Hiện cả nước có khoảng 816 km đường cao tốc đang khai thác, 513 km cao tốc đang xây dựng và khoảng 654 km đường cao tốc bắc - nam trục phía đông đã được Quốc hội thông qua, dự kiến hoàn thành trước năm 2021. Trong vài năm tới, cả nước sẽ có hơn 2.000 km cao tốc được khai thác.
Theo ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT), trong tương lai gần, cao tốc là mạng lưới giao thông rất quan trọng, thay thế nhiều tuyến quốc lộ. Vì thế việc đảm bảo an toàn giao thông cực kỳ quan trọng, do quản lý khai thác vận hành cao tốc hoàn toàn khác với quốc lộ thông thường.
“Đầu tiên phải sửa luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008, thời điểm làm luật VN chưa có 1 km cao tốc nào khai thác, nên trong luật chưa có quy định về tham gia giao thông trong cao tốc. Mục tiêu khi sửa đổi, bổ sung luật vào năm 2019 sẽ phải bổ sung các quy định về quy tắc giao thông trên cao tốc”, ông Tùng cho biết. Cụ thể, quy chuẩn trên cao tốc, hệ thống giao thông thông minh ITS, văn hóa tham gia cao tốc của người dân... đều phải được xây dựng hoàn chỉnh. Đặc biệt, việc đào tạo, sát hạch lái xe sắp tới sẽ phải đưa thêm nhiều nội dung, bổ sung các quy định, biển báo trên cao tốc, ví dụ trên cao tốc vượt xe trước như thế nào cho đúng luật...
“Các nước đã hình thành hệ thống cao tốc hàng chục năm nay, quy định tham gia trên cao tốc rất chặt chẽ, người dân nắm luật và có ý thức tham gia giao thông trên cao tốc, nên đi cao tốc rất “nhàn”. Ở VN, cao tốc vẫn là khái niệm mới, quy định còn thiếu, nên đi cao tốc nhiều khi vừa đi vừa lo, phải làm dần dần”, ông Tùng nhìn nhận.
Hiện theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giới hạn hành lang an toàn đường bộ được quy định với cao tốc là 47 m. Tuy nhiên, phần lớn các tuyến cao tốc hiện nay đi qua các vùng, địa phương canh tác nông nghiệp và chăn nuôi xung quanh, thậm chí khi cao tốc xây dựng xong người dân liền làm nhà ngay sát hàng rào, dẫn tới khoảng cách này không được đảm bảo. Với khoảng cách như hiện nay, nếu người dân cắt phá rào chắn để cắt cỏ, chăn thả gia súc, thậm chí để kinh doanh buôn bán hoặc đốt đồng mùa vụ đều rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc xây dựng các rào chắn kiên cố thay vì lưới thép B40 dễ cắt phá như hiện nay, cũng cần cân nhắc tới phương án mở rộng thêm phần hành lang an toàn hai bên tuyến, hạn chế tình trạng lợi dụng đường cao tốc để làm ăn, buôn bán.
Mỹ: Vi phạm an toàn cao tốc bị phạt tiền, ngồi tù
Tại Mỹ, Cục Quản lý đường bộ liên bang (FHA) định nghĩa đường cao tốc là đường được phân chia hai chiều và kiểm soát hoàn toàn việc ra vào của phương tiện. Các tuyến đường bộ, đường sắt, đường cho người đi bộ nếu giao với đường cao tốc sẽ được làm cầu vượt hoặc đường ngầm. Trên đường cao tốc, ở giữa hai làn xe ngược chiều thường có dải phân cách được lắp barie hoặc trồng cỏ. Người đi bộ và nhiều loại phương tiện như xe đạp, xe máy, xe kéo bằng động vật, các loại phương tiện xây dựng... bị cấm đi vào đường cao tốc. Nhà dân không được phép xây dựng giáp hai bên đường cao tốc. Những đoạn đường giáp với phần đất tư nhân được ngăn cách bằng rào hoặc tường. Mức phạt đối với người vi phạm an toàn cao tốc lần đầu thường không dưới 25 USD. Việc vi phạm nhiều lần có thể bị ngồi tù đến 30 ngày. Bang California từng ban hành luật cấm thả động vật đi ra quốc lộ. Nếu vi phạm có thể bị phạt 1.000 USD và ngồi tù đến 6 tháng.
Bảo Vinh
|
Bình luận (0)