Miền đất hứa

24/09/2022 09:30 GMT+7

Tháng sáu năm 1978, gia đình tôi gồm hai vợ chồng và ba đứa con dự định vào miền Tây tìm đất sống, cầu mong miền đất mới đổi đời, qua đi những ngày khổ cực ở quê hương Huế. Bao nhiêu của cải bán đổ bán tháo, chỉ cần đủ tiền xe đi vào Cần Thơ , vào đây có gia đình bà chị ruột sinh sống...

Đến Cần Thơ mới biết cuộc sống của anh chị tôi vô cùng khó khăn, phải lo cơm áo từng ngày cho bảy đứa con. Anh chị rất thương chúng tôi nhưng không làm sao đùm bọc nổi.

Mặt tiền căn nhà của anh chị ở là nơi làm việc của phòng giao dịch phường, thủ trưởng là cô Tám Thảo. Thấy hoàn cảnh của gia đình tôi, cô thương cho ba cháu bữa đói bữa no, bèn kêu tôi lên nói nhỏ: “Cô là người dưng, thấy cuộc sống của hai vợ chồng cháu quá bi đát. Cô có ý này, quê cô ở dưới xã Khánh Lâm, U Minh, Cà Mau, nơi đó dễ sống, cháu nghe lời cô, đưa vợ con cái về đó ở, chịu khó làm lao động. Khi cháu đi, cô sẽ viết thư về cho bà con cô, họ sẽ giúp tìm chỗ ở, cho cháu mượn gạo ăn để tạm sống chờ tìm việc làm. Khi đi, cô giúp cho cháu một trăm làm lộ phí".

Sống ở đây, bà con giúp đỡ cho chúng tôi mọi chuyện, chỉ bày đi bắt ba khía, đi đặt trúm, bắt cá cạn, đuổi cá sặc khi lúa cấy được hai, ba tháng

thiên anh

Đêm đó, tôi kể chuyện cô Tám khuyên nên về U Minh mà sống. Thế là vợ chồng tôi quyết định ra đi, mặc dù trong túi không có một đồng và không biết xã Khánh Lâm, U Minh ở đâu nữa?

Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi từ giã anh chị cùng cô Tám, tay run run cầm một trăm của cô Tám cho, ra bến xe Cần Thơ mua vé Cà Mau. Đến Cà Mau đi đò về Khánh Lâm lại bị hư máy không chạy, hành khách rời khỏi bến tàu A. Riêng vợ chồng tôi đành ngồi lại bến tàu chờ ngày mai đi. Khoảng 11 giờ trưa, có một cụ bà khoảng 70 tuổi đến gần bắt chuyện:

- Các cháu về đâu?

- Dạ cháu về Khánh Lâm - U Minh nhưng đò hư máy.

- Cháu có ai bà con ở Cà Mau thì đến xin ở một đêm.

- Dạ, không có ai.

- Hay là đến nhà của bà có mái hiên rộng, cháu dẫn vợ con đến ở tạm nhà bà sáng mai đi.

Thế là vợ chồng tôi nghe lời bà gánh gồng đồ đạc, con cái đến tạm trú. Bà cho chúng tôi chỗ ngủ, còn cho ăn hai bữa cơm trưa và tối. Sáng mai chúng tôi lòng trĩu nặng ân nghĩa, chỉ biết cám ơn gia đình bà ra đi.

Tàu chạy vào thị trấn U Minh (Biện Nhị) ghé lại cho hành khách nghỉ ngơi ăn uống, một số khách thì lên ghé tiệm, số ngồi dưới tàu, được các bạn hàng bán bánh mì, bánh cam, nước uống rao bán, mời mọc. Các con của tôi bụng đói thấy vậy khóc đòi ăn. Làm sao bây giờ vì trong túi chẳng có đồng nào. Sau đó, quyết định lấy cái áo len đan đem ra bán, vợ tôi đi đầu tàu đến gần cuối tàu mà chẳng ai mua. Một lát, có cô khoảng hơn ba mươi tuổi, mang ba ổ mì đến rồi nói: “Anh chị để dành chiếc áo len cho mấy cháu mặc, em có mua bánh mì ăn tạm”. Thế là con tôi mỗi đứa cầm ổ bánh mì nhai ngấu nghiến, còn vợ tôi nhìn cô gái kia mà nước mắt chảy dài.

Đò chạy tới kinh Kim Đài là nơi ở mới do cô Tám giới thiệu. Anh Chín đọc thư rồi dẫn chúng tôi đến cái chòi bỏ trống tạm trú, con trai anh Chín mang đến ba táo gạo để nấu ăn sinh sống chờ kiếm việc làm, bà con xung quanh thấy vậy đến thăm hỏi, người giúp cái xoong, cái nồi, người cây dao, năm bảy cái chén, một vài cái tô, cái dĩa, chai nước mắm, hũ muối… Chúng tôi nghẹn lời, không biết cám ơn bà con như thế nào nữa. Thì anh Hai Đặng bơi chiếc xuồng nhỏ gọi là B8 đến nói: “Ở đây toàn kinh rạch, đi đâu phải có xuồng, cho chú thím mượn tạm chiếc xuồng mà đi”.

Cuộc sống đến với chúng tôi hoàn toàn lạ lẫm, được bà con ở đây sẵn sàng tương trợ, chỉ bày. Vài ngày sau là vợ chồng tôi ổn định công việc, bà con dẫn đi làm cỏ đám mạ, mỗi công được bốn tá gạo, cuốc đất đám mạ mỗi công được năm táo gạo. Vậy là chúng tôi có gạo ăn, ngoài ra được bà con cho tay lưới đi giăng cá sặc, cá rô, kiếm ăn qua ngày, ở đằng sau ruộng có đủ các loại rau khỏi phải tốn kém.

Căn chòi tôi ở quá cũ kỹ, mưa dột ướt hết, gia đình phải che tấm nylon cho bớt dột, mong sao dành dụm có tiền để sửa chữa lại. Sau đó vài ngày, ông Tư ở xóm trên bơi xuồng đến, ông kêu tôi nói: “Hôm nay, ông Tư cùng bà con đến giúp cháu sửa lại căn nhà, tránh mưa gió yên tâm đi lao động, cháu đừng ngại, nơi đây là rừng tràm, trồng dừa nước nhiều lắm”.

Ông Tư vừa nói xong thì các xuồng chở cây tràm, chở lá dừa nước từ từ cập bến. Họ lăn xả vào công việc, một số dỡ bỏ chòi cũ, một số thì đào lỗ, đẽo cây để dựng chòi mới. Khoảng năm giờ chiều, cái chòi mới đã hoàn tất. Vợ chồng tôi quá cảm kích, chỉ biết cầm tay ông Tư mà nước mắt chảy dài, xin ông nói lên lòng biết ơn của chúng con với cô bác.

Sống ở đây, bà con giúp đỡ cho chúng tôi mọi chuyện, chỉ bày đi bắt ba khía, đi đặt trúm, bắt cá cạn, đuổi cá sặc khi lúa cấy được hai, ba tháng. Sửa hũ mắm sặc khi bị mắm trở. Đó là chưa nói hết lòng biết ơn sâu sắc khi chỉ cách cấy lúa, dặm lúa, phát bờ, phát ruộng để kiếm miếng cơm.

Nhà bà con ở đây, trước là con kinh sau là ruộng, họ đào đìa để cá xuống. Khi lúa chín gặt vô bồ xong là họ chụp đìa bắt cá để bán, để ăn tết. Nhà nào chụp đìa, bà con xúm lại giúp. Khi chụp xong gia chủ nhà luôn tặng bà con đến giúp một ít cá để chi xài. Vợ tôi cũng được tặng một số cá sặc về làm mắm. Họ quan niệm cuộc sống ở đây “chim trời cá nước”.

Chụp đìa xong, là lúc làm thịt heo chia nhau ăn tết, thịt heo làm ra đổi lúa mùa, một ký thịt đổi giạ lúa; sườn heo một ký rưỡi đổi một giạ lúa; đầu và giò heo hai ký đổi một giạ. Ai cũng chia được thịt heo không phân biệt giàu nghèo, năm tới trả lúa. Sau khi chia thịt xong, gia chủ mời bà con ở lại ăn cháo heo cùng nhâm nhi cốc rượu thấm đậm tình làng nghĩa xóm.

Chúng tôi cảm động nhất là trong những ngày tết, bà con rủ nhau đến từng gia đình chúc tết, đốt nhang, không phân biệt người địa phương hay tạm trú, cầu mong mùa màng bội thu, nuôi thú vật sanh sôi nảy nở... Những nhà khó khăn, neo đơn được giúp gạo nếp, con gà, con vịt, lít rượu, buồng chuối để làm mâm cơm cúng người khuất mặt.

Hơn 15 năm, gia đình chúng tôi đã nhờ sự đùm bọc của bà con, nhờ hạt lúa, con cá, lá rau nuôi sống. Con cái được ăn học khôn lớn, lập gia đình.

Qua cuộc thi Nghĩa tình miền Tây, chúng tôi vô cùng biết ơn Báo Thanh niên đã chỉ đường giúp giải tỏa những thầm kín trong lòng không nói ra được cùng ai. Đây là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của vợ chồng con cái tôi đối với nghĩa tình của bà con ở xã Khánh Hòa, xã Khánh Lâm, U Minh, Cà Mau. Bà con thật hành hiệp trượng nghĩa, sẵn sàng ra tay tương trợ trong vui vẻ, thân thiện. Cuộc sống bà con luôn rộng mở, xem sự hy sinh của mình như một chuyện đương nhiên, không bao giờ nghĩ đến công lao giúp đỡ trong cuộc sống cho chúng tôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.