Hoang tàn chợ xã

08/01/2013 10:34 GMT+7

Xây dựng chợ quy mô nhưng không có người vào mua bán là chuyện không mới, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm ra phương án khắc phục. Đó là một thực tế buồn ở các chợ xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Hoang tàn chợ xã
Không người mua bán, chợ Mỹ Hòa giờ như thế này đây - Ảnh: Thanh Đức

Không bao lâu nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng chợ xã Mỹ Hòa (H.Bình Minh) vẫn vắng như “chùa Bà Đanh”. Phía mặt tiền của chợ là những ki-ốt trống rỗng, quần áo phơi đầy trên những khung sắt đã rỉ sét. Bên trong chợ không thấy một bóng người. Một mặt chợ hướng ra khu dân cư, cỏ mọc um tùm, cao ngút đầu người.

 

Năm 2012, ngành công thương tỉnh Vĩnh Long đã chuyển đổi 3 chợ từ mô hình Ban quản lý chợ sang mô hình HTX và 2 chợ sang mô hình doanh nghiệp kinh doanh. Qua đó, nâng tổng số chợ trên địa bàn được chuyển đổi mô hình khai thác quản lý lên 14 chợ, với 8 doanh nghiệp và 5 HTX tham gia, tại các huyện Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ, Bình Minh và TP.Vĩnh Long, với  tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 500 tỉ đồng.

Theo một cán bộ địa phương, chợ xã Mỹ Hòa được quy hoạch trên diện tích đất khoảng 2.000 m2, trong đó nhà lồng chợ chiếm khoảng 700 m2  với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đồng. Cùng với nhà lồng chợ, UBND xã Mỹ Hòa đã kêu gọi người dân đầu tư xây dựng 27 ki-ốt xung quanh chợ, với kinh phí bình quân gần 40 triệu đồng/ki-ốt. Vậy mà 4 năm qua, dù UBND xã đã nhiều lần tổ chức khai trương chợ mới nhưng vẫn chưa đưa vào khai thác được. Theo người dân nơi đây, nguyên nhân tiểu thương không chịu vào chợ mới xã Mỹ Hòa mua bán là do cách đó chỉ hơn 100 m đã có chợ ấp Đông Hưng, họp ngay dưới dạ cầu Mỹ Hòa.

Chợ Giáo Mẹo (xã Đông Thạnh, H.Bình Minh) nằm lọt thỏm trong khu dân cư vượt lũ ấp Đông Thạnh B. Tình hình buôn bán ở chợ này cũng khá ảm đạm. Một tiểu thương bán tạp hóa cho biết chợ chỉ họp hơn 1 tiếng đồng hồ vào buổi sáng, chủ yếu bán hàng ăn uống, thịt cá, rau củ quả… Ngoài 4 quầy tạp hóa được xây dựng chắc chắn, đa số còn lại chỉ che chắn tạm bợ. Theo Ban quản lý, chợ đã thành lập nhiều năm nay với khoảng 50 tiểu thương nhưng buôn bán vẫn chưa “sung”, do dân trong xã “bị phân tán” qua các chợ lân cận. Chợ chủ yếu phục vụ cho khoảng 140 hộ của khu dân cư, nhưng đa số đều thuộc diện hộ nghèo, được cấp nền tái định cư nên ít khi sắm sửa.

Chợ Chánh An (xã Chánh An, H.Mang Thít) được xây dựng từ hơn 4 năm nay cũng đang lâm vào cảnh chợ vắng người. Giống như nhiều chợ khác, chợ Chánh An có cả nhà lồng, khu vực dành bán hàng “tự sản tự tiêu”, 2 dãy phố với hàng chục ki-ốt cho thuê … Với diện tích và cơ sở hạ tầng như thế, chợ Chánh An có thể đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay, nơi đây luôn trong cảnh đìu hiu vì vắng bóng người kinh doanh.

Càng khốn khổ hơn là chợ Phú Thành (xã Tân Phú, H.Tam Bình). Chợ nằm cách QL 1 chỉ khoảng 20 m, nhưng 13 năm qua, nhà lồng chợ vẫn đóng cửa im lìm. Bà Năm Dấc, một người dân ngụ xã Tân Phú, than: “Để tránh tình trạng họp chợ gần dốc cầu và cặp quốc lộ, Nhà nước đã vận động các tiểu thương đầu tư xây dựng khu chợ mới như hiện nay với kinh phí gần 1 tỉ đồng. Nhưng đưa vào khai thác được có mấy ngày thì đóng cửa cho tới nay”. Người dân nơi đây chỉ thấy lâu lâu có người đến sơn phết lại chợ cho mới. Nhiều người dường như quên hẳn ở địa phương mình có một nhà lồng chợ khang trang.

Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã tìm nhiều biện pháp, nhưng tình trạng các chợ xã sau khi xây dựng không hoạt động hoặc có hoạt động nhưng kém hiệu quả vẫn còn là vấn đề nan giải đang chờ giải quyết.

Thanh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.