Các cân đối lớn được đảm bảo
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT thừa ủy quyền của Thủ tướng gửi đến Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 6 khai mạc vào đầu tuần tới nhìn nhận: Năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế trong nước phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức, nhất là đến từ các cú sốc lớn từ bên ngoài. Tuy nhiên, toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đã đạt và vượt. “Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội”, báo cáo nhấn mạnh.
Cụ thể, một số kết quả trong các lĩnh vực như sau: thứ nhất, là sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài chính và các chính sách vĩ mô, giữ vững thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Hai là tăng trưởng GDP duy trì đà tăng khá, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng, ước cả năm GDP tăng khoảng 6,7%. Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Cùng với đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt được nhiều kết quả rõ nét nhờ những nỗ lực về cải cách thể chế, cải cách hành chính của Chính phủ bên cạnh vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.
Thứ nữa là thành công trong tiếp tục tập trung nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 - 2020. Nhờ đó, tạo chuyển biến rõ nét về cơ cấu kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế. Một thành công khác là bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Cuối cùng là an ninh chính trị được giữ vững, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế.
Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế. Đó là sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế…
Đi vào từng lĩnh vực, các hạn chế, thách thức cụ thể đó là: những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua chưa được xử lý triệt để. Tiến độ thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020 nhìn chung còn chậm. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, trong khi nhiều nhu cầu mới phát sinh từ thực tiễn, như: hiện đại hóa hệ thống đường sắt, mở rộng các cảng hàng không... Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều.
Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, còn phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường còn thiếu ổn định, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông sản. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, trong 9 tháng năm 2018, đã có 23.053 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,62% so với cùng kỳ năm 2017. DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,5% nhưng yếu do quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng quản trị, quản lý sản xuất, quản lý tài chính, chưa tiếp cận được các công nghệ cao, tiên tiến, thông tin chưa minh bạch dẫn đến khó có khả năng tiếp cận tín dụng của tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, khó tham gia được vào chuỗi giá trị trong khu vực.
Một hạn chế khác là việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao. Công tác cán bộ còn những yếu kém, phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm…
“Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cần nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém để có những giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững”, báo cáo nhìn nhận.
Bình luận (0)