Tôi xem TP.HCM như chốn quê nhà đặc biệt lắm, đến khi nghe tiếng vọng cổ thiết tha chợt thấy hồn mình bay xa, không còn nằm trên chiếc giường gỗ cũ kỹ giữa con xóm nghèo.
Đờn ca tài tử, nét văn hóa đặc sắc của sông nước miền Tây |
phan thanh cường |
Xóm hầu hết gốc Bạc Liêu. Xóm cả ngày tình tính tang. Lâu dần cuốn cả người quê bốn phương vào nghe điệu vọng cổ. Có chiếc bánh tráng phơi sương, rồi bánh tráng từ anh chàng người Vĩnh Long đem tới, cũng được đem ra nhắm rượu mà hát, mà ca. Đó là những ngày hiếm hoi được hòa mình vào chất miền Tây giữa mùa mưa, vừa có chút mới mẻ nhưng không sao dứt ra được để trở về công việc thường ngày.
Người Bạc Liêu nhiều nhất rồi đến người Bến Tre. Thi thoảng lại nghe mấy anh An Giang lên nghêu ngao vài điệu ca quê. Mặc kệ tiếng xe cộ ồn ào từ đường vọng tới. Kệ mấy cái loa rè oang oang, họ vẫn hát như chưa bao giờ được hát. Vẫn là câu từ quen thuộc: “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ…”. Câu hát nghe quá nhiều tưởng nhàm tai nhưng sao ngọt ngào đến thế trong khung cảnh xóm nghèo heo hút?
Nhậu sương sương, mọi người lại bàn về kỷ niệm một đời chỉ biết lấy vọng cổ làm niềm vui, rồi bàn về mấy nghệ sĩ dân ca nổi tiếng. Lúc tui tự hào khoe mình từng được nghe bà Bạch Huệ hát, mấy ổng ồ lên rồi thi nhau rót rượu bắt kể tường tận. Thì cũng chỉ là người phương xa được thưởng thức đôi chút mà chẳng hiểu gì sâu sắc. Chỉ biết trong câu hát của bà là kết tinh của sự cần cù, miệt mài với công việc, với niềm đam mê vô tận vì nghệ thuật, vì bản sắc văn hóa của dân tộc. Bà chỉ là một người nghệ sĩ bình thường, hồi đó ngày ngày vẫn đi hát, vẫn dạy học, vẫn lao động miệt mài dù tóc đã bạc trắng, dù giọng đã không còn như xưa, dù đôi chân đã không còn đi được.
Rồi lại bàn về ông Tư Còn. Trong các nghệ sĩ chơi đàn trong dàn đờn ca tài tử, ông Tư Còn là người xuất chúng bậc nhất. Một đời đánh đàn, một đời nghệ thuật, một đời phục vụ khán giả, ông đã đi vào huyền thoại. Thật lạ, nghệ sĩ Tư Còn lại không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Ông sống bình dị, chơi ngón đàn tuyệt mỹ, cao sang nhưng ai cũng nghe được, ai cũng cảm được. Tôi chỉ nghe ông đàn vài lần nhưng nghiền lúc nào không biết, dù không được nghe trực tiếp mà chỉ qua băng thu âm.
Cuộc đời ông là cả một câu chuyện dài, nhưng thứ mà ông để lại cho đời chỉ gói gọn trong mấy chữ “tiếng đời chảy mãi”. Tiếng đàn của ông là tiếng đời, là tiếng nhạc lòng được đánh lên bởi những ngón tay miệt mài khổ luyện đến quên cả tuổi thanh xuân. Các bậc tiền bối nói, nghe ông Tư Còn đàn thì như quên hết mọi việc xung quanh, vì tiếng đàn cuốn hút quá, quả đúng thật. Tiếng đàn kìm của ông Tư Còn là ngón đàn điêu luyện, vừa có độ khó kỹ thuật rất cao với ngón lăn tay độc đáo, vừa có chất “dị”, cái "dị" đánh thẳng vào tâm can con người, như một nhà ảo thuật khiến người xem phải dán mắt mê hoặc lên sân khấu, còn tiếng đàn của ông Tư lại khiến khán giả phải “dán tai” đê mê, lim dim, bay bổng.
Rồi ngà ngà say, ai nấy hát hò đều mền mệt, cả đám bật đài lên nghe rồi gật gù tán thưởng, phân tích đủ điều. Hồi đó tui cứ nhầm lẫn giữa đờn ca tài tử và cải lương miết, phải nghe kỹ rồi mới hiểu được thêm đôi chút. Còn người dân trong cái xóm nghèo tôi ở, họ chẳng câu nệ gì, buồn thì ca vài câu vọng cổ hoặc hứng chí thì hát một bài dài. Không thì có mấy món nhậu dân dã, thậm chí chỉ cần đĩa rau, quả trứng hay chút tôm khô là đủ cho một cuộc vọng cổ bất tận. Có người đàn người hát, có thể nghe cả ngày mà vẫn thấy thòm thèm.
Rồi khi quá bận rộn, họ cũng vẫn hát vài điệu dân ca Nam bộ cho đỡ nhớ nhung cuộc đời sông nước lênh đênh. Họ bảo dân ca từ sông nước mà ra, mang hơi thở của cả một đời chài lưới, ghe xuồng, cầu tre, cầu ván. Ai nghe cũng thấy sao thân thuộc quá đỗi, sao mang tâm trạng của bao người con đất Việt, đâu chỉ miền Nam.
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
Ví dầu mẹ chẳng có chi,
Chỉ con với mẹ chẳng khi nào mòn.
Ẩn chứa trong ca dao dân ca Nam bộ là tâm trạng buồn bã khi phải xa nhà, sống lênh đênh trên sông nước, cô quạnh trong đêm đen. Người du hành giữa đất trời ấy cũng phải mang trong mình vô vàn nỗi lo, không biết gia đình, vợ con ở nhà ra sao, lo không biết mình buôn bán thế nào. Còn nỗi buồn nào hơn sự chia ly, mong nhớ? Tuy vậy, để đối mặt với cô đơn thì những người trên ghe xuồng đã mượn ca dao dân ca để bày tỏ lòng mình, vừa để vơi bớt nỗi nhớ, vừa để động viên tinh thần trước những thử thách cam go sắp tới. Vậy mới hiểu, âm nhạc truyền thống quả hợp với tâm trạng những người tứ xứ bám trụ lại ở đất Sài Gòn này. Hồi xưa, ông bà ta sáng tác ra điệu hát, chắc cũng không mường tượng ra được cảnh sống hiện đại, bao nhiêu bài vọng cổ chỉ cần một chiếc smartphone là có thể nghe và hát theo mọi lúc mọi nơi.
Rồi thỉnh thoảng tối tối khi tất cả người trong con ngõ này đều mệt mỏi, cả xóm lại mong chờ anh chàng người Cà Mau từ quê lên. Trong vô vàn hàng hóa cậu mang theo thể nào cũng có gói tôm sú chính hiệu. Nhà cậu là vựa tôm mà. Thế là cả xóm lại được dịp hòa mình trong những điệu dân ca da diết, như nghĩa tình miền Tây ngày ngày bám trụ nơi đất Sài Gòn.
Bình luận (0)