Dưới mốc đá khổng lồ mô phỏng bia chủ quyền (do người Pháp dựng năm 1938 khẳng định chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa) đặt tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng), nhiều em học sinh đã tự hào khi được kết nạp vào Đội, Đoàn thanh niên.
ĐIỂM ĐẾN CỦA LÒNG YÊU NƯỚC
Chiếc xe chở khách dừng lại trên tuyến đường Hoàng Sa chạy dọc bờ biển Đà Nẵng để đoàn học sinh tiểu học vào Nhà trưng bày (NTB) Hoàng Sa. Ngay tại sảnh tầng 1, đập vào mắt các em là cột mốc đá cao sừng sững. Chân cột mốc được bao bọc bởi một vạt cát biển. Trên đó, NTB Hoàng Sa đã khéo léo đặt một số vỏ sò, vỏ ốc…, đặc biệt là tiêu bản 2 rùa biển được thu thập từ vùng biển Hoàng Sa như đang bò về cột mốc. Một hình ảnh vừa thú vị với các em học sinh tiểu học lại vừa mang tính biểu trưng, như hàng triệu trái tim Việt hướng về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Vùng biển nước ta với rùa, tôm, cá… đẹp quá phải không các con", thuyết trình viên Trần Thị Lê Na nói rồi dẫn dắt các em học sinh đi vào câu chuyện nguồn tài nguyên hải sản ở Hoàng Sa thông qua các tiêu bản được trưng bày; hình ảnh sinh động, gần gũi về các chú bộ đội, ngư dân vừa đánh bắt vừa bảo vệ ngư trường truyền thống…
Lê Na cho biết, sau mỗi chương trình tham quan, cô thường phát phiếu khảo sát, đánh giá để thấy được chất lượng tuyên truyền ngay tại NTB Hoàng Sa như thế nào. Từ đó cô nhận thấy, hầu hết các em học sinh đều hứng thú vì có nhiều kiến thức chưa được tiếp cận, biết đến.
"Nhiều em học sinh cho biết, được nghe, nhìn thấy những hiện vật đã giúp các em hiểu rõ hơn về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Vui nhất là khi tham quan xong, các học sinh như được tiếp thêm động lực và biểu thị quyết tâm sẽ có những hành động thiết thực trong học tập để góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các em chia sẻ, sẽ trở thành những đại sứ tuyên truyền để truyền tải những câu chuyện từ NTB Hoàng Sa đến mọi người…", Lê Na kể.
Cuốn sổ ghi cảm tưởng tại NTB Hoàng Sa cứ dày thêm theo năm tháng và dày thêm những sự tri ân của thế hệ trẻ đối với các bậc tiền nhân khai phá và gìn giữ quần đảo Hoàng Sa. Hứa Trần Bảo Ngọc (học sinh lớp 11C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) viết: "Thật xúc động và trân quý công sức của những ngư dân và chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo VN".
Là một địa chỉ đỏ trong giáo dục chủ quyền biển đảo, NTB Hoàng Sa còn đón tiếp nhiều trường học đến tổ chức các lễ kết nạp Đội, Đoàn cũng như các lễ tuyên dương, khen thưởng cho học sinh. Đại diện các em học sinh Trường THCS Hoàng Sa cho biết, chuyến tham quan sau lễ kết nạp là một kỷ niệm đáng nhớ và đầy tự hào đối với các em: "Chuyến tham quan NTB Hoàng Sa giúp chúng em mở rộng những kiến thức bổ ích, thực tế…".
GIEO NHIỆT HUYẾT, TIẾP ĐỘNG LỰC
TS sử học Lê Tiến Công, Giám đốc NTB Hoàng Sa kiêm Chánh văn phòng UBND H.Hoàng Sa, cho biết trong năm 2023, NTB đã đón tiếp và phục vụ hơn 18.000 lượt khách với 212 đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó số lượng học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên chiếm tỷ lệ hơn 50%. Con số này cộng với thực tế hiện vật được trưng bày tại NTB chủ yếu là tài liệu, bản đồ… là hình ảnh bản sao 2D khá khô khan trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác tại NTB.
"Bài toán đặt ra là cần thay đổi phương thức truyền tải để học sinh vừa dễ tiếp cận các thông tin vừa không bị nhàm chán. Do đó, ngoài việc tham quan, nghe thuyết minh, chúng tôi đã làm phong phú các hoạt động bằng cách cho học sinh xem phim do NTB tiếp nhận từ các đài truyền hình, nhóm làm phim… Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các trò chơi nhỏ, thi trắc nghiệm có thưởng sau mỗi chuyến tham quan để tăng tính tương tác với học sinh", ông Công nói. Ở góc độ là người thường xuyên tiếp xúc với giới trẻ đến tham quan, thuyết minh viên Lê Na cũng có nhiều cách làm sáng tạo để truyền tình yêu biển đảo đến từng nhóm lứa tuổi một cách phù hợp.
Lê Na kể, năm 2017, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, chuyên ngành Kinh tế phát triển, cô được nhận vào làm việc tại NTB với vị trí nhân viên văn phòng. Quá trình tiếp cận các thông tin về chủ quyền Hoàng Sa, cô gái 31 tuổi này đam mê lịch sử khi nào không hay và quyết trau dồi các kiến thức, khả năng nói trước đám đông. Lê Na tâm sự, nghề chọn người, cô nhanh chóng nắm bắt được kỹ năng thuyết minh và thú vị hơn, cô dường như trở thành "nhà tâm lý" bất đắc dĩ để có cách truyền đạt hay mà lại đúng đối tượng.
Lê Na cho hay, đối với lứa tuổi mầm non, cô thường chỉ dẫn và giới thiệu các sinh vật biển ở vùng biển Hoàng Sa. Còn cấp tiểu học, cô phải "hết sức suy nghĩ" để đưa chủ quyền Hoàng Sa vào những câu chuyện gần gũi. Câu từ không được "đao to búa lớn" và thường xuyên giải thích các từ khó hiểu, như: thư tịch cổ, bản đồ cổ… "Đối với lứa tuổi học sinh còn ngây thơ, trong sáng thì việc gieo chủ quyền biển đảo vào trí nhớ rất cần sự khéo léo, để làm sao những trang giấy trắng được viết lên những kiến thức chắc nhất, cơ bản nhất", Lê Na chia sẻ.
Đối với lứa tuổi lớn cấp 2, cấp 3, Lê Na chọn cách gieo vào nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của biển đảo quê hương, nâng cao sự hiểu biết về chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng Sa… Cô cố gắng tiếp thêm động lực cho các em vào việc học.
"Còn mỗi lần tiếp xúc với các đoàn khách là sinh viên đã có nền kiến thức cơ bản, tôi thường truyền tải thông điệp để các bạn thêm nhiệt huyết, khơi gợi trách nhiệm của các bạn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Ngay tại NTB này, tôi thật sự xúc động khi mỗi dịp chứng kiến các bạn hô vang "Hoàng Sa là của VN". Tôi thấy được tình yêu, nhiệt huyết của tuổi trẻ đối với biển đảo, quê hương và tự hào vì đã góp chút sức trong bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa", Lê Na trải lòng.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đánh giá NTB Hoàng Sa có vai trò quan trọng trong việc giáo dục chủ quyền biển đảo của VN đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, mà trước hết là người dân và thế hệ trẻ TP.Đà Nẵng - địa phương đang thay mặt cả nước và cùng cả nước quản lý quần đảo Hoàng Sa.
"Những bằng chứng lịch sử và pháp lý mà NTB Hoàng Sa đã dày công sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và tổ chức triển lãm, giúp cho người dân và nhất là thế hệ trẻ nhớ về công lao của tiền nhân trong việc xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Đáng kể hơn là những bằng chứng lịch sử và pháp lý ấy có sức thuyết phục rất cao đối với du khách nước ngoài khi tham quan NTB Hoàng Sa", ông Tiếng chia sẻ. (còn tiếp)
Bình luận (0)