Hoang mang về tổ tiên loài người

08/12/2013 03:00 GMT+7

Kết quả phân tích hóa thạch xương người 400.000 năm đã làm đảo lộn phần lớn những giả thuyết được chấp nhận lâu nay về tổ tiên loài người.

 
Khai quật tại hang động Sima de los Huesos - Ảnh: Madrid Scientific Films

Cách đây 6 tuần, giới chuyên gia và truyền thông vẫn còn cho rằng 2013 là năm đột phá trong lĩnh vực nhân loại học phân tử, khi mà di truyền học trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới. Theo tờ TIME, hiện chi phí thử nghiệm ADN ở mức chấp nhận được, với giá cả cho việc giải mã hàng chục triệu cặp gien di truyền còn rẻ hơn chuyện đi xem bói ở phương Tây. ADN nghiên cứu di truyền đang tăng theo hàm mũ, và nói theo khía cạnh luật pháp, con người sở hữu ADN của chính họ. Tuy nhiên, trước khi năm 2013 kết thúc, giới khoa học đón nhận thêm tin sốc. Tạp chí Nature mới công bố báo cáo làm đảo lộn mọi thứ mà chúng ta từng biết về tổ tiên loài người.

Nhóm chuyên gia thuộc Viện Max Planck về tiến hóa nhân loại tại Leipzig (Đức) đã giải mã thành công gien ti thể của xương người có niên đại 400.000 năm, hóa thạch người cổ nhất cho đến thời điểm này. Kỷ lục trước đó về xương người lâu đời nhất chỉ dừng lại ở mức khoảng 100.000 năm trước. Trước khi tiến hành nghiên cứu mẫu vật được tìm thấy tại hang động Sima de los Huesos nằm sâu bên dưới rặng núi

Atapuerca ở Tây Ban Nha, trưởng nhóm Matthias Meyer hầu như khá chắc chắn về cái mà mình đã phát hiện. Hóa thạch giống như thuộc về một người Neanderthal, chi người đã hiện diện tại châu u từ ít nhất 250.000 đến 30.000 năm trước. Đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng loại xương thì tất nhiên phải có đúng vật chất di truyền. Tuy nhiên, kết quả phân tích ADN cho thấy đây là cá nhân thuộc chi người về họ ngoại có liên hệ với người Denisovan chứ không phải Neanderthal.

Phát hiện trên đã đẩy giới nghiên cứu vào tình trạng hoang mang, và có thể gây nên sự xáo trộn trong cây phả hệ của tổ tiên loài người. Theo giả thuyết được công nhận lâu nay, người Denisovan xuất hiện vào khoảng 41.000 năm trước, và chưa từng đặt chân đến Tây Ban Nha. Những dấu vết để lại cho thấy họ phải ở cách đó 9.700 km, tại Siberia, một khoảng cách không dễ dàng vượt qua trong thời Thế Canh Tân. Dựa trên những gì thu thập được, giới nhân chủng học đặt giả thuyết rằng người Denisovan là “anh em họ” cùng thời ở châu Á của người Neanderthal, với địa bàn sinh hoạt tại châu u và Trung Đông; người hiện đại lúc đó định cư khắp châu Phi và bắt đầu rời châu lục đen lần đầu tiên khoảng 10.000 năm trước.

Đó là câu chuyện được chấp nhận trong giới nhân chủng học hồi tháng trước. Có vẻ như cốt truyện đã được thay đổi với phát hiện mới của Viện Max Planck, thúc đẩy các chuyên gia phải viết lại chương khác trong lịch sử nhân loại. Liệu đây là tổ tiên khác của người Denisovan chứ không phải Neanderthal? Phải chăng đã có hai dòng di cư khỏi châu Phi trước khi đợt di dân thứ 3 và thứ 4 của người hiện đại? Có bao nhiêu họ người từng sinh sống tại châu u, châu Phi và châu Á trong Thế Canh Tân? Và do các chi người này chắc chắn có qua lại với nhau, liệu chúng ta có thể gọi hậu duệ từ các hành động lai tạp này là họ người khác? Khi mọi việc sáng tỏ, có thể cây phả hệ loài người sẽ không còn ở hình dáng như hiện tại, và điều đó chỉ là sớm hay muộn mà thôi.  

Hạo Nhiên

>> Chế độ ăn kham khổ của tổ tiên loài người
>> Cơn ác mộng của tổ tiên loài người
>> Chấy rận 'viết' lịch sử loài người
>> Tổ tiên bí mật của loài người
>> Viết lại lịch sử tiến hóa loài người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.