Tổng kết Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về kiểm soát tài sản cán bộ

01/03/2023 20:12 GMT+7

Việc thực hiện Chỉ thị số 33/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập được tổng kết sau gần 10 năm triển khai.

Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư, mới đây đã ký ban hành kế hoạch tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tổng kết Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về kiểm soát tài sản cán bộ - Ảnh 1.

Ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư

GIA HÂN

Tổng kết sau gần 10 năm thực hiện

Theo kế hoạch, việc tổng kết nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33. Từ đó, các cơ quan sẽ đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho tổng kết, 6 nhóm công việc được phân chia cụ thể cho các đơn vị có liên quan. Trong đó, các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan, tổ chức trực thuộc T.Ư xây dựng báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33 ở ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết kết quả xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế có liên quan đến việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo tinh thần Chỉ thị số 33.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết kết quả kiểm tra, giám sát việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của Ủy ban Kiểm tra T.Ư và ủy ban kiểm tra các cấp.

Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập của những đối tượng thuộc thẩm quyền; kết quả thanh tra việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng báo cáo tổng kết kết quả giám sát việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Về phía Ban Nội chính T.Ư, cơ quan này sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức ở T.Ư và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư xây dựng báo cáo tổng kết.

Cùng với đó là tổ chức hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan; tổng hợp, xây dựng các dự thảo báo cáo tổng kết, tờ trình Bộ Chính trị, kết luận hoặc chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 33; hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị.

Tổng kết Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về kiểm soát tài sản cán bộ - Ảnh 2.

Thanh tra Chính phủ tổ chức bốc thăm lựa chọn cán bộ thuộc diện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023

N.N

Nhiều bước tiến trong phòng, chống tham nhũng

Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị được ban hành ngày 3.1.2014. Thời điểm ấy, việc kê khai tài sản được đánh giá vẫn còn hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản; xác định đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp chậm tổ chức kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản…

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; luật hóa các nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng…

Gần 10 năm kể từ khi Chỉ thị số 33 ra đời, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và kê khai tài sản, thu nhập nói riêng đã có nhiều kết quả tích cực. Điểm nhấn là việc xây dựng, ban hành luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó quy định cụ thể về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và quy trình xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Tháng 10.2020, để triển khai luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị. Tiếp đó, tháng 2.2022, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 56 về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Từ những hướng dẫn cụ thể trên, năm 2022, tức sau 3 năm luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bắt đầu triển khai lần xác minh tài sản, thu nhập đầu tiên. Theo dự kiến, công tác xác minh sẽ có kết quả vào khoảng tháng 3, tháng 4.2023.

Song song với việc hoàn tất lần xác minh đầu tiên năm 2022, mới đây, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cũng lần lượt ban hành kế hoạch hoặc tổ chức bốc thăm để lựa chọn cán bộ thuộc diện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, thu hồi tài sản nói riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.