Hoàn thiện pháp luật đất đai

11/02/2012 03:29 GMT+7

Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng không chỉ đánh động dư luận mà qua đó đã bộc lộ quá nhiều vấn đề về việc hoàn thiện và thực thi nghiêm pháp luật đất đai.

Các hành vi sai trái rồi phải bị nghiêm trị theo pháp luật. Nhưng làm gì để hoàn thiện pháp luật đất đai và thực thi nghiêm pháp luật về đất đai trên thực tế là một việc lớn đặt ra, nhất là vào thời điểm BCH T.Ư Đảng đang tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư (2002) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Quốc hội đang chuẩn bị xem xét thông qua luật Đất đai mới.    

Đảng và Nhà nước đã nghiên cứu, đúc kết, thực hiện những chính sách hợp lý nhất để kinh tế nông nghiệp được phát triển, người nông dân được no ấm. Nhưng những chính sách lớn ấy còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện ở nhiều địa phương, có khi do tắc trách, có khi do trình độ yếu kém và cũng nhiều trường hợp do tham nhũng mà ra. 

Nhiều cơ quan hành chính ở địa phương có quan niệm rất sai về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, rằng: Đất đai sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý nên Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu. Đây là kiểu tư duy thể hiện kém hiểu biết pháp luật và cũng làm mất uy tín của Nhà nước. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất phải được thực hiện theo pháp luật, lý do phải đúng và trình tự, thủ tục phải rõ ràng. Không có quyền lực thu hồi đất "vô biên". Việc thu hồi đất cũng vậy, phải đặt nguyên tắc thuyết phục và đồng thuận lên hàng đầu.

Việc tập trung giao cho tòa án giải quyết mọi khiếu kiện về đất đai, không để các khiếu kiện này tràn lên T.Ư là một chủ trương đúng nhưng cần có lộ trình phù hợp ở vùng nông thôn. Trong vụ việc ở Tiên Lãng chẳng hạn, người dân đã khởi kiện lên tòa án huyện nhưng thua kiện, khởi kiện tiếp lên tòa án tỉnh thì không được giải quyết. Chưa xử xong phúc thẩm thì chính quyền đã cưỡng chế. Vậy người dân có thể tìm công lý ở đâu? Cái sai về thực thi pháp luật đất đai ở Tiên Lãng rất dễ nhận ra, nhưng cớ gì mà 2 cấp tòa án không nhận ra? Đây là một điều cần suy nghĩ để định vị lại giải pháp giải quyết khiếu kiện của dân.

Đảng, Nhà nước đang tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm tra của cơ quan hành chính đối với các cơ quan trực thuộc về việc thực thi pháp luật, cơ chế giám sát của hệ thống cơ quan dân cử, tổ chức xã hội và trực tiếp người dân đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành chính, nhưng hiệu quả ở nhiều nơi chưa cao. Một việc gây nên hậu quả rất nghiêm trọng như ở Tiên Lãng, trải qua gần 6 năm, mà không thấy sự xuất hiện của công tác kiểm tra của cấp TP, cũng không thấy có tác động nào của HĐND.

Hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, cần tới cách làm thực chất, cụ thể, minh bạch. Bên cạnh đó, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân chắc chắn phải xử lý nghiêm những ai làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người dân.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.