Hoàng Phủ Ngọc Tường - Người ham chơi đã Về ngủ dưới miền cỏ hoa

Hồng Hạnh
Hồng Hạnh
26/07/2023 07:25 GMT+7

Ngày 24.7, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trút hơi thở cuối cùng tại TP.HCM. Một lễ tưởng niệm ông sẽ được tổ chức tại Huế trong những ngày sắp đến. Ông - "Người ham chơi" - đã an nhiên "Về ngủ dưới miền cỏ hoa".

HUẾ - MIỀN CỎ HOA TRONG SÂU THẲM KÝ ỨC

Tôi cứ nhớ mãi khổ thơ của ông:

"Nhà tôi ở phố Đạm Tiên

Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu

Có mùi hương cỏ đêm sâu

Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm"

Huế là nơi ông có quá nhiều kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành và già đi theo năm tháng. Huế nơi ông có một gia đình với chị với em với một bếp lửa bập bùng, nuôi giữ một nếp sống Huế, tính cách Huế hòa đẫm tình yêu thiên nhiên, tình yêu Huế xuyên suốt tháng năm. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ mãi những chiều 30 tết, cả gia đình tụ họp trên sân ga chờ ba mẹ và mấy chị em Lam, Thương, Phan về lo buổi giỗ ông bà vào cuối năm. Một gia đình mà các chị em hay có thói quen chép mấy bài đồng dao trên Báo Phong Hóa vào sổ tay để răn mình, dạy con cháu.

Hoàng Phủ Ngọc Tường - Người ham chơi đã Về ngủ dưới miền cỏ hoa  - Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những năm tháng cuối đời

Gia đình cung cấp

"Ở Huế, như một thói quen của trời đất, chiều 30 tết, trời tạnh ráo và đến sáng mùng 1 mới đổ mưa phùn. Những cơn mưa mà sợi mưa mỏng bằng sợi chỉ và kéo dài đến giữa tháng giêng. Trời mưa không ướt áo, người ta chỉ cần rũ áo như rũ bụi và rung tóc nhẹ nhàng như làm cho hương phấn bay đi. Thật ra, đấy chỉ là một thứ hơi nước vừa đọng lại khi gặp khí trời lạnh giá. Và ở Huế, những thiếu nữ thường chờ đợi mưa phùn như chờ đợi một nỗi lòng" (Nồi bánh tét đêm 30 - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Báo Xuân Thanh Niên 2015).

Lúc sinh thời, nhà văn luôn nói rằng Huế là nơi ông đã lớn lên, đã tranh đấu và chiến đấu, đã yêu thương và ông đã "sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư". Ông nói Huế tuy không phải là nơi quê gốc nhưng ông vẫn tự xem là Dân Cột Cờ. Trong bút ký Thời ấu thơ xanh biếc, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ mãi khoảnh khắc: "Lúc có một chiếc mo cau rơi xuống và mùi hương tinh khiết của hoa cau len vào giấc ngủ lúc về sáng, đánh thức trong tôi một nỗi quyến luyến". Và đôi lúc ông lại thảng thốt: "Ôi, những kỷ niệm của tôi, sao lại thơm mùi hương sầu đông, lạ thật!"…

Có lẽ đây là cơ sở để lý giải tại sao ông lại yêu Huế, yêu đất trời Huế đến vậy. Và nói rộng ra, thiên nhiên, đất trời luôn thấm đẫm trong bút ký, trong thơ ca của ông. "Hương tràn vào thành phố như gần như xa, khiến tôi nghĩ rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn địa đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới gốc cây đào nở hoa, với mùi hương bát ngát như thể mùi tóc bay trong những chiều gió" (Miền cỏ thơm)… "Một nét bút kỳ tuyệt của thiên nhiên trên lụa, ấy là vẻ đẹp của hoa mai dưới màu trăng nguyệt bạch" (Mùa xuân thay áo trên cây).

Trong suốt cuộc hành trình của mình, Huế và ký ức về Huế luôn chảy trong huyết quản, trong tâm trí của ông. Nhà văn Tô Hoài đã nhận xét: "Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế".

Và đúng là Huế với nhà văn còn là hành trình đi dọc dòng sông Hương, ông yêu sông Hương lạ lùng. Sông Hương với ông không chỉ là không gian, thời gian của dòng sông mà còn là những tầng, những vỉa văn hóa được khám phá bởi ông.

"Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nắng đem ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của thiên nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông..." (Ai đã đặt tên cho dòng sông).

Nhà văn Ma Văn Kháng từng nói: "Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng chiều sâu văn hóa, bằng những cảm hứng nhân văn… Anh là một nhà văn đặc sắc, nếu không nói là vào bậc nhất nước - vô cùng hiếm…".

NHÀN ĐÀM - THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG NHƯ DÀNH RIÊNG CHO ÔNG

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã để lại cho cuộc đời một di sản văn chương đồ sộ. Trong đó, bút ký là thể loại mà ông đã để lại những áng văn chương nghiêm cẩn mà vẫn lấp lánh y như kiến trúc kinh thành xưa. Có thể kể ra: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1972), Rất nhiều ánh lửa! (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế di tích và con người (1996), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Trong mắt tôi (2001), Rượu hồng đào (truyện ký, 2001).

Điều đặc biệt ở nhà văn là ông còn để lại nhiều biên khảo, nghiên cứu về thể loại văn chương này. Ông cho rằng: "Nhà văn bút ký trước hết được tin cậy như một nhà khoa học thông báo về hiện tượng, trong thái độ tôn trọng sự-kiện-tính (facticité) của những gì đã xảy ra… Với ký, văn học đã có thể thâm nhập một cách nhẹ nhàng vào lĩnh vực của thông tin khoa học, bằng ngôn ngữ riêng của mình, nó chuyên chở đến cho người đọc những hiểu biết cần thiết trên mọi lĩnh vực kể cả chỉ nhằm đáp ứng những kiến thức thuần túy. Tôi nghĩ rằng, giữa thời đại chúng ta, nhà văn không thể tự cho phép mình xa lạ với mọi rung động khoa học". (Một vài suy nghĩ về thể ký)

Khái niệm "rung động khoa học" đã thể hiện xuyên suốt trong các bút ký của ông Tường. Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã nhận xét: "Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa".

Tuy nhiên, một thể loại văn chương đặc sắc khác dường như sinh ra là để dành cho ông Tường. Đó là nhàn đàm. Ông cho biết "Nhàn đàm" là tên do ông đặt ra với suy nghĩ đây là những câu chuyện "trà dư tửu hậu", viết với giọng pha đôi chút hài hước của "một nhà văn nheo mắt nhìn cuộc đời". Ông hay nói: "Nhàn đàm đúng là một thể loại văn học của Người-ham-chơi". Thoạt đầu là vậy, tuy nhiên theo năm tháng, Nhàn đàm trên Báo Thanh Niên với cây bút Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành "mảnh văn chương" thích hợp với khẩu vị của độc giả. "Nếu bảo rằng một mảng của sự nghiệp văn chương của tôi là được trồng trọt trên mảnh đất của Báo Thanh Niên thì đúng là như thế", ông nói.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lâm bạo bệnh vào năm 1998, nhưng khát vọng sống của ông, khát vọng được đắm say sống cùng thiên nhiên, con người ngoài ô cửa thật mãnh liệt. Ông vẫn tiếp tục viết trên giường bệnh từ mấy mươi năm nay. Tác phẩm cuối cùng của ông là vào năm 2018. Hai mươi năm viết trên giường bệnh ông vẫn có thể để lại cho bạn đọc những áng văn chương và một thể loại văn chương đặc sắc.

Và giờ thì Người-ham-chơi đã dừng bước lãng du để về với miền thơ ấu, về với Miền cỏ hoa. Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến một đoạn thơ của ông:

"Thôi người ở lại soi gương

Tôi đi về phía con đường cỏ lau

Nợ người một khối u sầu

Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi

Mai kia rồi cũng xa người

Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa"... 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9.9.1937, mất ngày 24.7.2023; hưởng thọ 87 tuổi. Nguyên quán: Làng Bích Khê, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn khóa 1, ban Việt - Hán (1960); Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế (1964); dạy tại Trường Quốc học Huế (1960 - 1966). Từ 1963, ông tham gia phong trào yêu nước của sinh viên - học sinh và trí thức Huế với tư cách là Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Huế. Từ 1966 - 1975, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ 1975, ông vừa sáng tác, vừa tham gia công tác quản lý tại các Hội Văn nghệ Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Ông được nhận Huân chương Độc lập hạng ba; Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được tổ chức lúc

14 giờ ngày 30.7 đến hết ngày 31.7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế; số 1 Phan Bội Châu, P.Vĩnh Ninh, TP.Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.