Thầy chùa Sáu

07/09/2022 09:00 GMT+7

Ông Ngoại tôi mất năm 58 tuổi... Từ đó đến nay, nếu ổng đi đầu thai sớm, chắc đã kịp sống thêm một cuộc đời nữa; có khi giờ ổng đang du lịch ở đâu đấy, hỏng chừng...

Ông Ngoại tôi mất năm 58 tuổi, thuở mẹ tôi chưa lấy chồng, khi từ Kinh Lức Cái Gà xuống Bến Tre mất cả ngày trời: băng đồng, ngồi đò, đạp xe; cũng không rõ chết quá trẻ (khi cả đời chỉ biết làm lụng chưa kịp hưởng phước con cháu) vì bệnh tình cụ thể gì, ung thư hay sao (mà hồi đó làm gì biết ung thư là cái chi), chỉ nghe lỏm người lớn kể lại mang máng mấy chi tiết nghe như giai thoại miệt dưới, là ổng thở ghê lắm, ổng ngồi trong nhà thở mà đi ngoài bờ mẫu còn nghe hụ hụ, rồi bị một cái nhọt trong người, đi đám ma về cái nó nổi hành chở qua Vĩnh Long mổ, về được đâu mấy hôm, vậy là đi.

Cũng nên nhắc lại chút, đó là thời kỳ kinh tế mà thịt heo là một phần tử mắt thường không thể nhìn thấy được, người ta bó thịt heo vô đùi, hoặc quấn khắp người để buôn lậu chợ đen, mang 10 ký gạo đi từ tỉnh này qua tỉnh khác không có giấy sẽ bị tịch thu. Phải như giờ, chắc ổng không vắn số vậy. Từ đó đến nay, nếu ổng đi đầu thai sớm, chắc đã kịp sống thêm một cuộc đời nữa; có khi giờ ổng đang du lịch ở đâu đấy, hỏng chừng.

Hoàng hôn nhìn từ cầu Cái Mơn Lớn, Chợ Lách, Bến Tre

lan thương

Mẹ tôi xách dầu xách gạo lên Chợ Lách trọ học từ Đệ thất (bằng lớp 6 bây giờ), hễ về nhà là thức nói chuyện với ông Ngoại tới đêm. Trong nhà, "ổng thương con Chân lắm", vì tính tình lành hiền, siêng năng, lại được cái chịu học, và học giỏi có tiếng. Cái “tiếng” vang hẳn… mấy cánh đồng, ngày xưa mưu cầu con chữ cơ cực lắm, nhớ mẹ kể mấy lần đi học về chạy sấp ngửa qua mấy bờ ruộng mồ mả sợ ma gần chết, chân thấp chân cao mà chạy, có khi té lả hết cả 2 đầu gối, chưa kể bàn chân giao chỉ của mẹ tôi, cũng là xòe ra bấm ruộng bùn mà đi. Đời ông Ngoại không biết cái chữ, nên đứa nào chịu học, nghèo khổ cỡ nào cũng phải cho theo.

Nghe kể lại hồi nhỏ, ông Ngoại ham học nhưng trong nhà chỉ ông Tư được cho đi học, ông Bảy thì làm biếng, ông Út "hỡi ôi", còn mỗi ông Sáu chịu làm. Phàm bàn tay 5 ngón có ngón ngắn ngón dài, nhà nghèo cái chăn hở kéo đắp ấm một bên thì mé còn lại phải co ro, đứa nào giỏi cái gì thì nghiễm nhiên được giao khoán cho cái đó, thuở đời thường ít ai giành khổ cực hơn sướng thân, vậy là ông Ngoại được ban cho và gánh chuyện làm lụng hết cả phần anh em mình chẳng nề hà, đến đời con cái mình, tài sản duy nhất là cái bần nông cũng lẽo đẽo theo riết. Ngày ông Ngoại mất, tin tức theo con nước lớn gửi ra chợ, đánh điện xuống tỉnh, mẹ tôi cũng phải chừng ấy ngày trời đạp xe, ngồi đò, bươn bả băng đồng về đến nơi, người cuối cùng vuốt mắt mới khít rin, nghĩa là ông Ngoại chừng đó mới chịu ra đi.

Lúc ông Ngoại còn sống, bà Ngoại thích ăn cơm khô, ổng ưa cơm nhão (vì lợi thì có nhưng răng không còn); phải hôm nào cơm khô quá, cái ổng nói "sao hỏng rang luôn đi!". Hồi đó, bà Ngoại hay theo người ta làm mắm, đi ghe lên Đồng Tháp, xứ đó cá tép nhiều như sao sa, rẻ như cho, mỗi đận đi là mang về ăn đã, nào mắm cá lóc, cá trê, cá rô, cá linh, nhưng mỗi lần đi lâu lắm mới về, có khi cả tháng.

Con ơi con ở với bà,

Má đi mần mắm tháng ba má về

Má về có mắm con ăn

Có khô con nướng có em con bồng.

Nghề thương hồ đâu chỉ có mỗi con cá, con khô, con mắm, chắc tại câu hát ầu ơ mà sau đó ông Ngoại không cho đi nữa, có thèm mắm thì chờ ghe rồi mua chứ không cho lênh đênh vậy.

Sông nước xa ngăn cách tình anh bán chiếu đã đành, về con nước gần bà Ngoại số tôm lặn tép lội của tôi cũng lại thích xuống sông xúc tép cá, bả mê xúc lắm nhưng ông Ngoại cũng cấm. Do là, hồi nẵm có bà Ba Đen trong xóm cũng suốt ngày dầm mình xúc như vậy, rồi một ngày xác nổi lềnh bềnh tấp vô vạt bần trước nhà chú Bảy. Hễ bà Ngoại lại lỉnh lỉnh đi, là ổng la: bộ muốn như bà Ba Đen hả, tui xé hết quần cho bà khỏi có đi xúc gì nữa hết!

Vài năm nay bà Ngoại tôi càng sa sút trí tuệ, đến giờ hầu như chẳng còn nhớ được gì, đi đứng ăn uống thì còn mạnh, nhưng sinh hoạt, nói năng, khi ngoan ngoãn, lúc quậy quọ chẳng khác gì một đứa trẻ, đi bệnh viện chăm Ngoại ốm phải 2 người mới xuể. Hồi lúc còn nhớ, tụi con cháu trong nhà hỏi (như cách người ta hay dạy con nít tập nói cho quen bài):

- Biết thầy chùa Sáu là ai không?

- Thì chồng Năm Bọ.

(Năm Bọ là tên bà Ngoại tôi). Hỏi Năm Bọ là ai thì biết, còn đập tay vô đùi mình nhỏ nhẻ.

- Mà biết tại sao kêu là thầy chùa Sáu không?

Bữa đầu thì trả lời trúng, mà bữa khác hỏi thì đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm một chốc, bỗng vỗ đùi cười khì khì bảo:

- Thì hồi nhỏ cũng có đi tu. Rồi cái hết thời. Nên nghỉ!

Ông Ngoại hiền lắm nên ai cũng gọi ổng là thầy chùa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.