên hài hòa với âm cơ bản. Chính “bí kíp” đó mê hoặc đôi tai của dân chơi hi-end. “Giọng hát rõ ràng, truyền cảm, rõ cả tiếng lấy hơi của ca sĩ. Tiếng nhạc cụ cũng tách bạch rõ ràng, chất âm mềm mại, uyển chuyển, ám ảnh người nghe”, Đình Nam, một newbie (dân mới chơi), viết trên blog của mình.

Anh Minh, chuyên gia lắp ampli đèn ở TP.HCM cho biết: ampli đèn “hiệu” rất kén loa. Nguyên tắc là loa độ nhạy cao phải phối ghép với ampli đèn. Loa có độ nhạy thấp thì phối ghép với ampli bán dẫn. Ampli có công suất ra càng nhỏ thì loa phải có độ nhạy cao. Việc chọn loa cho dòng ampli đèn đòi hỏi người chơi phải hiểu rõ ngọn nguồn là chiếc ampli đèn mình đang sở hữu là thuộc dòng single-end hay push – pull.

 
Ai đã “qua lửa” ampli đèn một lần sẽ thấy đây là thú chơi tinh tế có thể làm hài lòng bất kỳ tay chơi cầu kỳ nào. Phụ tùng lắp ampli đèn tự chế bày bán tràn lan. Nhưng, để có chiếc ampli đèn diễn “thoát” một chút với âm thanh sống động, các tay chơi phải bỏ công cả tháng trời mới săn lùng được những thiết bị “hàng hiếm”, phải biết tìm thiết bị phối ghép sao cho hợp mới dựng được một chiếc trong mơ cho mình.

“Nhiều khi mất cả tháng trời gửi mua ở nhiều nơi mới kiếm được một chiếc đèn, biến áp xuất âm, chiết áp… ưng ý. Lắm lúc phải nhờ người quen mua hộ từ nước ngoài về. Nếu không “rành sáu câu vọng cổ” về thiết bị thì lắm lúc phải “ôm hận” khi mua phải hàng nhái”, anh Bảo Vương, tay chơi ampli đèn ở Hà Nội, tâm sự.

Công đoạn tự làm xuất âm (OPT) và thiết kế chassis (vỏ máy) cũng ngốn không ít thời gian. Anh Minh cho biết, để lắp được những chiếc ampli đèn anh phải mất 5 năm trời tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tài liệu lắp ráp của nước ngoài. Không biết bao nhiêu lần anh đón nhận những “bài học đau thương” khi cho ampli đèn chạy thử và nó bị “chết” do linh kiện không tương thích.

Bù lại đó, cũng như thú chơi xe cổ, tự tay “mông má”, lắp ráp một chiếc ampli đèn có lắm điều lý thú. Châu Cường, một tay chơi âm thanh có tiếng ở Đà Nẵng, kể lúc đầu anh chỉ chơi cho vui nhưng khi càng dấn sâu anh càng mê. Trong khi bạn bè chỉ sử dụng những chiếc ampli đèn với một kiểu dáng na ná như nhau thì chiếc ampli đèn do anh tự thiết kế đúng là hàng độc. Nó mang phong cách rất riêng mà không một mặt hàng audio thương mại nào có được.

Bài & ảnh: Đông Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.