Bồng bềnh Tân Lập

08/09/2022 09:00 GMT+7

Một lần hiếm hoi có dịp về thăm miền Tây, tôi được cô bạn Sài thành dẫn đi chơi làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa, Long An ). Nghe tên thôi đã thấy thú vị - bồng bềnh vô cùng. Trải nghiệm làng nổi, nghe giọng nói “ngọt như mía lùi” của cô chèo đò làm tôi cứ râm ran nỗi nhớ từ lúc bước chân ra về.

1. Tôi là dân xứ Bắc. Nhắc đến miền Tây, trong đầu tôi mường tượng ra những con kênh rạch chằng chịt, những miệt vườn rộng lớn và những con người hồn hậu, nghĩa tình.

Cổng chính vào làng nổi Tân Lập ven quốc lộ 62

nguyễn văn công

Nghe cô bạn thuyết minh “tiền trạm” về làng nổi Tân Lập, tôi vô cùng tò mò. “Sao cả làng to thế mà lại nổi lềnh bềnh trên mặt nước được?”. "Thì có mà" – bạn tôi quả quyết. Bởi đây là miền Tây sông nước, có Đồng Tháp Mười là vùng ngập nước, rộng mênh mang và những ngôi làng trong đó, họ sống chung với lũ từ khi lọt lòng.

Băng qua đoạn đường “hơi chát” dài hơn 120 km từ Sài Gòn, chúng tôi đã đến được Tân Lập. Một khung cảnh bình yên đến lạ. Tôi thấy những hàng dừa đều tăm tắp ngả nghiêng ra con kênh, những ngôi nhà tí hon nằm giữa cánh đồng xanh mát và con đường hoa mười giờ dài dằng dặc đón ngõ. Khung cảnh mộng mơ mà tôi lần đầu tiên được thấy. Hóa ra, miền Tây trước mắt tôi đây rồi, thật đẹp và nên thơ.

2. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy một người con gái miền Tây bằng da bằng thịt. Trắng trẻo. Xinh xắn. Mái tóc dài thướt tha và giọng nói sao mà dễ thương đến lạ. Cô hướng dẫn viên nói rằng, sở dĩ gọi Tân Lập là làng nổi bởi trước kia, người dân dựng nhà trên gò cao, cứ mỗi lần nước dâng là nhà sàn được nâng lên – nổi lên, lâu dần gọi là làng nổi. Tôi được một em gái miền Tây cho xem bức ảnh làng nổi từ trên cao. Trời ơi! Đúng như một hòn đảo nổi trong biển nước mênh mang của vùng Đồng Tháp Mười.

Du khách như "lạc trôi” trên con đường tình yêu

nguyễn văn công

Chúng tôi được dẫn đi tới con đường tình yêu, băng qua cầu khỉ - một loại cầu đặc trưng miền sông nước. Đi trên cây cầu rung rinh vừa thích vừa sợ. Quang cảnh quanh tôi y chang như bối cảnh trong phim Đất phương Nam – tôi thấy các khu rừng tràm ngập mặn, các cây đước mọc đều nhau tăm tắp với lớp da khô đang bong tróc, chẳng biết có cá sấu giống trong phim không nữa – tôi suy đoán.

Màu nước hơi ngăm đen, bóng nhoáng soi sáng mặt người nhưng không phải nước bị ô nhiễm. Tôi quả quyết. Bởi một cái rác còn chẳng thấy thì làm sao mà ô nhiễm cả nguồn nước được. Sạch sẽ và trong lành lắm. Có lẽ đó là màu tự nhiên của lớp bùn hoặc lá cây rụng xuống lâu ngày đã nhuộm màu cho dòng nước.

Thú vị vô cùng những con đường bê-tông xuyên rừng chỉ vừa một người đi, cứ nối đuôi, nối đuôi nhau, bằng không du khách có thể dễ bị lạc. Cô bạn tôi hào hứng vô cùng, đòi tôi chụp ảnh đủ các tư thế ngang dọc trên dưới. Cô giở điện thoại ra rồi tra mạng, diễn lại y chang những chiếc ảnh “sống ảo” và làm diễn viên chính trong đó.

Băng hết con đường bê-tông dài gần 5 km, chúng tôi đến khu vực cầu chữ X – nơi đây có hồ hoa súng đẹp tuyệt vời. Xung quanh là hàng ngàn chú cò, vạc chao liệng tìm kiếm thức ăn – phải thú thực từ nhỏ tôi chưa bao giờ nhìn thấy đàn cò nào hùng hậu đến vậy. Chắc chắn rằng, môi trường sinh thái ở đây rất lý tưởng với chúng thì chúng mới sinh sôi nảy nở mạnh mẽ như vậy. Chẳng giống như con người thường thích dồn về phố thị đông đúc.

Để đi vào sâu các cánh rừng ngập mặn, chúng tôi được dong thuyền. Hầu hết chèo thuyền là phụ nữ. Họ trông cũng mảnh mai, duyên thầm giống bao người phụ nữ Việt Nam khác nhưng họ chèo đò rất siêu, rất khỏe. Thuyền tới 5 người mà chỉ mình chị gái chèo. Tôi có ngỏ ý chèo giùm chị nhưng không được. Chị bảo, cánh con trai khỏe nhưng chèo không đúng kỹ thuật dễ lật thuyền lắm, nên tôi đành ngồi ngắm chị làm “tổ lái”.

Đường dài. Lắt léo. Ấy vậy mà chị gái nhớ đường lắm. Có những đoạn con rạch chỉ vừa đúng chiếc thuyền, cây cối um tùm, hai bên rạp vào nhau, thấp đến sát đầu người, chị gái vẫn uyển chuyển chèo đò. Xung quanh, các chú chim, sóc, chồn, le le... và có nhiều loài động vật mà chúng tôi có lẽ chưa bao giờ gặp. Chúng ngơ ngác nhìn khách du lịch như muốn nói rằng – chào du khách, các bạn đến nhà tôi chơi có thích không?

Thong dong gần một ngày, nghe chị lái đò nói rằng chúng tôi mới khám phá được một nửa ở làng nổi Tân Lập. Ở đây còn rất nhiều khu vực thú vị khác như khu thuần dưỡng chim – nơi này đến buổi hoàng hôn sẽ có hàng vạn con cò bay về tổ. Rồi, hồ Bán Nguyệt được ví như một sa mạc thu nhỏ do bị nhiễm phèn. Hồ Bán Nguyệt là một dải đất uốn lượn hình mặt trăng xung quanh và cồn đất giữa hồ.

Muốn được phóng tầm mắt bao quát Tân Lập, chúng tôi được chị hai dẫn lên tòa nghỉ dưỡng cao 10 tầng gần con rạch. Quả nhiên, cảnh tượng thiên nhiên miền Tây đặc trưng hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Rừng tràm xanh mượt mà. Kênh rạch chằng chịt. Phía xa xa, tôi chỉ nhìn thấy những đám mây trắng bồng bềnh mà không thấy đường chân trời. Cô bạn đồng hành thảng thốt: Có phải chốn Bồng Lai tiên cảnh đây không mấy chị ơi?!.

Gần 2 giờ chiều chúng tôi mới ăn trưa. Ẩm thực miền Tây dân dã, đậm chất sông nước. Nếu như dân Bắc chúng tôi chẳng dám ăn lục bình thì với người dân Tân Lập thì đó là một đặc sản – món cá linh nấu chua với lục bình, ăn rất hấp dẫn. Ngoài ra, chúng tôi còn được thưởng thức món cá rô đồng rán, ốc luộc hoa sen, ngọn su su xào tỏi, gà nướng miền Tây, bông điên điển xào tép... ngon mê ly luôn.

Băng qua những con rạch um tùm giống cảnh phim Đất phương Nam

nguyễn văn công

3. Giờ phải về, bỗng chúng tôi thấy thời gian trôi nhanh quá. Chúng tôi vội vàng ra chụp ảnh check-in ở các vườn hoa đầu cổng. Các hướng dẫn viên tíu tít hẹn: “Sau này, có dịp nhớ quay về thăm làng nổi nghen mấy anh chị”! Người miền Tây có cách nói hay thiệt lòng. Trên môi họ nở nụ cười e thẹn, má lúm đồng tiền, e ấp trong chiếc nón lá, duyên dáng trong bộ quần áo bà ba.

Vậy đấy, thế là chúng tôi tạm biệt làng nổi Tân Lập và cũng là tạm biệt miền Tây thân thương trở về phố thị. Cái cảm giác lần đầu tiên đến thăm một vùng đất mới thật là thú vị, cái gì cũng mới, cái gì cũng tinh tươm. Nhưng tôi tin chắc, đối với miền Tây sẽ chẳng phải riêng lần đầu đâu. Sẽ là lần hai, lần ba... và nhiều lần nữa, bởi không gian, cảnh sắc và con người miệt vườn nơi đây đã để lại ấn tượng khó phai trong tôi. Tôi còn được cô bạn hẹn hò, nào là: khám phá các miệt vườn cây ăn quả; đi bắt chạch đồng – ba khía; đi chơi chợ nổi Cái Răng – xuôi về mũi Cà Mau; đến thăm nhà công tử Bạc Liêu rồi hát dù kê, nhảy múa điệu lâm thôn, cùng nhau leo núi Thất Sơn....

Chỉ biết hẹn thế đã, chứ tôi chưa có dịp về thăm miền Tây lần thứ hai. Sau hai năm dịch Covid-19 hoành hành, đã đến lúc tôi xách ba-lô lên và đi đến miền đất mình ngày ngóng đêm chờ - miền Tây thân thương.

Nhớ quá, sông nước miền Tây ơi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.