Hoãn nội soi, chờ 2 ngày để trẻ đi tiêu ra mảnh kiếng đã nuốt vào bụng

20/06/2020 20:43 GMT+7

Em bé 10 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng bứt rứt quấy khóc, nhợn ói liên tục ra dịch, thức ăn lẫn máu vì nuốt phải mảnh kiếng bể vào bụng.

Chiều 20.6, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết: Bé trai Đ.P.Q.K (10 tháng tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng bứt rứt quấy khóc, nôn ói liên tục. Em bé ói ra dịch, thức ăn lẫn máu.
Người nhà bệnh nhi cho biết, em bé chơi trong nhà với mẹ, một lúc sau, mẹ đi pha sữa cho bé bú. Quan sát bé từ xa, mẹ phát hiện bé bò dưới gầm bàn và bốc vật gì đó bỏ vào miệng nuốt.
Mẹ bé ngay lập tức chạy tới để cản nhưng không kịp.
Ngay sau đó, bé la khóc và ói liên tục, chảy máu miệng nên được tức tốc đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Mẹ bé cho bác sĩ biết thêm, sáng cùng ngày, mẹ bé có làm bể kiếng soi mặt và có quét nhặt rất kỹ nhưng vẫn có thể còn sót lại, có thể bé nhặt được và đã nuốt mảnh kiếng.
Các bác sĩ đã cho bệnh nhi chụp X-quang bụng ngực và chỉnh định nội soi để gắp dị vật ra.
Kết quả X-quang thấy dị vật đi nhanh qua thực quản, dạ dày, môn vị, xuống tá tràng…
“Thật khó khăn khi nội soi gắp dị vật ra vì mảnh kiếng có thể gây chảy máu, thủng ruột, dạ dày, thực quản,… của trẻ”, bác sĩ Tiến đánh giá.
May thay lúc này, trẻ bớt ói, bớt quấy khóc khó chịu nên ê kíp cấp cứu nội soi quyết định hoãn can thiệp và theo dõi sát tình trạng lâm sang của bệnh nhi. Đồng thời, bệnh nhi được siêu âm, X-quang bụng 4-6 giờ/lần để theo dõi sự di chuyển của dị vật nhằm để bác sĩ có thể can thiệp phẫu thuật lấy dị vật kịp thời nếu trẻ có tình trang đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột.
Bé được sử dụng các loại thuốc băng dạ dày, thuốc làm mềm phân, tạo điều kiện cho việc đi ngoài ra dị vật.
Kết quả sau gần 2 ngày theo dõi, trẻ đã đi tiêu ra được mảnh kiếng 0,3 x 1cm.
“Qua trường hợp này chúng tôi lưu ý đến quý phụ huynh chú ý luôn có người giữ trẻ nhỏ liên tục, dọn dẹp kỹ nhà cửa, không cho trẻ chơi đồ chơi có kích thước nhỏ vì trẻ có thể ngậm nuốt gây dị vật đường tiêu hóa hoặc đường thở, gây tắc nghẽn, suy hô hấp, cũng như các tổn thương khác có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Không để trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ngậm muỗng, nĩa, đũa, bút,… vì dễ gây tổn thương khi trẻ té hoặc bị trẻ khác bất ngờ tông phải”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.