Kiến nghị tăng khung hình phạt đối với tội phạm tham nhũng

19/02/2023 08:30 GMT+7

Cử tri kiến nghị cần tăng khung hình phạt đối với các hành vi tham nhũng nặng hơn, cùng đó là ngăn chặn việc tẩu tán và thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, gồm nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo phản ánh, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực, hàng loạt vụ việc đã bị phát hiện, xử lý nhưng vẫn chưa triệt để. Cử tri kiến nghị cần tăng khung hình phạt đối với các hành vi tham nhũng nặng hơn, cùng đó là ngăn chặn việc tẩu tán, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng

Kiến nghị tăng khung hình phạt đối với tội phạm tham nhũng - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử vụ án tiêu cực trong đấu thầu trang thiết bị y tế liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC) và Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai

PHÚC BÌNH

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm

Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh với phương châm "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Tuy vậy, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, khó lường, trong khi công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định.

Đối với vấn đề khung hình phạt, Thanh tra Chính phủ cho rằng pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng, từ kỷ luật cho đến hình sự.

Trong đó, luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nêu rõ: người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.

Người bị kết án (án có hiệu lực pháp luật) về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức thì đương nhiên bị buộc thôi việc; với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Ngoài ra, bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định 7 tội danh liên quan đến nhóm tội tham nhũng (từ điều 353 đến điều 359). Theo đó, việc xử lý đối với các hành vi này là rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm của người có hành vi vi phạm. Một số hành vi, người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.

Thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn nữa, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tập trung hoàn thiện các quy định về xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính; xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Lực lượng thanh tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; tài chính, ngân sách; công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia...

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện.

Kiến nghị tăng khung hình phạt đối với tội phạm tham nhũng - Ảnh 2.

Tài sản tại số 129 Pasteur (TP.HCM) được tổ chức thi hành xong trong vụ án Phan Văn Anh Vũ

NHẬT THỊNH

Tiền phải thu hồi rất lớn nhưng tội phạm không có tài sản

Về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, mặc dù kết quả năm sau cao hơn năm trước, song đây vẫn là một trong những hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu do số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý chưa rõ ràng. Hoặc do vướng mắc về cơ chế xử lý tài sản, rồi một số vụ vẫn xảy ra trường hợp người phạm tội bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn...

Để khắc phục, Thanh tra Chính phủ nhận định các cơ quan chức năng cần chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Việc này giúp kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định, bán đấu giá tài sản thi hành án.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ để phục vụ thi hành án; tăng cường hợp tác quốc tế; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài, đồng thời đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

"Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành bản án có điều kiện thi hành hoặc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường); nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Cơ quan này còn cho rằng, để việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán, các cấp, các ngành cần nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có hình thức xử lý nghiêm vi phạm trong việc kê khai; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, nhất là giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản nói riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.