Hoài niệm

29/09/2022 09:30 GMT+7

Quê tôi, như bao vùng quê nghèo khác ở miền Tây, nơi có con đường liên xã bằng đất pha cát mà mỗi khi mưa về thì ôi thôi sình lầy lên ngang đầu gối, đi không khéo thì cũng được chụp ếch (bị té) như chơi, ngày nắng thì cát bụi mù mịt lấp cả màu xanh của cây cỏ ven đường.

Xóm tôi thuộc diện xóa đói giảm nghèo của xã, vậy nên nhà tôi cũng không ngoại lệ, thỉnh thoảng mẹ vẫn hay nhắc lại chuyện cũ và kể rằng ngày xưa nhà tôi cũng khá giả lắm, chắc vì là khá giả không khá thật nên nhà tôi mới nghèo rớt mồng tơi như vậy.

Cánh đồng ấy là cả một vùng trời ký ức của tôi...

TGCC

Tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng nghèo khổ ấy, đó là những hôm nhà hết dầu lửa hoặc nước mắm mẹ hay kêu tôi đạp xe lên tiệm của ông Ba để mua về xài, ngặt nỗi nói là mua nhưng chẳng bao giờ trả tiền, nói ngắn gọn là đi mua thiếu, mỗi lần thấy mặt tôi bước vô tiệm là ông Ba hỏi trước, “mày mua có trả tiền hông đó”, lúc đó tôi xấu hổ muốn độn thổ luôn, rồi cũng ráng trả lời lí nhí như muốn năn nỉ, “ông ráng cho mẹ con thiếu ít bữa, khi nào bán dừa có tiền mẹ con đem lên trả cho ông”, lúc đó thấy mặt tôi bi kịch quá nên ổng cũng xiêu lòng mà bán, ở quê là vậy, dù trong lòng không vui nhưng vẫn bán vì tình làng nghĩa xóm, tuy nhiên ổng cũng không quên nhắc nhẹ “nhớ nói mẹ mày có tiền là đem lên trả cho tao đó nghen, để tao còn có tiền đi bổ đồ về bán thiếu cho mày tiếp”, trời đất ơi, nghe tới đó mà tôi không biết giấu cái mặt đi đâu cho đỡ mắc cỡ, chỉ biết dạ dạ rồi vọt về cho lẹ.

Con nít xóm tôi hầu như nhà đều nghèo như nhau nên chơi với nhau rất gần gũi mà không có sự phân biệt giàu nghèo, nhờ vậy mà những ký ức về tuổi thơ rất trọn vẹn, với những tháng mưa dầm chúng tôi thường rủ nhau ra ruộng mò cua bắt ốc, có những hôm chán ngoài ruộng thì chúng tôi rủ nhau xuống sông cào hến ở những bãi bồi, lúc nước lớn không cào hến được nữa thì rủ nhau đi đốn dừa nước hoặc tắm sông, chúng tôi tha hồ vẫy vùng trên dòng sông tuổi thơ ấy, nhờ vậy mà tôi mới biết bơi, bơi một cách tự nhiên như bản năng sinh tồn, sau này lớn lên đi chơi cùng bạn bè bảo biết bơi đứa nào cũng ồ lên một cách đầy ngưỡng mộ, cũng tự hào lắm chứ bộ!

Quê tôi, nơi có những hàng dừa xanh mát đầy trái và những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, cánh đồng ấy trải dài vô tận tưởng chừng như chạm đến chân trời, ngày còn nhỏ tôi vẫn tin là cánh đồng ấy chạm được đến chân trời, mặc dù không biết chân trời ấy là có thật hay không, và có lần tôi đã đi tìm chân trời ấy với đôi chân không mang dép của mình, đúng là chỉ có con nít mới suy nghĩ ra được những điều như vậy.

Tôi vẫn nhớ, lần đó khi ngồi trên bờ kinh dưới bóng mát của những bụi tre, nhìn ra xa cuối cánh đồng nơi có những hàng cây bạch đàn xanh rì che khuất bóng mây tôi vẫn nghĩ nơi đó là chân trời và quyết tâm đi tìm cho bằng được chân trời, tôi đã men theo bờ kinh giữa buổi trưa đầy nắng cứ thế mà đi, đi mãi, với một đứa trẻ con như tôi thì việc băng qua một cánh đồng rộng như vậy giữa trưa là một điều hết sức vất vả, nhưng tôi vẫn cố đi tìm cho bằng được chân trời ấy, càng đi càng thấy bầu trời vẫn cao như nơi mình ngồi lúc ban đầu, khi ngoái nhìn lại thì đã thấy rất xa, lúc đó tôi vừa đói bụng vừa khát nước chỉ muốn ngồi luôn ở tại nơi đó, nhưng nghĩ lại nếu đến chiều tối mà tôi không kịp có mặt ở nhà thì cả nhà tôi sẽ tá hoả đi tìm, và lúc đó cái mông tôi sẽ thảm hại như thế nào với mẹ tôi thì các bạn biết rồi đó. Với những suy nghĩ rất sâu sắc đó của một đứa trẻ con thì dù sống dù chết tôi cũng phải lặn lội về tới nhà cho bằng được trước khi trời tối, ôi “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, đi được một đoạn tôi mệt quá lại ngồi ạch ra bờ kinh nghỉ mệt, phải nghỉ ba hồi bảy chập như vậy tôi mới mò về được tới nhà với kết quả là hai chân mỏi nhừ mà vẫn không thấy được chân trời.

Khi lên Sài Gòn đi học rồi đi làm cái cảm giác nhớ quê trong tôi chưa bao giờ nguôi, những hoài niệm về vùng quê yên bình luôn hiện hữu

TGCC

Cánh đồng ấy là cả một vùng trời ký ức của tôi, đó là khoảng thời gian tôi còn học tiểu học, những tháng được nghỉ hè mà đúng ngay mùa cắt lúa thì ôi thôi có biết bao nhiêu trò chơi của bọn trẻ xóm tôi ở ngoài cánh đồng ấy, hồi đó còn chưa có máy cắt lúa như bây giờ thì người ta chỉ cắt lúa bằng tay, sau khi lúa được cắt xong thì bó lại thành từng bó sau đó dùng cây đòn xóc có hai đầu nhọn xiên vào bó lúa gánh về, mỗi lượt đi là hai bó gom lại chất thành đống để đó chờ máy tuốt lúa đến để cho bó lúa vào máy sẽ tuốt cho rơm ra một nơi hạt lúa ra một nơi để người ta thu hoạch được hạt lúa cho vào bao mang về nhà đổ ra sân phơi, lúa sau khi tuốt xong thì đó là khoảng thời gian thích nhất của bọn trẻ con xóm tôi, vì lúc đó rơm đã được máy tuốt phóng ra và có ngọn cao tầm 2-3 mét, lúc đó là lúc chúng tôi tha hồ thực hiện những pha nhào lộn trên không như phim kiếm hiệp, dù là con gái nhưng tôi chơi không hề kém cạnh những thằng con trai trong xóm, trò nào tụi nó chơi được thì tôi cũng chơi được, từ nhào lộn đến bắn bi, thả diều, đá banh, bắt dế, vân vân và mây mây…

Sau đợt thu hoạch đó là đến đợt cày đất lên để sạ lúa lại, đó lại là khoảng thời gian lý tưởng để tôi cùng những thằng con trai trong xóm đi bắt dế, tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái không gian thật lý tưởng ấy giữa cánh đồng bao la, đó là khi cánh đồng được xới đất lên rồi sau đó được cho nước vào để chuẩn bị sạ lúa, khi nước xấp xấp mặt ruộng cũng là lúc những con dế mèn bò ra ngoài tìm thức ăn, mùa lúa đó là mùa đông xuân nên trời trong và mát mẻ, vào những hôm trăng sáng tôi cùng thằng cháu thêm hai thằng con trai trong xóm nữa rủ nhau ra xa tít ngoài cánh đồng để bắt dế, không hiểu sao lúc đó chẳng sợ ma cỏ gì, cũng chẳng cần đèn đóm gì, chỉ cần trăng sáng để thấy đường là bốn đứa cứ thế mà đi thôi. Chúng tôi vừa đi vừa tìm dế, nghe bước chân của tụi tôi những con dế mèn bắt đầu nhảy loạn xạ, đó là lúc chúng tôi phải nhanh tay để tóm chúng, toàn là những con dế trống to tướng, hai càng chắc nịch, cặp râu dài cùng với một vầng to dài phía trên đôi cánh sáng bóng, đó là những con dế chiến, đem đi đá với con khác chắc chắn sẽ thắng. Sau một buổi tối bì bõm trên ruộng thì chúng tôi thu hoạch cũng được kha khá, mỗi đứa được hơn năm con, có cả dế than và dế lửa, dế than thì có màu đen thui như cục than, còn dế lửa thì màu vàng vàng giống như con gián.

Những năm tháng tuổi thơ của tôi chỉ đơn giản như vậy, được ở cùng mẹ và các chị, cuộc sống lay lắt của mấy mẹ con cứ thế trôi dần theo thời gian, rồi các chị lớn mẹ cho các chị đi làm để có tiền phụ mẹ nuôi em, tôi thì nhỏ nhất nên được ở cùng mẹ lâu nhất, vậy nên thời gian được ở trong cái vùng quê yên bình đó là nhiều nhất, có lẽ vì vậy mà sau này khi lên Sài Gòn đi học rồi đi làm cái cảm giác nhớ quê trong tôi chưa bao giờ nguôi, những hoài niệm về vùng quê yên bình luôn hiện hữu, dù là đến hơn chục năm.

Giờ đây, mỗi lần về quê chơi tôi vẫn thích đi dọc bờ kinh để tìm về những ký ức của ngày còn nhỏ, bờ kinh thì vẫn còn đó nhưng cánh đồng lúa bao la năm nào đã không còn nữa, thay vào đó là những mảnh vườn đã được vun đất cao ngang mặt đường và những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, còn con đường bằng đất pha cát ngày nào cũng đã không còn, thay vào đó là con đường nhựa thẳng tắp.

Sau này mỗi khi có dịp về nhà bạn bè ở miền Trung, khi xe đi ngang những nơi có cánh đồng lúa và những hàng dừa xanh mát thì trong lòng tôi dấy lên cảm giác rất bồi hồi, thấy một hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà chỉ những ai xa quê và đã từng gắn bó với quê mình nhiều đến thế thì mới có thể hiểu được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.