Đề xuất bỏ bốc thăm, lập cơ quan chuyên trách xác minh tài sản của cán bộ

19/02/2023 14:39 GMT+7

Cử tri kiến nghị xem xét bỏ quy định bốc thăm, đồng thời nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri một số địa phương kiến nghị nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách để thẩm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp quản lý dòng tiền và nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội; xem xét không nên áp dụng việc kê khai và giám sát kê khai tài sản theo kiểu bốc thăm như hiện nay.

Đề xuất bỏ bốc thăm, lập cơ quan chuyên trách xác minh tài sản của cán bộ - Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra cán bộ thuộc diện xác minh tài sản, thu nhập năm 2023

N.N

Xác minh 7.662 người, chỉ 74 trường hợp kê khai chưa đúng

Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác thẩm tra, xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập đang được thực hiện theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập và quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành theo Quyết định số 56/2022 của Bộ Chính trị.

So với trước đây, cơ chế và biện pháp quản lý hiện nay đã được bổ sung, tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả trong xác minh và quản lý kê khai tài sản, thu nhập. Một số điểm mới quan trọng được áp dụng, nhất là việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hàng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, năm 2022, Thủ tướng phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn và các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ban hành kế hoạch, triển khai việc xác minh. Kết quả bước đầu, 7.662 người được xác minh, qua đó phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định; đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Cũng trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện việc kê khai cũng như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, hiện Thanh tra Chính phủ đang tổ chức thực hiện.

Do vậy, với kiến nghị nghiên cứu mô hình cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh và quản lý kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc này sẽ được thực hiện về lâu dài, trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kiểm soát tài sản, thu nhập.

"Trước mắt, mô hình các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quyết định số 56/2022 của Bộ Chính trị", Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Đề xuất bỏ bốc thăm, lập cơ quan chuyên trách xác minh tài sản của cán bộ - Ảnh 2.

Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, từng được xác định là vi phạm về kê khai tài sản

THÁI SƠN

Đang tổng hợp kiến nghị về quy định bốc thăm ngẫu nhiên

Về kiến nghị xem xét không nên áp dụng kê khai tài sản theo kiểu bốc thăm, Thanh tra Chính phủ cho hay, mỗi năm, cơ quan này đều xây dựng định hướng xác minh tài sản, thu nhập để trình Thủ tướng phê duyệt.

Cùng với đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập và tổ chức thực hiện; nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ triển khai.

Hiện nay, việc thực hiện kế hoạch xác minh tài sản thu nhập được thực hiện theo đúng quy định tại điều 15 Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo đó, kế hoạch xác minh hàng năm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; riêng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phải bảo đảm tối thiểu bằng 10%.

Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, địa phương đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra cán bộ nhằm xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 theo thẩm quyền kiểm soát của mình. Đây cũng là năm thứ hai triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập theo quy định tại luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Thanh tra Chính phủ cho biết đang tổng hợp báo cáo và xem xét kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; trong đó có việc tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính theo Nghị định 130/2020. Đây sẽ là cơ sở để nghiên cứu và tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với nội dung này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.