Người trồng mía ở Cà Mau đang lo lắng vì thông tin XNĐ ngưng hoạt động - Ảnh Gia Bách |
Người dân bất an, xí nghiệp lo lắng
Những ngày qua, người dân vùng nguyên liệu mía Cà Mau đứng ngồi không yên vì quyết định trên của Bộ TN-MT. Anh Võ Thanh Triền (ngụ ấp Lê Hoàng Thá, xã Biển Bạch, H.Thới Bình) cho biết: “Người dân chúng tôi không hiểu tường tận nguyên nhân XNĐ bị đóng cửa nhưng đang mất ăn, mất ngủ khi nghe thông tin trên vì tiền bạc, công sức, tài sản đều đổ dồn vào ruộng mía”. Anh Đỗ Văn Hoàng (ngụ ấp 9, xã Trí Lực, H.Thới Bình) lo lắng: “Mía đang phát triển tốt, gia đình tôi chờ đến thu hoạch bán trả nợ vay đầu tư. Nhưng bây giờ XNĐ ngừng hoạt động, mấy héc ta mía của gia đình tôi chưa biết bán ở đâu”. Còn ông Lê Thanh Văn (ngụ xã Trí Lực, H.Thới Bình) than: “Nếu XNĐ Cà Mau ngưng hoạt động bắt buộc chúng tôi phải chở mía lên Hậu Giang bán cho Nhà máy đường Phụng Hiệp. Và như thế phải chịu lỗ thêm khoảng 100 đồng/kg cho chi phí chuyên chở. Ngoài ra còn có khả năng bị ép giá vì nhà máy này thừa nguyên liệu”.
Không chỉ có người dân, ông Vưu Văn Út, Giám đốc XNĐ Cà Mau, cho biết đơn vị đã gửi văn bản giải trình đến cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại quyết định đình chỉ hoạt động. Ông Út thông tin thêm, hiện XNĐ Cà Mau có gần 200 công nhân và là đơn vị duy nhất thu mua mía của 1.700 hộ trên địa bàn Cà Mau và khoảng 2.300 hộ ở tỉnh giáp ranh là Kiên Giang, với tổng diện tích khoảng 3.736 ha, lượng mía nguyên liệu gần 300.000 tấn. Nếu đình chỉ hoạt động, mía không có nơi tiêu thụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nông dân. “Đó là chưa nói đến hàng trăm con người của XNĐ Cà Mau bị mất việc. Đơn vị nhiều năm qua gặp khó khăn, giờ phải tạm ngừng hoạt động thời gian dài như thế sẽ tiếp tục khó và đứng trước nguy cơ vùng nguyên liệu mía sẽ không tồn tại được”, ông Út chia sẻ.
Xin gia hạn hoạt động
Việc đình chỉ hoạt động của XNĐ Cà Mau, Bộ TN-MT cho rằng tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để của đơn vị này chậm, mặc dù đã quá thời hạn xử lý theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ gần 8 năm; không khắc phục hậu quả sau thanh tra của Tổng cục Môi trường; không có biện pháp tách nước mưa với nước thải, không thu gom nước thải sinh hoạt về hệ thống xử lý, không chống thấm hồ lưu giữ nước thải theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; hệ thống xử lý nước thải của đơn vị không đúng với báo cáo tác động môi trường được phê duyệt là 1.000 m3/ngày và không nộp phạt vi phạm hành chính.
Ông Út cho biết năm 2011, đơn vị đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất thiết kế 180 m3/ngày đêm. Từ khi hệ thống này đi vào hoạt động đến nay toàn bộ nguồn nước thải được kiểm soát. Nguồn nước đã qua xử lý được nhiều cơ quan lấy mẫu kiểm tra và đánh giá đạt tiêu chuẩn. Theo ông Út, do đánh giá tác động môi trường được lập và phê duyệt vào năm 2002, nguồn thải cần phải xử lý tổng cộng theo đánh giá này là 10.000 m3/ngày đêm, nhưng thực tế sau khi phân tích các nguồn nước thải, nguồn nước ô nhiễm cần phải xử lý của đơn vị chỉ khoảng 90 - 130 m3/ngày đêm, nên xây dựng nhà máy xử lý nước thải 180 m3/ngày đêm là phù hợp. Còn việc Bộ TN-MT cho rằng Công ty CPMĐ Tây Nam trì hoãn việc nộp phạt là không đúng. “Đơn vị đã hoàn thành cơ bản các công trình xử lý ô nhiễm mà kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra của Bộ TN-MT đã ghi rõ tại biên bản thanh tra về bảo vệ môi trường đối với XNĐ Cà Mau. Với lại, đơn vị đang khó khăn và đã có đơn xin miễn nộp phạt và nêu rõ nguyên nhân, kết quả khắc phục chứ không trì hoãn”, ông Út nói.
Ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nếu đình chỉ hoạt động đối với XNĐ Cà Mau trong thời điểm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của tỉnh. Nên tôi vừa ký văn bản gửi Bộ TN-MT nêu rõ tình hình trên”. Ông Dũng cũng khẳng định, việc Bộ TN-MT đề nghị địa phương chủ động thu mua mía nguyên liệu của các hộ là không khả thi và rất khó thực hiện. Do đó, tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT cho XNĐ Cà Mau gia hạn thời gian hoạt động đến ngày 30.6.2015.
Gia Bách
Bình luận (0)