Ngày 6.9, Ủy ban Tư pháp Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14 để cho ý kiến, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, trong đó có công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng (kỳ báo cáo từ ngày 1.10.2023 - 1.10.2024).
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thời gian qua tiếp tục được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Minh chứng là đã có 19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, kỷ luật bằng hình thức cách chức…). Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng cũng được chú trọng. Đã có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; trong đó, có 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức.
Tuy vậy, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Nhóm nghiên cứu còn cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Nhóm nghiên cứu đề nghị khẩn trương khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài sản công...
Cũng tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Mai Thị Phương Hoa trình bày báo cáo cho thấy một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Điều này dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, móc nối, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện "lách luật" hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp.
Cho ý kiến thảo luận, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, đề nghị trong từng vụ việc bị phát hiện và xử lý phải nêu lên được trách nhiệm của các cơ quan theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ.
Bình luận (0)