Việc luật sư có mặt trong hoạt động tố tụng kể từ khi có quyết định khởi tố bị can đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, trừ những vụ án hình sự liên quan đến các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, sự có mặt của luật sư để thực hiện nhiệm vụ bào chữa được quy định sớm hơn, kể từ khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai người bị tạm giữ (Điều 58 BLTTHS).
Trong thực tế thực thi pháp luật, ở giai đoạn khởi tố, điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng thường đưa ra các lý do khác nhau để không cho phép luật sư có mặt trong các buổi lấy lời khai người bị tạm giữ, bị can. Vi phạm này, không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, mà còn tạo điều kiện cho những sai phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng ("vụ án vườn điều" ở Bình thuận là một điển hình), đã không chỉ gây thiệt hại số tiền không nhỏ (Nhà nước phải bỏ ra để bồi thường người bị oan), mà còn gây oan ức cho công dân, làm mất lòng tin của người dân đối với Nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp nói riêng.
Do vậy, thực hiện nghiêm túc pháp luật tố tụng hình sự, thể hiện ở việc bảo đảm luật sư có mặt ngay tại giai đoạn điều tra là hoàn toàn hợp pháp và góp phần thực hiện quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền đã được quy định trong Hiến pháp 1992.
Quyết định vừa qua của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM là việc làm hoàn toàn đúng, hợp pháp, rất đáng hoan nghênh, nêu một tấm gương sáng trong hoạt động tố tụng hình sự. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp nói chung cần rút kinh nghiệm và học tập trong giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, cũng là thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
T.T.H
Bình luận (0)