Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên đề Kiểm soát quyền lực và phòng chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần phải nhận diện rõ chạy ở cấp nào, ở mắt xích nào.
tin liên quan
Đánh mạnh 'chạy chức, chạy quyền'Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực nên tập trung vào nội hàm công tác cán bộ. "Phải nhận diện quyền lực nằm ở đâu? Ở trong công tác cán bộ thì đó là chủ thể tổ chức hay cá nhân được giao công tác này, từ người làm quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển", ông Thành đặt vấn đề và đề xuất một trong những tiêu chí của công tác luân chuyển cán bộ là căn cứ những thay đổi nơi cán bộ đó công tác, lãnh đạo, thay vì chỉ lấy tiêu chí mốc thời gian như thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhắc lại hàng loạt sai phạm mà bộ này vừa trải qua chưa lâu, từ bổ nhiệm không đúng, không đủ yêu cầu, tiêu chuẩn đầu vào… đến đánh giá cán bộ không toàn diện, thậm chí có ngụy tạo, không đúng thực chất năng lực cán bộ… "Một số vụ tiếp nhận luân chuyển không khách quan, mang tính vụ lợi trong quy trình cán bộ, gây ra những hiện tượng không còn cá biệt. Ngoài ra, công tác quy hoạch, đánh giá còn mang tính hình thức, đối phó, có sự nể nang, né tránh, làm vui lòng lẫn nhau", Bộ trưởng Bộ Công thương nhận xét.
tin liên quan
Trung ương ban hành 3 nghị quyết chuyên đề về kinh tếĐồng ý việc kiểm soát quyền lực và ngăn chặn chạy chức chạy quyền là vấn đề bức thiết trong xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực, là quy định kèm theo thiết chế mới có thể hoàn thành một chỉnh thể để việc kiểm soát quyền lực được thực hiện, nhằm ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ, việc làm sai trái của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong tổ chức thực hiện quyền lực.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhận xét phần chống chạy chức thì đầy đủ song phần chống chạy quyền lại hơi mờ. "Cần nhấn mạnh vấn đề quyền lợi, vì nó liên quan đến dự án, tài sản, kinh phí", ông Phớc lưu ý. Cùng với đó, theo Tổng kiểm toán Nhà nước, các quy trình thi tuyển, sát hạch lựa chọn cán bộ nên được minh bạch để nhân dân giám sát thì chắc chắn chạy chức chạy quyền sẽ đỡ.
Theo Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, phải nhận diện cho rõ, xảy ra chạy quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ là ở cấp nào và ở đâu, chạy là chạy ở mắt xích nào. Cũng theo ông Sơn, về mặt nguyên nhân, sâu xa nhất là nhiều cán bộ Đảng đã suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức. Vì vậy, ông Sơn đồng tình với mục tiêu hướng tới "4 không” của dự thảo chuyên đề: không thể "chạy", không dám "chạy", không cần "chạy", và không muốn "chạy", đặc biệt là không thể "chạy" và không dám "chạy". Bí thư tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất, cần xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực thật kỹ và quan trọng hơn là có cơ quan giám sát. “Nhiều lần chúng ta đã nhắc đến, đó là quy định đúng nhưng sản phẩm đầu ra không đúng. Như vậy, nguyên nhân là do con người chứ không phải quy trình”, ông Sơn nói thẳng.
Từ kinh nghiệm công tác cán bộ ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cũng đề xuất cần mạnh dạn đổi mới phương thức chọn lựa cán bộ theo hướng đẩy mạnh thi tuyển và cần có số dư ứng viên cho cùng một vị trí. Đặc biệt, ông Đọc kiến nghị nên mạnh dạn để đại hội bầu trực tiếp với một số chức danh thì sẽ hạn chế nạn chức chạy quyền.
Bình luận (0)