Lịch sử hoàng gia Nhật Bản đã kéo dài hơn 2.600 năm với nhiều câu chuyện thần thoại nhưng đang phải đối mặt thách thức lớn về vấn đề người kế vị. Nhật hoàng Naruhito của triều đại Lệnh Hòa hiện nay chỉ có 2 người có thể kế vị: Hoàng tự Fumihito (59 tuổi), em trai nhà vua, và Thân vương Hisahito (18 tuổi), con trai duy nhất của Hoàng tự Fumihito.
Người con duy nhất của nhà vua, Nội thân vương Aiko (22 tuổi), không thể kế vị cha mình do quy định rằng Ngai Hoa cúc chỉ được truyền cho nam giới. Các thành viên nữ trong hoàng thất cũng phải rời khỏi gia đình và trở thành thường dân khi kết hôn với người không thuộc dòng dõi hoàng tộc.
Cuộc thảo luận giữa các đảng phái chính trị về vấn đề kế vị trong hoàng gia Nhật Bản mất 7 năm mới có thể bắt đầu và việc ban hành bất kỳ chính sách mới nào đều sẽ là một quá trình lâu dài, theo AFP.
Năm 2017, quốc hội Nhật Bản thông qua luật chỉ áp dụng một lần, cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị vì tuổi tác và sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ "nhanh chóng nghiên cứu" các quy định liên quan vấn đề truyền ngôi của hoàng gia. Hai năm sau đó, Nhật hoàng Akihito thoái vị, trở thành thái thượng hoàng và nhường ngôi lại cho con trai cả.
Đảng cầm quyền tại Nhật Bản và các nhà lập pháp ở phe đối lập dự kiến thảo luận về hai đề xuất mà một hội đồng đặc biệt đệ trình lên chính phủ vào năm 2021.
Đề xuất thứ nhất là cho phép phụ nữ trong hoàng gia Nhật Bản duy trì tước vị và thực hiện công vụ kể cả sau khi họ kết hôn với người ngoài.
Đề xuất thứ hai là cho phép nam giới từ 11 chi họ cũ, vốn bị xóa khỏi hoàng gia Nhật Bản sau Thế chiến 2, được "tái gia nhập" dòng chính thông qua việc nhận con nuôi.
Báo cáo của hội đồng nói trên khuyến nghị rằng quy định truyền ngôi cho nam giới phải được duy trì ít nhất cho đến khi Thân vương Hisahito trở thành thiên hoàng.
Việc các nhà lập pháp bảo thủ, những người xem hoàng gia như một hình mẫu hoàn hảo về gia đình phụ hệ tại Nhật Bản, phản đối ý tưởng thay đổi truyền thống lâu đời khiến viễn cảnh phụ nữ lên ngôi khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần tại quốc gia này.
Tuy nhiên, điều này đi ngược lại mong muốn của công chúng. Cuộc thăm dò mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy 90% cử tri ủng hộ việc phụ nữ kế thừa hoàng vị.
Thiên hoàng không nắm giữ quyền lực chính trị theo hiến pháp sau Thế chiến 2 tại Nhật Bản, nhưng có ý nghĩa biểu tượng to lớn và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng.
Hoàng gia Nhật Bản từng có 8 nữ quân chủ trong suốt chiều dài lịch sử, mặc dù sự cai trị của họ thường chỉ là tạm thời. Người cuối cùng, Thiên hoàng thứ 117 Gosakuramachi, lên ngôi cách đây khoảng 250 năm.
Bình luận (0)