Hoàng Hữu Phê - dòng thác lũ ký ức đậm sâu

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
06/06/2021 09:00 GMT+7

Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề của tác giả Hoàng Hữu Phê (NXB Phụ nữ Việt Nam) là một trong những cuốn đáng chú ý trong dòng sách hồi ký, tự truyện, với những ký ức đậm sâu.

Đã từ lâu, mảng hồi ký, tự truyện là một đề tài hấp dẫn đối với cả bạn đọc và tác giả trên thị trường sách của các nước phương Tây. Tuy nhiên, dòng sách này ở nước ta còn vấp phải những dè dặt e sợ động chạm, nên khó phát triển. Chỉ trong vài năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển mạnh, tư duy và quan điểm có phần cởi mở hơn, con người cũng dũng cảm dám sống chân thực hơn, thì dòng sách hồi ký, tự truyện ở Việt Nam mới bắt đầu tuôn chảy. Và cuốn sách Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề của Hoàng Hữu Phê (NXB Phụ nữ Việt Nam) đã tạo nên ấn tượng riêng trong dòng sách này.
Hoàng Hữu Phê là một kiến trúc sư, nhà quy hoạch có tiếng ở Việt Nam. Nhưng điều đặc biệt trong cuộc đời ông, đó là việc suốt thời ấu thơ, ông đã sống và tham gia chiến đấu ở tỉnh lẻ Đồng Hới trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cuộc chiến đấu kỳ lạ đó của một cậu bé còn kéo dài sang giai đoạn cuối tuổi hoa niên khi cậu du học ở Liên Xô - một thế giới xa lạ mà chỉ ngôn ngữ của họ thôi cũng đã khiến cậu bé vốn tự ti về thứ tiếng trọ trẹ của mình ngay tại miền Bắc khi sơ tán, phải rúm cả người lại vì lo sợ mình sẽ không thể làm chủ được để học tập cho nên hồn. Cuộc đời ấy tiếp tục dẫn ông đến những va đập kỳ lạ khi nhờ nghề nghiệp và năng lực xuất sắc của mình, ông đã có những trải nghiệm độc đáo ở Bangkok, London và nhiều địa danh khác trên thế giới, những va đập với khác biệt của thế giới bên ngoài làm chói sáng quá khứ để ông thêm lần nữa chiêm nghiệm lại những gì mình đã trải qua cùng cả dân tộc để hiểu ngọn ngành của chiến tranh và càng trân quý hòa bình.
Cuốn hồi ký của Hoàng Hữu Phê đã cuốn hút ngay từ đầu về những hồi ức mạnh mẽ của ông thời còn là cậu bé ở Đồng Hới. Nét độc đáo của những nỗi nhớ này, đó là được ông soi chiếu từng sự kiện, sự việc to, nhỏ hồi đó với những trải nghiệm của một người từng du học và làm việc tại các nơi trên thế giới, kết hợp kiến thức chuyên môn chính xác Đông - Tây. Tôi đặc biệt quan tâm tới những thuật ngữ khoa học được tác giả đóng mở ngoặc đơn với dẫn từ tương tự tiếng Anh, bởi sự đối chiếu với ngôn ngữ Anh, cho độc giả cơ hội hiểu cặn kẽ và chính xác hơn, thậm chí là mở rộng hiểu biết trong lĩnh vực được tác giả đề cập. Ví dụ khi kể về những ký ức rõ mồn một và chính xác mà tác giả còn lưu giữ, khi sự việc xảy ra lúc ông mới hai tuổi (một điều rất hiếm hoi), ông đã viết: “Ba tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và, vốn chuyên ngành tâm lý học giáo dục (pedagogical psychology), ông hứa sẽ tìm cách tra cứu và giải thích cái mà ông gọi là hiện tượng phát triển trí nhớ sớm một cách bất thường".
Dẫu cho tác giả có giải thích rằng, sở dĩ ông nhớ vô cùng rõ các kỷ niệm thời nhỏ trong chiến tranh, là do ông luôn phải cận kề với chuyện sinh - tử, thì chúng ta, những độc giả sinh ra trong thời bình, cũng phải thấy biết ơn tác giả với trí nhớ tuyệt vời, thể hiện chân thực từng chi tiết, cảm xúc, đến mức qua từng trang sách, như được xem một bộ phim đầy kịch tính trước mắt. Trong chiến tranh, mối đe dọa mất mạng của chính mình cũng không đáng sợ bằng nỗi lo mất người thân luôn thường trực. Tôi đã lo thắt tim cùng tác giả khi đọc những dòng này: “Một hôm trời đã gần tối mà chưa thấy anh Huy đi củi về, tôi quyết định đi đón anh. Đường từ thôn Văn La lên rừng phải vượt qua những trảng vắng với nắng chiều tà nhuộm vàng rực những khóm cỏ lau bên các khe sâu tối thẫm, cảnh tượng đẹp một cách trang nghiêm, bí hiểm và buồn bã. Tôi đã không thể biết là ở rừng, bóng tối có thể ập xuống nhanh như thế. Hoảng hốt vì trời đã bắt đầu tối sầm lại mà vẫn không thấy bóng dáng anh Huy đâu, tôi bỗng thấy mình rơi vào một cơn tuyệt vọng khủng khiếp. Mọi nỗi lo sợ về những bất trắc có thể xảy ra với anh tôi - bom đạn, thú dữ, khe suối, lạc rừng đã khiến tôi như cứng cả lưỡi, không hét nổi lên được một tiếng để gọi anh. Tôi nhớ tôi đã vừa chạy vừa cay đắng khóc ròng, nước mắt rơi lã chã, hoàn toàn một mình, giữa núi rừng âm u và trong chốc lát bỗng trở nên xa lạ và bất an vô cùng. Có lẽ chưa bao giờ trong đời, tôi cảm thấy một nỗi tuyệt vọng nào có thể dữ dội đến như thế, lớn đến như thế, lớn đến độ như sắp nuốt chửng cả tôi”.
Nhưng cũng có thể chiến tranh tạo nên những đứa trẻ phi thường. Một cậu bé như Phê, mới hơn mười tuổi, còn đang đi học, đã buộc phải giao tiếp sâu sắc hơn với con người, với rừng sâu núi thẳm, với thiên nhiên, để sinh tồn. Phê vào rừng không chỉ để “đi củi”, mà còn tìm gỗ để làm hầm trú ẩn tránh bom, bảo toàn tính mạng cho cả gia đình. Ông viết: “Tôi nhớ thời ở Lệ Kỳ, tôi đã tự tay dựng nên ít nhất là ba cái hầm chữ A cho gia đình, tất cả đều bằng gỗ ngát”. Lý do cậu bé chọn gỗ ngát để làm hầm là vì một người bạn đi rừng của cậu, cụ B. đã khuyên như thế. “Cụ B. quả là một pho từ điển bách khoa biết đi về rừng. Cụ cầm tay chỉ cho tôi từng loại gỗ quý: lim, đinh, sến, táu… Khi tôi phải tìm gỗ thích hợp để làm hầm, cụ khuyên tôi nên tìm cây ngát (ulmaceae), vì cây này thẳng và đặc biệt là có nhựa đắng, không bao giờ mối mọt gì”. Tất cả những kỹ năng mà chiến tranh “vô tình” gián tiếp dạy cho Phê từ khi còn thơ bé, đã hội tích trong ông một kho báu cả về kiến thức và linh cảm diệu kỳ, giúp ông sống sót và vượt qua xuất sắc trong mọi tình huống hiểm nguy, cả trong chiến tranh trực tiếp và trong những cuộc “sinh tử” trong học tập, nghề nghiệp, làm người.
Khi theo bước chân Hoàng Hữu Phê qua không gian từ Đồng Hới, Hưng Yên, Hà Nội, tới Kiev, Bangkok, London và nhiều vùng khác cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới; qua thời gian từ khi ông hai tuổi cho đến khi ngoài sáu mươi tuổi; qua sự trưởng thành từ một cậu học trò tới một kiến trúc sư danh tiếng, độc giả không những trải nghiệm cùng ông những cảm xúc mạnh mẽ, khác thường, mà còn được lý giải tường tận về số phận của một cá nhân trong dòng chảy lịch sử, về thuyết lý quy hoạch kiến trúc đô thị hay quy hoạch đời người, giữa bất biến trong vạn biến, và hơn hết, đó là tình yêu sâu đậm của ông đối với đời sống này, bất kể nó diễn biến ra sao.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.